Người trẻ trước mối nguy 'biến dạng văn hóa'
> Vấn đề tuổi trẻ với việc làm và xóa đói giảm nghèo ở Festival 18
> Festival 18: Niềm vui tụ hội bất chấp gian khổ
TPO - Ngày 10/12 (tối 10, rạng ngày 11/2013 giờ Hà Nội), tại Festival Thanh niên, SV thế giới lần thứ 18 diễn ra khoảng 15 hội nghị, hội thảo.
Các sự kiện này xoay quanh chủ đề “Tiếp cận công cộng, miễn phí và toàn cầu hóa đối với thông tin về giáo dục, khoa học, văn hóa”. Đây cũng là Ngày châu Phi tại Festival.
Tại hội thảo chuyên đề “Tiếp cận văn hóa và sản phẩm văn hóa; Tiếp cận thể thao; Bảo tồn và phá triển văn hóa mỗi dân tộc”, diễn giả Việt Nam Phùng Thị Thanh Thủy đã tham luận với chủ đề “Bản sắc văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế”.
Đại biểu Thủy đã nêu tổng quan về bản sắc văn hóa Việt Nam, đặc điểm của trong hội nhấp quốc tế, các giải pháp của Việt Nam để bảo tồn và phát huy nền văn hóa tiên tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và vấn đề tiếp biến văn hóa. Về giải pháp của Việt Nam để bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, diễn giả Thủy nêu bật vai trò của quản lý nhà nước, bên cạnh đó cũng nhấn mạnh vai trò của Đoàn Thanh niên, tuổi trẻ.
Đại biểu Ecuador nói về việc giai đoạn Tây Ban Nha đô hộ đã làm biến dạng văn hóa bản địa. Từ khi Tổng thống Correa lên nắm quyền, vấn đề bảo vệ và phát triển văn hóa được đưa vào hiến pháp.
Tại một hội nghị khác về văn hóa, đại biểu Namibia than phiền người trẻ nước này không còn một bản nhạc thuần dân tộc để nghe, một món ăn thuần dân tộc để thưởng thức. Văn hóa từ các nước tư bản đã xâm nhập và làm biến dạng hoàn toàn văn hóa quốc gia châu Phi này.
Đại biểu Nicaragoa than phiền người trẻ bây giờ kiệt sức trong học hành, mưu sinh khiến không còn thời gian để tiếp cận và hưởng thụ văn hóa.
Đại biểu Tây Sahara cho rằng văn hóa, giáo dục, thông tin đang ở trong tay và trở thành công cụ của chủ nghĩa tư bản. Đại biểu Triều Tiên lại nêu thể thao như một công cụ phát triển quan hệ và tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Tại hội nghị về vấn đề đấu tranh để được hưởng nền giáo dục miễn phí và có chất lượng, đại biểu Colombia cho rằng tại nhiều nước có những vấn đề lớn về giáo dục. Thứ nhất, người trẻ không có nguồn lực để theo học. Thứ hai, chất lượng giáo dục không đảm bảo.
Ở các nước tư bản, có vẻ chính phủ đầu tư nhiều vào giáo dục nhưng hầu hết là người ở “tầng lớp trên” được hưởng, người nghèo vẫn không có cơ hội, học cấp ba trở lên là rất khó đối với họ. Đại biểu này kêu gọi một nền giáo dục có chất lượng, miễn phí cho người trẻ. Một đại biểu châu Phi nói về nguy cơ nền giáo dục lai căng làm mai một văn hóa dân tộc.
Tại hội thảo chuyên đề “Thông tin về giáo dục văn hóa trong tay tư bản: một công cụ của hệ thống lôi kéo”, các đại biểu Colombia, Ecuador, Chile nêu vấn đề giáo dục đang bị thương mại hóa, giáo dục đại học quá đắt, rất đông người trẻ sau khi tốt nghiệp trung học không thể học tiếp lên đại học được. Đại biểu Mỹ nói giáo dục đại học ở Mỹ đắt nhất thế giới, nhiều người nghèo không thể học.
Một số diễn giả kêu gọi giáo dục như quyền lợi cơ bản nhất của con người phải miễn phí và mọi người phải được hưởng nền giáo dục như nhau. Đại biểu Chile nói: “Chúng tôi chưa cần cải cách giáo dục, nhưng chính phủ không được chiếm cái quyền thụ hưởng giáo dục của người dân”.
Một đại biểu than phiền rằng chính phủ nước mình đầu tư vào quân sự ngang giáo dục, trong khi lẽ ra phải ưu tiên giáo dục.
WFDY gắn chặt với cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam
Trong ngày thứ tư ở Festival diễn ra hội nghị quan trọng với chủ đề “68 năm Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới (WFDY) vì công tác thanh niên” dưới sự điều khiển của Chủ tịch WFDY Dimitris Palmirys và đại diện các châu lục, trong đó có Phó trưởng Ban đối ngoại T. Ư Trần Đắc Lợi.
Lê Xuân Sơn
Từ Quito, Ecuador