Người trẻ đi “làm” di sản thế giới

Các bạn trẻ lao động và vui chơi trong chương trình phục dựng di sản
Các bạn trẻ lao động và vui chơi trong chương trình phục dựng di sản
TP - Có một công việc được nhiều người trẻ, đặc biệt sinh viên trên thế giới rất quan tâm, nhưng với Việt Nam còn rất ít người biết đến, thậm chí mới nghe có thể không tin. Công việc hấp dẫn đó là tham gia trùng tu di sản văn hóa trên thế giới.

Đến Paris, chúng tôi được ông Jacques Nguyễn Thái Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Interface Francophone Paris (Nhịp cầu Pháp ngữ) giới thiệu đến với Liên hiệp Rempart, nơi tổ chức ra hoạt động hấp dẫn nói trên. Rempart theo tiếng Pháp có nghĩa thành quách xưa bao quanh làng, lâu đài, thành phố để bảo vệ kẻ ngoại xâm.

Ông F. Duffaud - Phụ trách về quan hệ quốc tế của Liên hiệp Rempart đã trả lời phỏng vấn của Tiền phong Chủ nhật.

Xin ông cho biết phương thức hoạt động của Rempart?

Rempart là một tổ chức liên minh gồm 170 hội ở nước Pháp và trên thế giới. Các hội này do những người yêu di sản văn hóa quê hương lập ra. Di sản văn hóa rất đa dạng. Có khi là những di sản nổi tiếng được nhà nước xếp hạng như nhà thờ, lâu đài, tượng đài, có khi là một ngôi làng… cho đến những di sản phi vật thể như âm nhạc truyền thống, điệu múa dân gian, thậm chí cả những món ăn cổ… 

Phương thức hoạt động của Rempart là kêu gọi, tập hợp những người Pháp và người nước ngoài tự nguyện với tinh thần yêu di sản văn hóa. Chúng tôi có các dự án dành cho mọi người ở một số nước trên thế giới.

Được biết, văn phòng Rempart ở Paris chỉ có 7 người. Vậy các ông làm sao thực hiện được một công việc đồ sộ như vậy?

Hiệp hội Rempart có một Hội đồng quản trị (HĐQT) gồm 12 thành viên. Các thành viên Hội đồng do đại diện 170 hội đoàn liên kết với nhau bầu ra qua các kỳ đại hội. 

Người trẻ đi “làm” di sản thế giới ảnh 1

Ông F. Duffaud

HĐQT cử ra một Tổng Thư ký và một thủ quỹ, và lập ra Cơ quan đại diện toàn quốc có trụ sở nằm ở Paris với 7 người hoạt động chuyên nghiệp có lương, trong đó có một Giám đốc, một kế toán, một người phụ trách về truyền thông, một người phụ trách về quan hệ quốc tế.

   

Mỗi người có một chức vụ kèm theo chuyên môn riêng. HĐQT đưa ra định hướng tổng quát, còn Cơ quan đại diện tại văn phòng thực thi. Chúng tôi có những chuyên gia về nhiều mặt liên quan đến di sản, có những ủy ban về các chuyên môn sâu, khi có các vấn đề cần giải quyết thì sẽ triệu tập để tìm ra giải pháp. 

Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên trao đổi các vấn đề cụ thể với các Hội địa phương, với các kiến trúc sư, các kỹ sư, các nhà khoa học ở các trường đại học.

Được biết những người trẻ, các sinh viên nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến hoạt động của Rempart?

Chúng tôi khuyến khích tất cả những người yêu di sản trên toàn thế giới tham gia bảo vệ, tôn tạo di sản văn hóa, lịch sử bằng các hành động cụ thể. Khi tham gia hoạt động của Rempart, họ được học hỏi thêm rất nhiều lĩnh vực. Đây cũng là cơ hội để được đi du lịch khám phá, để trau dồi thêm ngoại ngữ, là cơ hội gặp gỡ những người bạn mới, để lại những kỷ niệm khó quên. Chính vì thế, nên lớp trẻ rất thích thú với hoạt động này.

Xin ông nói rõ hơn về những cơ hội này?

Những người tình nguyện sẽ tìm hiểu và đăng ký tham gia một công trường hay một dự án phục chế, phục hồi di sản. Chúng tôi có công việc không chỉ tại Pháp mà ở nhiều nơi trên thế giới như: Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Italia, Bungaria, Hungaria, Đức, Bỉ, Áo, Croatia, Bồ Đào Nha, Romania, Tunisi, Maroc, Trung Quốc,… Hãy hình dung bạn ở châu Á và đây là cơ hội để bạn đến châu Âu hay châu Mỹ với một công việc thú vị.

Những người chưa có chuyên môn sẽ được tập huấn với những chuyên gia và nghệ sỹ hay nghệ nhân. Sau một số đợt tham gia chương trình và một chương trình đào tạo ngắn hạn, bạn trẻ sẽ được Rempart cấp chứng chỉ nghề.

Để tham gia chương trình của Rempart thì phải có những điều kiện gì?

Nếu bạn muốn tham gia hoạt động này thì phải đăng ký với người phụ trách chương trình. Khi được đồng ý, bạn cần đóng một khoản tượng trưng, khoảng 120-300 Euro tùy từng nơi. Với số tiền này bạn được ăn, ở và hưởng mọi sự phục vụ khác trong khoảng hai tuần. Bạn phải tự lo việc đi đến địa điểm có di sản. Nếu bạn là người nước ngoài, chúng tôi sẽ hỗ trợ việc xin visa. Chúng tôi khuyến khích một người tham gia nhiều lần bằng cách  giảm tiền đóng góp thậm chí miễn phí.

Đa số các trường hợp chúng tôi nhận người từ 18 tuổi trở lên. Có thể có trường hợp trẻ em tham gia nhưng đây là chương trình giáo dục chứ không phải là làm việc.

Thoạt đầu, đa số đến từ châu Âu, xu hướng gần đây ngày càng nhiều người tới từ nước khác. Từ 4-5 năm nay bắt đầu có những người từ châu Á tới, như Hàn Quốc, Trung Quốc.

Rempart có quan tâm đến các di sản của Việt Nam và có muốn thu hút thanh niên Việt Nam tham gia không?

Cần nói rõ, đây là công việc trước hết phải xuất phát từ chính những người dân ở nơi có di sản. Họ sống với di sản và yêu di sản đó, hiểu rõ lợi ích của nó thì họ sẽ lập ra một hội nhằm gìn giữ, bảo tồn nó. Khi đó, chúng tôi sẽ liên kết với họ để cùng nhau bảo vệ, phục dựng di sản. Tại Trung Quốc, Rempart tham gia gần chục công trình, trong đó có một cái làng từ thời Minh.

Vì Việt Nam chưa có những hội bảo vệ di sản ở địa phương như thế nên chúng tôi chưa tham gia làm công trình nào cả. Nhưng chúng tôi đang nghĩ tới điều đó. Chúng tôi cũng rất muốn liên hệ với những người có trình độ chuyên môn ở Việt Nam.

Nếu các bạn trẻ Việt Nam muốn tham gia công việc với Rempart, chúng tôi rất hoan nghênh. Chúng tôi muốn ý thức bảo vệ di sản của người dân tăng lên, và hoạt động của chúng tôi là để tăng cường ý thức và tình yêu của công dân với chính di sản của mình.

Rempart được tài trợ từ Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Ủy ban Thanh niên Pháp 50% kinh phí, phần còn lại là từ sự đóng góp của người dân và một số doanh nghiệp. Từ khi thành lập (1966) tới nay, Rempart đã tham gia triển khai 700 dự án phục chế di sản trên thế giới. Mỗi dự án dài hạn thu hút nhiều đợt người tham gia. Rempart đã thu hút được 120.000 người trên khắp thế giới (trong đó có 1/4 người nước ngoài) làm việc này. Đa số là thanh niên, sinh viên.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.