Người trẻ đau đầu vì bị giảm lương, "tụt mood" khi làm việc ở nhà, lo lắng sẽ bị đào thải

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Giãn cách xã hội kéo dài khiến không ít bạn sinh viên mới ra trường đau đầu tìm việc làm, tiền tiết kiệm vơi dần và đối diện nguy cơ mất việc làm do nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm mọi mặt.

Sinh viên mới ra trường chật vật tìm việc phù hợp

Bạn Lê Phượng (TP. Thủ Đức) chia sẻ khó khăn đang phải đối mặt: “Hiện tại, mình là sinh viên mới ra trường và có đi làm thêm ở nhà hàng. Do không có hợp đồng lao động và thất nghiệp hơn 3 tháng nay nên mình rất chật vật, khoản tiền tiết kiệm cũng không còn”.

Bên dưới bài đăng của cô bạn chia sẻ trong nhóm cư dân, nhiều người đã để lại thông tin tổng đài hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Lê Phượng sau đó cho biết bạn đã liên hệ với địa phương và được hỗ trợ.

Tấn Đạt (23 tuổi) tốt nghiệp ngành Việt Nam học - ĐH Sư phạm TP.HCM cách đây một năm. Ban đầu, cậu bạn mong muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch nhưng do dịch bệnh nên phải tìm công việc khác để trang trải cuộc sống.

“Mình trở thành nhân viên telesale ở ngân hàng với mức lương khá thấp do mới tốt nghiệp đại học chưa có kinh nghiệm. Không đúng với chuyên môn đã học ở trường nên mình cũng lúng túng trong thời gian đầu làm việc”, cậu bạn tâm sự.

Người trẻ đau đầu vì bị giảm lương, "tụt mood" khi làm việc ở nhà, lo lắng sẽ bị đào thải ảnh 1

Tấn Đạt hiện đang làm giáo vụ tại ĐH Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NVCC)

Sau vài tháng, Tấn Đạt quyết định "nhảy việc" để tìm môi trường phù hợp hơn. "Mình được nhận vào làm giáo vụ của khoa Du lịch và Việt Nam học. Công việc này vô cùng thử thách nhưng mình được thầy cô lãnh đạo khoa tạo mọi điều kiện tốt nhất để học việc”, Tấn Đạt chia sẻ. Để thuận tiện công tác, cậu bạn đã chuyển đến làm việc và sinh hoạt tại trường theo phương thức "3 tại chỗ" trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách. “Tuy nhớ gia đình nhưng lúc này có công việc để làm, có thu nhập hằng tháng là một điều đáng trân trọng”, Tấn Đạt bộc bạch.

“Lúc này có công việc để làm, có thu nhập hằng tháng là một điều đáng trân trọng”

Đau đầu tìm cách xoay sở khi lương bị cắt giảm

Nhiều sinh viên mới ra trường thường có thu nhập không cao nên nếu chẳng may bị cắt giảm lương trong thời gian này thì khó khăn càng thêm chất chồng.

Lan Tuyên ra trường được một năm và đang là giáo viên tại một trường mầm non. Cô bạn chia sẻ: “Thời gian đầu nghỉ ở nhà, mình được nhận lương cơ bản nhưng gần đây, nhà trường chỉ hỗ trợ 50% mức lương cơ bản. Bậc mầm non không dạy online được. Đợt khai giảng vừa rồi, mình chỉ nhận lớp và trao đổi trực tuyến với phụ huynh. Ngoài việc số tiền tiết kiệm vơi dần đi, nghỉ ở nhà gần 4 tháng nay khiến mình nhớ trường, nhớ lớp vô cùng. Giờ nghĩ lại, được đi làm và cuối tháng nhận lương tưởng chừng bình thường nhưng hóa ra lại rất hạnh phúc”.

Người trẻ đau đầu vì bị giảm lương, "tụt mood" khi làm việc ở nhà, lo lắng sẽ bị đào thải ảnh 2

Nghỉ ở nhà quá lâu khiến Lan Tuyên rất nhớ công việc giáo viên mầm non. (Ảnh: NVCC)

Tranh thủ trau dồi bản thân để thêm "nội lực" nắm lấy cơ hội

Làm việc tại nhà trong nhiều tháng nay, bạn Thanh Tân cho biết bản thân gặp bất ổn về tinh thần, giờ giấc sinh hoạt hằng ngày bị đảo lộn và gây ảnh hưởng đến công việc như trễ deadline.

