Người về từ Bắc Cực

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Một ngày cuối tuần tháng 7, anh chàng phượt thủ nổi đình nổi đám gốc Sài thành bất ngờ xuất hiện ở Hà Nội. Tóc đuôi gà phóng khoáng, áo phông quần bò năng động và chiếc ba lô cồng kềnh trên lưng, tưởng như bất cứ lúc nào, Hoàng Lê Giang cũng sẵn sàng cho những chuyến đi của riêng mình. 

Giấc mơ cắm cờ Việt Nam ở cực Bắc địa cầu

Những ngày cuối năm 2016, cộng đồng mạng trong nước và kiều bào nước ngoài xôn xao thông tin bình chọn cho chàng phượt thủ người Việt Hoàng Lê Giang để anh có cơ hội tham gia hành trình khám phá Bắc Cực do Hãng Fjallraven Polar - một hãng chuyên sản xuất dụng cụ leo núi, du lịch khám phá tổ chức.

Đây là một cuộc chiến sinh tồn khắc nghiệt tại xứ sở lạnh giá quanh năm tuyết phủ. Các thí sinh tham gia sẽ phải học cách điều khiển những chiếc xe trượt do chó kéo trong một hành trình dài 300 km tại Bắc Cực, với nhiệt độ -30 độ C. Dù đã tổ chức 2 lần nhưng chưa từng có người Đông Nam Á nào tham gia.

Dân phượt trong nước không lạ gì cái tên Hoàng Lê Giang, anh chàng được mệnh danh là “ta ba lô”, từng có kinh nghiệm du lịch qua hơn 30 quốc gia và 7 lần chinh phục dãy Hymalaya, sống sót trong bão tuyết khủng khiếp ở Nepal trở về. Giang còn nằm trong top 10 Iron Man 2016 và đoạt huy chương vàng cuộc thi chạy Obstacle Run - Champion Dash.

Người về từ Bắc Cực ảnh 1 Trong chuyến thám hiểm Bắc Cực.

Với những thành tích đó, cùng 113889 lượt bình chọn của cộng đồng mạng, đầu tháng 4/2017, Giang đã lọt vào danh sách 20 người đến từ 14 quốc gia có cơ hội đặt chân đến cực Bắc của địa cầu. Trước Giang, đã có hai tay leo núi gốc Việt đến Bắc Cực. Nhưng cả hai đều sinh sống tại Mỹ và Canada. Vì thế, Giang là người đầu tiên ở Việt Nam đặt chân đến vùng đất băng giá huyền thoại này.

“Ngày đầu tiên gặp đoàn, tôi hơi sốc và hoang mang. Với chiều cao 1m7, tôi vẫn là người lùn nhất đoàn. Mấy nữ phượt thủ đến từ Hà Lan, Bắc Âu toàn gần 1m9 nên lúc nói chuyện tôi không dám đứng gần luôn. Dù đi núi nhiều nhưng tôi lại không biết trượt tuyết như nhiều người trong đoàn. Việt Nam cũng là nước gần xích đạo nhất trong đoàn, chênh lệch nhiệt độ khá cao (chênh lệch 60 độ C giữa Saigon và núi phía bắc Nauy ) nên khả năng thích nghi với nhiệt độ cũng kém hơn”- Hoàng Lê Giang nhớ lại những trở ngại khi tham gia cuộc hành trình.

Giang kể, mỗi ngày cả đoàn phải di chuyển 80 km trên tuyết, dùng kỹ năng sinh tồn để không ngã bệnh giữa thời tiết khắc nghiệt. Ở những đoạn dốc cao, mỗi thành viên vẫn phải dùng sức để đẩy xe kéo thay chó. Đến nơi, dù tay chân rã rời nhưng vẫn phải tự dựng lều, cho chó ăn. Do sốc nhiệt độ nên Giang bị bỏng nắng trên mặt và bỏng lạnh đầu ngón tay.

