Người vi phạm có quyền mời luật sư

Người vi phạm có quyền mời luật sư
TP - Cá nhân, tổ chức bị xem xét tước giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động hoặc bị áp dụng xử phạt từ 50 triệu đồng trở lên, cơ quan có thẩm quyền trước khi ra quyết định xử phạt phải nghe ý kiến giải trình từ luật sư hoặc người đại diện của người vi phạm nếu họ có yêu cầu.

Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính:

Người vi phạm có quyền mời luật sư

Trên đây là một trong những chế định mới mà Luật Xử lý vi phạm hành chính do Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) dự thảo hướng đến. Dự thảo cũng dự kiến mức phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng (quy định hiện nay là 500 triệu đồng), áp dụng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, ngân hàng hoặc chứng khoán…

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Công Hồng (ảnh nhỏ), Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính, cho biết, yêu cầu quan trọng đặt ra đối với dự án luật này là tăng cường tính công khai, dân chủ, minh bạch trong quá trình xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, dự luật bổ sung thêm nguyên tắc xử lý công khai; đảm bảo tính pháp chế và bình đẳng trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.

Được biết, Dự luật đưa ra nhiều điểm mới trong xử lý vi phạm hành chính mà trước đây chưa từng đề cập?

Có 5 điểm mới đáng chú ý. Một là đổi mới về quy trình, thủ tục xử phạt nhằm tăng cường tính minh bạch, dân chủ. Hai là thiết lập cơ chế quản lý theo dõi, thống kê công tác xử lý vi phạm hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu (trong Bộ luật Hình sự, có hơn 70 điều khoản quy định những người đã bị xử lý vi phạm hành chính trong một lĩnh vực cụ thể mà còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi chúng ta hiện chưa có cơ sở dữ liệu theo dõi người vi phạm hành chính).

Ba là, bổ sung một số hình thức xử phạt,biện pháp khắc phục hậu quả mới, như buộc người vi phạm phải lao động phục vụ lợi ích cộng đồng (tính chất khác hoàn toàn với lao động công ích trước đây), hoặc buộc phải học tập các quy định pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm của họ.

Thứ tư là Dự luật cố gắng tạo ra một cơ chế thống nhất, đồng bộ về xử phạt vi phạm hành chính, tránh chồng chéo như hiện nay. Điểm mới thứ năm là có quy định riêng về xử lý vi phạm hành chính người chưa thành niên.

Tuy nhiên, các quyết định xử lý vi phạm hành chính thường được thực hiện từ một phía, tức người có thẩm quyền xử phạt. Vậy làm thế nào để đảm bảo tính dân chủ, công bằng như ông nói ở trên?

Ngoài việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt phải làm rõ những tình tiết vụ việc trước khi ra quyết định, Dự luật còn bổ sung những trường hợp người vi phạm được quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản. Chẳng hạn, các trường hợp bị tước giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề, hoặc mức xử phạt từ 50 triệu đồng trở lên thì cá nhân, tổ chức đang bị xem xét xử phạt sẽ được quyền tự mình hoặc thông qua luật sư, người đại diện giải trình trước khi người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.

ông Nguyễn Công Hồng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính
ông Nguyễn Công Hồng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính.

Ít có pháp lệnh nào như Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính hiện hành vì có hơn 100 nghị định liên quan. Dự luật thay thế Pháp lệnh này liệu có khắc phục được tình trạng một “rừng” nghị định trong lĩnh vực xử phạt hành chính?

Để khắc phục tình trạng này, Dự luật cố gắng xác định những lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể làm cơ sở để Chính phủ ban hành nghị định. Đồng thời, quán triệt tinh thần tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được thông qua, đương nhiên hàng loạt văn bản dưới luật vốn được xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính sẽ phải điều chỉnh, nhưng cố gắng có quy định chuyển tiếp sao cho không gây xáo trộn đời sống kinh tế xã hội. Dĩ nhiên, những điều khoản quy định chuyển tiếp ấy phải do Quốc hội quyết định.

Cần cải tiến theo hướng bán tư pháp

Hiện nay tùy theo hành vi, người vi phạm hành chính còn có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, và giáo dục tại xã -phường-thị trấn. Dự thảo luật đưa ra hai phương án: Một là chuyển toàn bộ những trường hợp như vậy sang tư pháp xử lý, tức là đưa sang tòa án phán quyết; Phương án hai là vẫn giải quyết theo cơ chế quản lý hành chính nhưng quy định có sự tham gia của luật sư, người đại diện của đối tượng vi phạm để họ được giải trình trước khi bị áp chế. “Như thế, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước mới có tính khách quan, dân chủ và thuyết phục hơn. Tôi nghĩ tới đây cần phải cải tiến trình tự thủ tục với các trường hợp này theo hướng bán tư pháp như vậy” – Ông Nguyễn Công Hồng nói.

Ngân Hà (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.