"Mình đi ngủ lúc 2 - 3 giờ sáng, ăn uống không đúng cữ và thường xuyên trong trạng thái lo lắng công ty cắt giảm nhân sự. Thời gian này, mình không được ở cạnh gia đình và sống một mình ở phòng trọ chật hẹp nên tâm lý rất khó chịu và bất an", cậu bạn tâm sự.

Những ngày vật vã vì căn bệnh đau bao tử do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học đã giúp Thanh Tân thức tỉnh trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Ngoài ra, cậu bạn dành thời gian để nói chuyện với gia đình, đồng nghiệp và bạn thân để giữ tinh thần thoải mái.

"Gần đây, mỗi ngày mình sẽ viết ra ba điều khiến bản thân biết ơn vào trước khi đi ngủ. Điều này giúp mình biết trân trọng mọi thứ đang có thay vì tập trung vào điều tiêu cực. Bản thân phải có nội lực thật mạnh mẽ để còn vực dậy sau khi hết dịch", Thanh Tân bộc bạch.

Các chuyên gia nhìn nhận gì về bối cảnh tuyển dụng nhân sự trong giai đoạn "sống chung với dịch" sắp tới?

Chị Lana Trần (Giám đốc Marketing trong lĩnh vực Tài chính) đánh giá: "Sau đợt dịch này, nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi khả năng vượt khó, thích nghi với sự thay đổi của hoàn cảnh ở các bạn trẻ. Môi trường làm việc sau này có thể sẽ kết hợp giữa làm việc ở nhà và làm việc tại công ty. Làm việc ở nhà sẽ có những lợi ích riêng cho công ty và người lao động.

Ví dụ, người lao động sẽ giảm thời gian đi lại, tập trung nhiều hơn và có thêm thời gian để nghiên cứu, cống hiến cho công việc. Nhưng chúng ta vẫn cần những buổi lên công ty làm việc để có thể tương tác với mọi người và trực tiếp học hỏi thêm kinh nghiệm. Chính vì vậy, khả năng thích nghi với thay đổi, biến chuyển linh hoạt trong phong cách làm việc là một trong những yếu tố then chốt giúp bạn có thêm điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng.

Ngoài ra, khả năng tự nâng cao trình độ của bản thân, kỹ năng chuyên môn và thái độ làm việc tốt vẫn sẽ là những tiêu chí để nhà tuyển dụng đánh giá, cân nhắc về ứng viên".

Chị Đặng Lê Vi (Chuyên viên Nhân sự của một công ty công nghệ) lại lạc quan hơn: "Trong khi nhiều ngành nghề tái cơ cấu và giảm quy mô kinh doanh thì nhóm ngành Công nghệ thông tin nói chung lại đang có nhu cầu tuyển dụng rất cao bởi tính chất công việc linh hoạt, có thể làm việc tại mọi nơi.

Trong khoảng 5 năm tiếp theo, các bạn trẻ Gen Z sẽ được nghe rất nhiều về từ khóa "chuyển đổi số", một mục tiêu mà các doanh nghiệp lẫn chính phủ đang hướng tới sau đại dịch COVID-19. Lấy ví dụ, một nhân viên marketing hiện nay sẽ được yêu cầu có chuyên môn về digital marketing hay social media,...

Bên cạnh các kỹ năng mềm, kiến thức chuyên môn, khả năng sử dụng thành thạo máy tính và các phần mềm làm việc là điều mà các bạn sinh viên nên quan tâm ngay từ bây giờ".

Người trẻ đau đầu vì bị giảm lương, "tụt mood" khi làm việc ở nhà, lo lắng sẽ bị đào thải ảnh 6
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Yên Bái xuất hiện mưa đá, trời sập tối giữa ban ngày, cảnh báo mưa dông ở Hà Nội

Yên Bái xuất hiện mưa đá, trời sập tối giữa ban ngày, cảnh báo mưa dông ở Hà Nội

HHT - Hôm nay (28/3), Yên Bái đã có mưa to. Đặc biệt sáng nay, mưa đá đã xuất hiện trên hầu khắp các địa bàn tại huyện Mù Cang Chải. Từ chiều tối nay (28/3), do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao, nhiều nơi tại miền Bắc, trong đó có Hà Nội chuyển mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to.