Người trẻ ở 'quốc gia đáng sống' nghỉ việc vì kiệt sức

Thụy Điển luôn nằm trong danh sách những quốc gia hạnh phúc, đáng sống nhất thế giới. Nhưng ngày càng nhiều người trẻ nước này nghỉ việc vì căng thẳng.
Bài viết trên BBC nói về thực trạng, nguyên nhân của “burnout” - hội chứng gây ra bởi căng thẳng mạn tính không kiểm soát ở nơi làm việc - đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người trẻ Thụy Điển và giải pháp để giải quyết vấn đề này. Natali Suonvieri, 27 tuổi, sống ở vùng Gothenburg bên bờ biển phía tây Thụy Điển, làm quản lý marketing cho một công ty khởi nghiệp nhỏ. Mỗi ngày, cô chỉ làm việc theo giờ tiêu chuẩn từ 8h-17h. Đôi khi cô làm thêm một chút ngoài giờ hoặc kiểm tra email vào buổi tối. Năm 2017, nhiều người xung quanh bất ngờ khi cô gái trẻ được chẩn đoán rơi vào tình trạng “burnout”. “Tình trạng ngày một nặng nề hơn. Tôi phải nghỉ ốm tận một năm. Trong khoảng 3-4 tháng liền, tôi chỉ nằm bẹp trên giường. Tôi không thể nào tập trung và rất khó khăn để ghi nhớ mọi thứ”, Natali kể. Là công dân ở một quốc gia được xếp vào danh sách những nơi hạnh phúc, đáng sống nhất thế giới nhưng Natali Suonvieri không phải là người trẻ hiếm hoi rơi vào “hiện tượng mang tính nghề nghiệp này”.
Người trẻ ở 'quốc gia đáng sống' nghỉ việc vì kiệt sức ảnh 1 Ngày càng nhiều người trẻ Thụy Điển rơi vào căng thẳng trong công việc. Ảnh: BBC.
Theo BBC, Thụy Điển nổi tiếng có văn hóa làm việc linh hoạt, chính sách nghỉ phép dài ngày và những khoản phúc lợi xã hội hào phóng nhất trên thế giới. Thế nhưng, nghịch lý là số người trẻ được chẩn đoán mắc các bệnh liên quan đến căng thẳng mạn tính (bao gồm tình trạng “burnout”) - tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Thụy Điển, tình trạng này chiếm hơn 20% các trường hợp trợ cấp ốm đau ở tất cả các nhóm tuổi. Tính từ năm 2013, tỷ lệ đã thay đổi đáng kể ở những người lao động trẻ, tăng đến 144% cho những người 25-29 tuổi. Hội chứng này cũng là lý do phổ biến nhất khiến người dân ở đất nước Bắc Âu nghỉ việc vào năm 2018. Cuộc chạy đua vô hình

Nghĩ tới Thụy Điển, người ta thường nghĩ tới hình ảnh của các văn phòng làm việc kiểu dáng sang trọng, những giờ nghỉ ngơi bên bàn cà phê, trà bánh và ngày làm việc cuối tuần kết thúc sớm vào chiều thứ 6.

Mặc dù không phải mọi người đều được hưởng những dịch vụ xa xỉ nhưng các số liệu đưa ra cho thấy ít hơn 1% người Thụy Điển phải làm việc quá 50 giờ một tuần, công dân được đảm bảo ít nhất 5 tuần nghỉ lễ trong một năm.

Bởi vậy, thật khó tưởng tượng tới chuyện một nhân viên nào đó bị rơi vào tình trạng kiệt sức vì phải hoàn thành các nhiệm vụ tại cơ quan hay chuyện họ chẳng được nghỉ ngơi lúc đã rời bàn làm việc về nhà.

Tuy nhiên, giáo sư Marie Asberg, bác sĩ tâm thần tại Viện Karolinska - trung tâm nghiên cứu y học lớn nhất Thụy Điển - giải thích rằng tình trạng “burnout” bao hàm nhiều yếu tố chứ không chỉ là cảm giác của những áp lực đơn thuần từ công việc.

Cecilia Axeland, 25 tuổi, đến từ Stockholm đồng ý với quan điểm này.

Hai năm trước, cô rơi vào tình trạng stress vì công việc.

Dù làm việc trên mức thời gian trung bình và đi lại rất nhiều nơi do đặc trưng công việc bán hàng nhưng đó lại không phải nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng của Cecilia.

Cô gái trẻ cảm thấy áp lực phải tập luyện thể thao và cố gắng làm những điều có ý nghĩa trong thời gian rảnh rỗi lại là tác nhân chính khiến cô kiệt sức.

“Tôi vô cùng áp lực. Những định kiến như bạn phải khỏe khoắn, ăn uống lành mạnh, bạn nên thư giãn nhưng cũng cần đi ra ngoài kia khám phá thế giới, những kế hoạch khiến tôi dường như chẳng bao giờ thực sự được nghỉ ngơi”, cô nói.

