Giao đồ ăn đến ổ dịch
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là một trong những ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm cao. Khảo sát của PV Tiền Phong tại cổng bệnh viện này cho thấy, lực lượng chức năng gồm công an phường, nhân viên y tế, bảo vệ lập chốt kiểm soát tại hai cổng ra vào. Đội cảnh sát liên tục nhắc nhở, nhưng anh Nguyễn Đăng Kỷ, hành nghề giao hàng của hãng Grab, vẫn kiên nhẫn gọi điện để kịp giao một gói thực phẩm cho nhân viên phía trong bệnh viện.
Thay vì giao trực tiếp, anh Kỷ để món đồ lên yên xe, đứng cách xa tầm 1,5m rồi chụp ảnh để xác nhận khách hàng đã nhận đồ. Tiền được chuyển khoản, không trao - nhận trực tiếp.
Không tiếp xúc gần, nhưng anh Kỷ vẫn cẩn thận lấy lọ nước sát khuẩn xịt tay cẩn thận. “Tôi biết khu vực Bệnh viện Bạch Mai đang khá phức tạp nhưng vì từ sáng chưa chạy được chuyến nào nên vẫn nhận. Đơn hàng này trả tiền bằng hình thức chuyển khoản nên tôi cũng yên tâm phần nào. Trên đường đi, nghĩ mãi mới tìm ra cách giao hàng từ xa, vừa an toàn, vừa giao được hàng”, anh Kỷ nói.
Tại hàng cơm trên đường Đê La Thành (Hà Nội), gần 10 nhân viên giao hàng của Grab và Now đứng chờ từng suất cơm để giao cho khách. Không gian chật hẹp, mọi người phải xếp hàng, nhưng vì khách giục, cộng thêm tâm lý muốn đi nhanh để chạy thêm đơn hàng khác nên xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.
Phóng viên theo chân chị Lê Thị Thương, nhân viên giao hàng GrabFood, để hiểu hơn quy trình giao nhận hàng. Các khay cơm, nước canh… được cho chung vào thùng đựng thức ăn. Chị Thương di chuyển đến từng địa điểm giao đồ ăn cho khách hàng, nhận tiền (đơn hàng trả tiền mặt) rồi di chuyển đến nơi khác.
Dù chị Thương và các shipper khác đều đeo khẩu trang trong quá trình giao hàng nhưng vẫn đối mặt nguy cơ lây nhiễm bệnh. Các khay cơm, đồ ăn, hàng hóa được đựng chung vào một túi, tiền được trao tay, đưa qua, trả lại từ người này sang người khác. Các shipper liên tục gặp các khách hàng khác nhau, người đeo khẩu trang, người không.
Thường xuyên sát khuẩn tay
Vừa giao xong một đơn hàng đồ uống cho khách, anh Lê Minh Hải, nhân viên giao hàng của hãng Grab, vội cầm lọ sát khuẩn lên rửa tay. “Tôi luôn đeo khẩu trang và chuẩn bị cho bản thân một lọ nước sát khuẩn. Dù hạn chế nhận các đơn hàng trả bằng tiền mặt, nhưng đặc thù công việc nên rất khó tránh khỏi. Sau mỗi đơn hàng tôi lại sát khuẩn tay, có ngày nhiều đơn hàng, tôi sử dụng gần hết lọ 100ml”, anh nói.
Chị Nguyễn Thanh Hoa, chủ quán chè trên phố Chùa Láng (Hà Nội) chia sẻ, thực hiện chủ trương của thành phố, chị chỉ bán hàng cho người mua về, từng người một vào lấy hàng, không được tụ tập trước cửa hàng. “Chúng tôi yêu cầu shipper trước khi nhận hàng phải sát trùng tay bằng dung dịch sát khuẩn tại ngay cửa ra vào. Sau khi giao hàng cho khách xong cũng tiếp tục sát khuẩn tay”, chị nói.
Những ngày này, các hội nhóm nghề giao hàng như “AE GrabBike Hà Nội”, “Giao hàng nhanh Hà Nội”… với hàng ngàn thành viên sôi động hơn thường lệ. Thông tin các khu có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh COVID-19 được chia sẻ để các thành viên hạn chế giao hàng, nếu có đơn hàng thì lên kế hoạch bảo vệ bản thân một cách tốt nhất.
Anh Vũ Trường Sơn, tài xế hãng Be, cho hay, khách hàng có thể chọn điểm giao nhận trước cửa nhà, tại quầy tiếp tân hay bất kỳ vị trí nào thuận tiện. Tài xế sẽ đặt đồ tại vị trí đã được chỉ định, thông báo đơn hàng đã đến qua cuộc gọi hoặc tin nhắn và đứng chờ khách ở khoảng cách 2 - 3m. “Khách hàng được khuyến khích thanh toán trước. Nếu thanh toán bằng tiền mặt, khách hàng có thể gửi lại phong bì tiền tại điểm giao món ăn. Chúng tôi được khuyến nghị cần thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng trước và sau khi giao nhận đơn hàng”, anh nói.
“Người vận chuyển” xếp hàng chờ lấy đồ để giao cho khách
Hãng xe công nghệ Grab quyết định dừng dịch vụ giao đồ ăn (GrabFood) tại Đà Nẵng theo yêu cầu của chính quyền địa phương từ 2-15/4. Tại Hà Nội và TPHCM, hãng vẫn cung cấp dịch vụ này. Đại diện Bộ GTVT cho hay, dịch vụ kinh doanh bằng xe máy, Bộ GTVT không quản lý mà giao về cho các địa phương, do đó, việc dừng hay tiếp tục do địa phương quyết định.