Tuy nhiên, nhờ trước đó đã có sự chuẩn bị tốt: tập luyện thể lực với cường độ cao 15 giờ mỗi tuần và sang tận Alaska (Mỹ) để làm quen với khí hậu lạnh, đến Na Uy để tập huấn các kỹ năng sinh tồn trong vùng có nhiệt độ âm 30 độ C, học cách điều khiển chiếc xe có 6 con chó kéo, cách dựng lều trong điều kiện gió lớn, cách đào tuyết để giữ ấm khi không có lều, cách tạo ra lửa từ vỏ cây... nên Hoàng Lê Giang vẫn vượt qua điều kiện khắc nghiệt để giơ cao lá cờ đỏ sao vàng ở đích cuối cùng của cuộc hành trình. 

Nhớ lại khoảnh khắc ấy, chàng phượt thủ sinh năm 1988 vẫn chưa hết bồi hồi. “Chính cộng đồng mạng gồm cả người quen và những người không quen đã đưa tôi đến Bắc Cực. Nhiều người đã nhắn tin với tôi rằng vì họ không làm được nên họ sẽ bình chọn cho tôi, giúp tôi thực hiện ước mơ. Tôi đã rất xúc động. Bất cứ ai cũng có ước mơ nhưng vì cuộc chiến cơm áo gạo tiền, vì sức khỏe, họ đành phải hy sinh...  Ai cũng đang leo một ngọn núi của riêng mình”, Hoàng Lê Giang trầm tư.

Người về từ Bắc Cực ảnh 2 Trên cung đường giữa Kashmir và Ladakh - Bắc Ấn.

Anh nhân viên văn phòng mê dịch chuyển

Hoàng Lê Giang từng tốt nghiệp trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh), học Đại học Ngoại thương và đạt học bổng toàn phần tại trường Đại học Jonkoping của Thụy Điển, chuyên ngành Marketing.

“Thời gian học ở Thụy Điển đã thay đổi con người tôi. Nhìn thấy các bạn trẻ phương Tây tự tin đi du lịch, thám hiểm, tôi tự hỏi tại sao mình không thử”- Hoàng Lê Giang nhớ lại.

Và sau khi tốt nghiệp chương trình học, anh chàng lên kế hoạch, dành hẳn một tháng để thực hiện chuyến đi đầu tiên vòng quanh Châu Âu. “Hồi đó, sinh viên nghèo dành dụm mãi được khoản tiền thì trên đường đi tôi lại bị mất ví và toàn bộ giấy tờ, ngoại trừ vé tàu đi khắp Châu Âu đã mua từ trước. Và thế là tôi đi du ngoạn châu Âu trong 30 ngày chỉ với 300 đôla. Ngủ qua đêm ở ga tàu, ăn bánh mỳ cũng xong bữa. Càng đi, tôi càng quyết tâm khi quay về Việt Nam phải tìm một công việc đàng hoàng, lương thật khá để sau này còn đi tiếp”- chàng phượt thủ 8X cười kể.

Nói là làm, về nước, Giang vừa đảm nhận vị trí marketing cho một công ty công nghệ có tiếng ở TPHCM, vừa điều hành 2 quán cà phê, chỉ để lấy tiền... đi du lịch.

Những chuyến đi đầy kỷ niệm lần lượt sống lại qua lời kể của Giang. Đó là chuyến đi Tây Tạng năm 2012, lần đầu tiên trong đời được đứng trên đỉnh núi tuyết cao, nghe tiếng gió thì thào, gột rửa hết bụi đường. Rồi chuyến đi Bắc Ấn Độ bằng mô tô vào tháng 8/2016. Băng qua một trong những con đèo cao nhất và dài nhất thế giới với những đoạn đường khúc khủy quanh co rợn người. Trải qua cảm giác xe hỏng, co ro giữa đèo trong tình trạng vừa lạnh vừa đói vừa mệt, hay băng qua dòng suối nước lạnh tê người, những đoạn đường đất lún và hứng chịu cơn mưa đá bất ngờ.

Một chuyến đi khó quên với Giang là đến Nepal đúng vào thời điểm đất nước này hứng chịu trận động đất khủng khiếp năm 2015. Mỗi đoạn đường đi qua là la liệt xác người bỏ mạng. Giang và đoàn của mình bị lạc trong sương mù dày đặc, lương thực, nước uống cạn kiệt, nhiệt độ ngày càng xuống thấp. Tin động đất lại về liên tục càng thử thách tinh thần mọi người. Là trưởng đoàn, Giang đã che dấu nỗi lo trong lòng để động viên tinh thần cả đoàn vượt qua chuyến đi bão táp.

Rồi lần đầu tiên được đứng trên đỉnh Himalaya, Giang đã phải trả giá bằng cảm giác mê man, nôn ói suốt hành trình do… say độ cao.

Chọn bộ môn leo núi làm sở thích dù biết điểm yếu của bản thân là “mình dày, chân ngắn”, hỏi vì sao, Giang nói: “Trong chuyến vòng quanh Châu Âu, khi đi cáp treo lên đỉnh Mont Blanc, tôi đã thấy một nhóm người lầm lũi đi lên sườn núi phủ đầy tuyết. Hình ảnh mạnh mẽ, thử thách đấy làm tôi có suy nghĩ tại sao mình không thử chơi môn này. Thế rồi chơi, càng chơi càng nghiện. Đó là một hành trình thầm lặng không người theo dõi, không có đối thủ, không sự tung hô nào khi chạm đỉnh. Thế nên, tôi leo lên đỉnh không phải để được mọi người công nhận mà tôi leo vì chính tôi”.

Tôi leo lên đỉnh không phải để được mọi người công nhận mà tôi leo vì chính tôi.

Hoàng Lê Giang

Ngọn núi cao nhất là chính mình 

Nhìn chàng trai khỏe mạnh, hùng hổ chinh phục bao đỉnh núi cao, vượt qua bao dòng sông băng, thật khó tin Hoàng Lê Giang đang mang trong mình bệnh tim và hen suyễn. Bác sĩ khuyến cáo không được theo đuổi các môn thể thao mạo hiểm nhưng Giang vẫn kiên trì luyện tập, bỏ rượu cai thuốc, nâng cao thể lực để chống chọi bệnh tật, không từ bỏ đam mê.

Giang nói đến bệnh tật nhẹ như không: “Gia đình và bạn bè đều lo lắng có thể tôi sẽ mệt, sẽ ngất xỉu trên đường đi. Nhưng theo tôi tìm hiểu, những triệu chứng đó thường xuất hiện sau 40 tuổi. Từ giờ cho đến lúc đó, tôi sẽ tận dụng từng giây từng phút để đi”.

Tháng 9 này, Giang dự định sẽ leo Elbrus ở Nga là đỉnh núi cao nhất châu Âu. Anh cũng đang tìm hiểu thông tin để chuẩn bị chuyến thám hiểm hang Sơn Đòong ở Quảng Bình. Giang bảo, mục tiêu lớn nhất từ nay đến năm 60 tuổi là có thể đến 7 đỉnh núi cao nhất của 7 châu lục. Đặc biệt là đặt chân lên đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, nơi không chỉ những người leo núi mà với bất kì ai đam mê du lịch đều muốn tới.

“Cảm giác khi đứng trên đỉnh núi cao, hay ngồi dưới bầu trời đêm ngàn sao, mới thấy mình thật bé nhỏ. Lại càng thấy cần phải đi nhiều hơn để biết được điều gì đang chờ đón chờ phía trước”, phượt thủ giãi bày. Đó cũng là lý do Hoàng Lê Giang không bao giờ gọi những chuyến leo núi của mình là chinh phục. Nó chỉ đơn giản là trải nghiệm. Nếu có chinh phục thì chỉ là chinh phục chính nỗi sợ hãi của bản thân mình.

MỚI - NÓNG