Người trẻ ở 'quốc gia đáng sống' nghỉ việc vì kiệt sức ảnh 2 Vòng xoáy của áp lực cuộc sống khiến ngày càng nhiều người trẻ rơi vào căng thẳng. Ảnh: Op-med.
“Cũng không trách được khi những người nước ngoài khó để tin là những người dân Thụy Điển đang kiệt sức bởi họ nhìn thấy chúng tôi được hưởng nhiều phúc lợi đặc biệt”, Pia Webb - chuyên gia nghiên cứu về cuộc sống và công việc nhận định. Người này cho rằng một trong những yếu tố tạo nên “Swedish problem” (tạm dịch: vấn đề của Thụy Điển) là khi mọi người kết thúc ngày làm việc lúc 17h, thậm chí sớm hơn, và “thật tệ khi người ta không làm gì”. Giáo sư Marie Asberg nhận định việc không sắp xếp thời gian thư giãn thích hợp là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến kiệt sức lâm sàng và khẳng định “burnout” không chỉ là một phản ứng khi làm việc nhiều giờ. “Bộ não của chúng ta đôi khi không thể phân biệt giữa việc ‘làm việc’ và các nhiệm vụ giống như công việc khác. Chẳng hạn như lên kế hoạch cho nhiều hoạt động trong thời gian rảnh rỗi, sở thích cá nhân hoặc thức khuya để lướt mạng xã hội cũng được não xếp vào loại việc cần tốn công sức”, nữ giáo sư phân tích. Áp lực của xã hội hiện đại Giáo sư Marie Asberg chỉ ra rằng bên cạnh phương tiện truyền thông xã hội và điện thoại thông minh, có những áp lực đương đại khác có thể ảnh hưởng đến sự gia tăng các rối loạn tâm lý ở Thụy Điển. Trong thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, nơi những người trẻ tuổi có thể đấu tranh để đảm bảo việc được làm lâu dài trong các lĩnh vực phổ biến, nhiều người rất nhạy bén, mong muốn chứng tỏ họ là một người giỏi và cố gắng làm việc chăm chỉ hơn mức cần thiết để thể hiện điều đó. Xã hội hiện đại thường cổ vũ con người theo đuổi ước mơ cũng là một dạng khiến người ta căng thẳng vì vốn bản thân họ đôi khi không biết mình đam mê điều gì, cũng chẳng có kế hoạch rõ ràng. Nữ giáo sư cho rằng những người lâm vào căng thẳng thường có tính cách tham vọng. Họ thường muốn thành công và muốn cho thấy cả thế giới thấy họ tuyệt vời đến mức nào. Bởi vậy chính họ tự làm việc quá sức và vượt giới hạn chịu đựng của mình.
Người trẻ ở 'quốc gia đáng sống' nghỉ việc vì kiệt sức ảnh 3 Nhiều người mệt mỏi khi phải liên tục cố gắng để chứng minh năng lực bản thân trong công việc cũng như cuộc sống. Ảnh: BBC.
Một số chuyên gia cho rằng cấu trúc xã hội Thụy Điển cũng là nguyên nhân tạo ra căng thẳng cho những người trẻ tuổi về sức khỏe tâm thần. Selene Cortes, đến từ Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần, chỉ ra có một chuẩn mực văn hóa khuyến khích người Thụy Điển nên độc lập từ khi còn trẻ. Điều này vô tình khiến nhiều người cảm thấy nó như một gánh nặng. “Những người trẻ tuổi khá cô đơn trong quá trình xây dựng cuộc sống tương lai”, cô nói. Đã sống ở Anh và làm việc với các khách hàng khắp châu Âu, Pia Webb đồng ý với quan điểm này. “Các nền văn hóa khác có xu hướng gắn bó gia đình, mọi người giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng điều đó giúp họ có nhiều thời gian thư giãn. Ví dụ một cuộc gặp gỡ gia đình trong bữa tối, hay người Anh thường cùng nhau ngồi uống trà chiều”, cô nói. Tử tế với bản thân Sau 4 tháng nghỉ ngơi, Cecilia Axeland đã thoát khỏi hội chứng căng thẳng của mình. Cô học một ngành mới và chuyển công việc sang lĩnh vực công nghệ. Dành thời gian để thư giãn hoàn toàn là lời khuyên của Cecilia Axeland cho những người rơi vào tình trạng giống mình. Cô có ý thức hơn trong việc tìm ra thời gian để thoát khỏi mối bận tâm về công việc và tìm kiếm sở thích hàng ngày. “Tôi thường đi dạo để thư giãn đầu óc và để điện thoại ở nhà. Không ai có thể tiếp cận với tôi lúc đó. Trước đây, tôi luôn cố chứng minh bản thân mình. Còn bây giờ tôi sẽ nói rằng tôi rất tử tế với bản thân, đó mới là điều quan trọng nhất”, cô gái 25 tuổi nói. Khó để có một sự so sánh tương quan về hội chứng "burnout" trên toàn cầu, bởi không phải quốc gia nào cũng thừa nhận những chẩn đoán về nó. Nhiều quốc gia không chính thức công nhận “burnout” là một tình trạng y tế nhưng nó đã được chẩn đoán hợp pháp ở Thụy Điển kể từ năm 2003. Những con số lớn được đưa ra ở Thụy Điển đã giúp xây dựng những căn cứ y khoa cho thực trạng này. Nghiên cứu về hội chứng này giúp phá vỡ những định kiến, cổ vũ mọi người đối mặt và giúp những người lao động nhận thức, sẵn sàng chấp nhận vấn đề của bản thân. “Nhiều người vẫn nghĩ vấn đề này là vô nghĩa song những cuộc tranh luận về sức khỏe tâm thần cũng như hội chứng 'burnout' ngày càng tăng lên cũng khiến nhiều người lên tiếng yêu cầu sự giúp đỡ và quan tâm đến nó nhiều hơn”, Selene Cortes - phát ngôn viên của tổ chức từ thiện Sức khỏe Tâm thần Thụy Điển - nói.
Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG