Người từng làm việc tại Nhà Trắng nói về đầu tư giáo dục

Ông Phạm Đức Trung Kiên chia sẻ về đầu tư giáo dục
Ông Phạm Đức Trung Kiên chia sẻ về đầu tư giáo dục
TPO - Tại Việt Nam mấy năm gần đây bắt đầu xuất hiện sự tham gia của các tập đoàn vào giáo dục. So với đầu tư các lĩnh vực khác thì sự đầu tư trong giáo dục là được hay mất, lỗ hay lãi?

Ông Phạm Đức Trung Kiên làm việc tại Nhà trắng dưới thời Tổng thống Reagan trong vai trò trợ lý đặc biệt phụ trách các hiệp định thương mại quốc tế và đã được tổng thống Reagan biểu dương trong một bài diễn văn tại Nhà Trắng vào mùa thi năm 1985, khi đó ông 27 tuổi. 

Ông được vinh danh là một trong những cựu sinh viên xuất sắc nhất trong lịch sử 100 năm của trường ĐH Stanford.

Trước khi quyết định rời Hoa Kỳ và đưa gia đình về Việt Nam để theo đuổi sự phát triển của giáo dục cách đây 13 năm, ông đã góp công lớn vào việc thành lập quỹ VEF, quỹ học bổng toàn phần của Chính phủ Hoa Kỳ, đưa hơn 600 sinh viên Việt Nam sang Mỹ đào tạo sau ĐH về khoa học công nghệ.

Ông Phạm Đức Trung Kiên đã có những chia sẻ về câu chuyện đầu tư trong giáo dục trong bối cảnh Việt Nam đang có những tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này, khi mà thị trường giáo dục công – tư, trong nước – ngoài nước đang dần không còn khoảng cách.

Giáo dục Việt Nam hiện nay, nhất là bậc phổ thông đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vậy theo ông, đầu tư vào giáo dục có gì khác với các lĩnh vực khác?

Theo tôi, ngành giáo dục là một môi trường đầu tư có nhiều điểm đặc thù. Thứ nhất, ngành giáo dục ở bất cứ quốc gia nào, nhất là từ mầm non đền bậc trung học, đều có sự quản lý của chính quyền trung ương hoặc địa phương. Các nhà đầu tư không thể làm việc tùy tiện được.

Thứ nhì, giáo dục là một ngành có nhu cầu cao và kéo dài, nhất là ở các nước có truyền thống giáo dục lâu năm như ở Việt Nam Do đó, đây là một thị trường nhiều tiềm năng và hấp dẫn.
Thứ ba, khách hàng của ngành giáo dục không phải chỉ là các em học sinh, sinh viên mà còn là cả gia đình các em.

Là nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi phải đáp ứng nhu cầu của các em cũng như của cha mẹ các em. Ngoài ra, thầy cô và ban giám hiệu nhà trường đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục đến các em và gia đình.

Do đó, nhà đầu tư phải sẵn sàng làm việc với nhiều đối tượng khác nhau trong môi trường đầu tư này. Nói chung, đây là một ngành đầu tư đòi hỏi những người có tư duy xã hội tốt và mong muốn góp tay vào việc xây dựng thế hệ tương lai trong lúc thực thi việc quản lý để mang lại đầy đủ lợi nhuận cho các khoản đầu tư của mình.

Điều gì tạo nên sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào giáo dục?

Đối với tôi là một nhà đầu tư, ngoài việc tìm kiếm lợi nhuận cao, tôi cũng muốn đầu tư vào những công ty hoặc những ngành có mang lại ảnh hưởng tốt cho xã hội. Nếu tôi đầu tư vào một chuỗi quán ăn ngon hoặc một phòng tập thể dục tốt thì chắc chắn tôi cũng đóng góp được cho sự phát triển tốt của xã hội.

Tuy nhiên, khách hàng của tôi sẽ không dùng sản phẩm và dịch vụ của tôi liên tục không ngừng năm ngày mỗi tuần, 10 tháng mỗi năm và có thể kéo dài đến cả 12 năm như trong ngành giáo dục. Một khi chúng tôi thực hiện tốt việc giáo dục cho các em thì chắc chắn cha mẹ sẽ tiếp tục cho các em đến trường của chúng tôi để học tập trong nhiều năm sắp tới.

Về phía chúng tôi, được chứng kiến sự phát triển của các em từ khi còn nhỏ đến khi trở thành những thanh thiếu niên tốt cho xã hội, thì đó là một điểm hấp dẫn mà các mảng đầu tư khác không thể mang đến được.

Vì thế, ngoài việc tham gia đầu tư vào chuỗi trường Việt Úc ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi còn đang tham gia thành lập Trường Mầm non và Phổ thông Quốc tế ParkCity Hà Nội (ISPH). Mặc dù là trường quốc tế, ISPH dự định sẽ dành 50% tổng số học sinh cho con em Việt Nam để các em cũng có cơ hội theo học một ngôi trường quốc tế theo tiêu chuẩn Anh Quốc mà không phải xa gia đình đi du học quá sớm.

Ở Việt Nam, theo ông, đã có thị trường giáo dục chưa?

Tôi nghĩ nơi nào có sự cạnh tranh trong cung và cầu thì nơi đó đã có thị trường rồi. Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã có sự cạnh tranh rõ rệt về phía cung; các trường cạnh tranh nhau để cung cấp dịch vụ giáo dục tốt và tuyển các học sinh tốt nhất.

Về phía cầu, các gia đình đều mong muốn con em mình vào các trường tốt nhất và cha mẹ đều so sánh các cơ hội học tập khác nhau cho con của mình. Do đó, tôi nghĩ ngành giáo dục Việt Nam đã là thị trường sôi nổi rồi. Thông tin về cung và cầu đều có thể tìm thấy trên báo chí cũng như các phương tiện truyền thông trên Internet.

Khi quyết định đầu tư vào giáo dục, ông nghĩ mình sẽ được gì và sẽ mất gì?

Có lẽ để trả lời câu hỏi này, tôi muốn chia sẻ câu chuyện về khoản đầu tư lớn đầu tiên của tôi vào Việt Nam cách đây đúng 20 năm.

Khi ấy, tôi bỏ ra 75 nghìn đô la Mỹ để giúp xây lại một ngôi trường tiểu học đã xiêu vẹo tại một xã nông thôn ở Đông Triều, Quảng Ninh. Từ đó, ngôi trường này đã phát triển không ngừng và nay đã trở thành trường đạt chuẩn quốc gia.

Hầu như mỗi năm, tôi đều có dịp trở lại thăm ngôi trường này. Khi ngồi dưới bóng mát của cây hoa phượng mà chính tay tôi đã trồng ở sân trường cách đây 20 năm, được chứng kiến các em học tập và vui đùa, tôi thực sự cảm nhận được thành quả đầu tư của mình. Có lẽ trong cuộc đời đầu tư của tôi, đây là khoản đầu tư mà tôi gặt hái được nhiều hạnh phúc nhất.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.