Một: Tín đồ đạo Hồi Bathily dẫn 6 con tin trốn xuống hầm lạnh thoát khỏi tay súng được cho là đã tấn công cửa hàng tạp hóa ở Porte de Vincennes, Pháp để ủng hộ anh em nhà Kouachi. Người hùng 24 tuổi sau đó nói: “Chúng ta là anh em. Bất kể là người Do Thái, người Cơ đốc giáo hay đạo Hồi, chúng ta đều trên cùng một con thuyền. Phải giúp nhau thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.”
Hai: ông Catalano, chủ nhà in đã pha cà phê và băng bó cho nhà Kouachi khi họ chọn nhà máy của ông làm nơi cố thủ. Khi biết mình trước sau cũng bị cảnh sát tiêu diệt, hai kẻ khủng bố thả cho con tin duy nhất ra đi. “Tôi hạnh phúc vì đã sống sót, nhưng tôi không thể nói chính xác tôi có vui vì họ đã chết hay không”, Catalano nói. “Họ hẳn phải có lòng nhân đạo vì họ đã để tôi đi”.
Tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện khác, giản dị hơn cũng liên quan đến đạo Hồi. Nhà nhiếp ảnh Jimmy Nelson chuyên chụp các bộ tộc được coi là “hoang dã” ở tận cùng thế giới- tức là lánh xa thế giới văn minh náo loạn. Ở Mông Cổ, khi Jimmy chọn được thời điểm ánh sáng đẹp để chụp ba người đàn ông Kazakh trên lưng ngựa cùng chim ưng săn mồi của họ thì nhiệt độ trên đỉnh núi đang -20oC.
Trong khi Jimmy đang tuyệt vọng vì những ngón tay cứng đơ không thể bấm máy, một trong hai người phụ nữ vẫn lặng lẽ đi theo mà ông không biết đã tiến tới cầm tay ông ủ vào trong áo của mình cho đến khi ông lấy lại cảm giác để bấm máy. Người phụ nữ theo đạo Hồi. Việc làm này đồng nghĩa với sự phá vỡ thứ luật lệ cô vẫn hằng tuân theo.
Cũng giống như bác sĩ quân y vẫn cứu chữa kẻ địch bị thương hay hình ảnh nổi tiếng đã đi vào lịch sử báo chí: Người lính dừng chân cho đại diện đối phương đang hấp hối ngụm nước từ bi-đông.
Sẽ có một (hoặc nhiều) lúc nào đó trong đời, dù đang đi trên những con đường rất khác nhau, con người cũng sẽ nhận ra mình trần trụi chỉ là người mà thôi. Việc chọn lựa yêu thương hay căm thù đơn giản do mình. Con đường mình đang đi chỉ là hoàn cảnh.