Người trẻ Singapore sống như 'ẩn sĩ', nhiều năm không bước ra khỏi nhà

Người trẻ Singapore sống như 'ẩn sĩ', nhiều năm không bước ra khỏi nhà
Hikikomori, từ chỉ những người 6 tháng trở lên không bước chân ra khỏi nhà, bắt nguồn từ Nhật Bản, phổ biến ở Hàn Quốc, Hong Kong và giờ đây trở thành nỗi lo ở đảo quốc sư tử.

Jane (tên nhân vật đã được thay đổi) mắc chứng trầm cảm vào năm 2015. Thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân và bác sĩ, cô gái 27 tuổi lúc đó quyết định nhốt mình trong nhà.

Trong hơn 2 năm, Jane như một “ẩn sĩ”. Cô sống bằng tiền tiết kiệm, mua mọi thứ online từ thực phẩm đến thuốc thang. Đôi lúc 8X nghe nhạc, xem video, chơi guitar hoặc đọc sách. Nhưng phần lớn thời gian, cô không có tâm trạng làm bất cứ việc gì.

“Nhiều lúc, tôi chỉ muốn giày vò bản thân”, Jane nói.

Ở ẩn được vài tháng, Jane quyết tâm đoạn tuyệt tất cả với thế giới bên ngoài. 8X đóng cửa quán cà phê do cô mở sau khi tốt nghiệp đại học.

Khi được hỏi vì sao lại chọn cuộc sống như vậy, cô gái người Singapore cho biết mọi chuyện cứ xảy đến tự nhiên. "Tôi không bao giờ nghĩ về lý do nhưng tôi cảm thấy tốt hơn khi sống một mình”, cô nói.

Gần đây, Jane được bác sĩ tâm lý kết luận là một hikikomori. Thuật ngữ được đặt bởi bác sĩ tâm thần Nhật Bản Tamaki Saito để chỉ những người này tự giam mình trong nhà, sống tách biệt với xã hội từ 6 tháng trở lên.

Tại Singapore, Jane và nhiều người khác lần đầu tiên nghe đến khái niệm này. Viện sức khỏe Tâm thần tuyên bố chưa tìm thấy bất kỳ trường hợp hikikomori nào tại quốc đảo sư tử.

Tuy nhiên, chưa tìm thấy không có nghĩa là không tồn tại. Trong cuộc phỏng vấn với Today Online, các nhân viên xã hội, chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần tại đảo quốc Đông Nam Á cho biết mỗi năm họ đã gặp và điều trị với ít nhất 5 hikikomori, hầu hết từ 10-39 tuổi.

Nhốt mình trong căn phòng bốc mùi cá và chuột chết

Các hikikomori thường có mối quan hệ xã hội rất kém tại trường học, nơi làm việc. Họ không muốn giao du nhiều, hiếm khi liên lạc với mọi người, kể cả các thành viên trong gia đình.

Không học hành, không làm việc, những người này nhốt mình trong bốn bức tường và thường chỉ chơi game, xem tivi, ngủ cả ngày.

Bác sĩ Praveen Nair, trung tâm tư vấn tâm lý Raven, kể rằng ông từng điều trị cho một hikikomori 29 tuổi vào năm 2016. Người này làm việc trong 2-3 năm trước khi nghỉ hẳn vì “không thích đi làm”.

Trong 4 năm sau đó, anh ta không bao giờ bước chân ra khỏi nhà.

Ngay cả khi những con vật chết trong phòng, bốc mùi hôi thối, người đàn ông gần 30 tuổi này cũng quyết không mang chúng đi vứt.

Ông Nair nói nam thanh niên gần như mất hết các kỹ năng tương tác cơ bản. Anh ta luôn né tránh ánh mắt người đối diện khi giao tiếp, thích khoanh tay khi đi lại và thỉnh thoảng tự lẩm bẩm một mình.

Người trẻ Singapore sống như 'ẩn sĩ', nhiều năm không bước ra khỏi nhà ảnh 1
Sau vài tháng tư vấn cho người này, vị bác sĩ tâm lý cuối cùng đã phải bỏ cuộc vì bệnh nhân không hợp tác. Tại Nhật Bản, cuộc khảo sát của chính phủ năm 2015 báo cáo có khoảng hơn 540.000 người, tương đương với 1,57% dân số, trong độ tuổi từ 15-39 là những hikikomori. Một nghiên cứu của Hàn Quốc năm 2005 cho thấy có 33.000 thanh niên sống cách ly với xã hội. Còn các chuyên gia ở Hong Kong ước tính rằng có thể có 140.000 người trẻ tuổi trên phạm vi lãnh thổ đang nhốt mình trong nhà. Không giống như ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Hong Kong, Singapore thiếu những nghiên cứu và số liệu cụ thể về hikikomori. Dọa tự tử khi bị ép bước ra khỏi nhà

 Paul Tan, chuyên viên tư vấn xã hội, nói rằng việc giúp đỡ những hikikomori càng trở nên khó khăn hơn khi đa số họ đều không hợp tác.


Anh nhớ lại trường hợp của một học sinh trung học 14 tuổi mình từng nhận tư vấn trước đây. Thiếu niên này đã không đến trường khoảng một năm trước khi được cha mẹ gửi đến các trung tâm sức khỏe tâm thần.

Khi bị gia đình ép đi học, cậu bé có biểu hiện bất ổn, thường xuyên tự làm mình bị thương và còn đe dọa làm hại những người xung quanh.

“Lần đầu tiên tôi đến nhà, cậu bé không chịu mở cửa phòng ngủ và chỉ nằm trong đó chơi game trên điện thoại”, Tan kể.
Chuyên viên tư vấn đã thử quay lại thêm 3-4 lần nữa nhưng tất cả đều không thu được kết quả gì.

Trong một số lần đến nhà và cố bước vào phòng cậu bé, Tan thậm chí bị ném đá.

Các bức thư anh nhét vào cửa phòng ngủ đều không có phản hồi.

Quá trình tư vấn thất bại hoàn toàn sau vài tháng.

Một số trường hợp khác Tan từng gặp còn cực đoan hơn.

Không ít hikikomori dọa tự sát, cắt cổ tay và đánh những người xung quanh khi bị cha mẹ ép ra khỏi nhà.

Các bác sĩ và chuyên gia tâm lý cho rằng nhiều ông bố bà mẹ đang nhìn nhận sai về hikikomori khiến cho quá trình tư vấn, điều trị cho con cái họ dễ thất bại.

Một số không hiểu gì về vấn đề con mình đang đối mặt. Họ coi việc con cái ở lì trong nhà, không đi học, không đi làm chỉ là biểu hiện của sự lười nhác và ích kỷ.

Vì thế, bằng mọi cách họ ép chúng bước ra khỏi phòng. Tuy nhiên "tức nước vỡ bờ", hành động này lại khiến mọi việc thêm tồi tệ.

Số khác lại hiểu sai hikikomori là một bệnh tâm thần. Những người này thường rất ngại tìm kiếm sự giúp đỡ công khai vì sợ bị cộng đồng kỳ thị.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ tâm lý và nhà tâm lý học, hikikomori không phải là một loại bệnh tâm thần. Bác sĩ tâm lý Marcus Tan của phòng khám sức khỏe tâm lý Nobel nói hikikomori chỉ là một tập hợp các đặc điểm hành vi.

Một người có thể gặp vấn đề này sau khi trải qua các bệnh tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế… hoặc quá căng thẳng vì chuyện học hành, công việc.

Mỗi ngày là một quá trình tự điều trị

Bác sĩ Tan, người đã chứng kiến 10-15 trường hợp hikikomori trong suốt 20 năm làm việc, nói rằng khoảng một nửa số bệnh nhân của ông thường xuyên đến khám, từ 1-2 lần một tháng. Có 2-3 bệnh nhân đã dừng điều trị vì không đủ kiên trì.

Quá trình phục hồi thường rất chậm và kéo dài trong khoảng thời gian dài, không thể xác định. Điều này khiến những người sống ẩn dật dễ nản chí, bỏ cuộc.

Từng điều trị 10-20 trường hợp từ năm 2004, bác sĩ Nair nói hầu hết bệnh nhân hikikomori của ông tuân theo phương pháp "mưa dầm thấm lâu", tức điều trị nhẹ nhàng nhưng đều đặn.

"Thật khó để kết luận một trường hợp đã bình phục hoàn toàn hay chưa. Tôi vẫn thường nói với các bệnh nhân của mình rằng hãy kiên trì, cảnh giác và phải coi mỗi ngày là một quá trình tự điều trị", vị bác sĩ nói thêm.

Sau một thời gian tiếp nhận điều trị tại trung tâm của bác sĩ Nair, Jane đã khá hơn trước rất nhiều. Gần đây, cô còn theo học văn bằng hai ngành Tâm lý học.

Tuy nhiên, hành trình tìm lại cuộc sống bình thường của Jane chưa kết thúc. Vật cản khó khăn nhất cô phải vượt qua mỗi ngày không gì khác, đó chính là bản thân cô.

"Ngày hôm nay có vẻ tôi đang làm tốt nhưng vẫn còn rất nhiều thử thách. Chính xác là tôi phải cố gắng mỗi ngày nếu không muốn trở lại trạng thái đó", Jane nói.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG