Người trẻ cần làm gì để vượt qua những sang chấn tâm lý trong mùa dịch?

TPO - Đó là một trong những nhận định, đề xuất được các bác sỹ, chuyên gia tâm lý đặt ra tại tọa đàm “Chăm sóc và nâng cao sức khỏe tâm thần cho sinh viên” do Thành Đoàn TPHCM phối hợp Đoàn Trường Đại học Y Dược TPHCM tổ chức chiều 12/11.

Phát biểu tại chương trình, chị Ông Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam TPHCM dẫn kết quả cuộc khảo sát của ĐHQG TPHCM được thực hiện giữa cuối tháng 10 vừa qua cho thấy nhiều con số đáng lo ngại. Trong số khoảng 37.000 sinh viên tham gia khảo sát, có đến trên 56% sinh viên bị rối loạn giấc ngủ; trên 35% sinh viên thay đổi tính tình, hay cáu gắt, buồn rầu không rõ lý do; có 36,5% số sinh viên bị mất nhận thức thoáng qua, có những hành vi vô thức và hay quên; 56,8% thiếu tập trung hoặc không có hứng thú học tập, thể hiện việc tổ chức giảng dạy trong giai đoạn COVID-19 còn nhiều hạn chế…

“Điều này cho thấy rằng các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên cần được tìm hiểu một cách đầy đủ và khoa học trong thời gian tới, đặc biệt cần sự tham gia đồng bộ của nhiều đơn vị liên quan trong nhà trường”, chị Ngọc Linh nói.

BS. Nguyễn Trung Nghĩa trao đổi tại tọa đàm - Ảnh: Ngô Tùng

Trao đổi về chủ đề này,ThS-BS CKI Nguyễn Trung Nghĩa nhận định vấn đề sức khỏe tinh thần có vai trò rất quan trọng trong mùa dịch. Và thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19 đã bộc lộ nhiều vấn đề liên quan hơn bao giờ hết. Minh chứng điều này, BS. Nghĩa chỉ ra một vài con số từ một cuộc khảo sát, cho thấy có gần 50% số người được hỏi là trầm cảm, trong khi đó tỷ lệ lo âu và sợ hãi là 51%, rơi vào tình trạng stress lên đến 81%.

BS. Nguyễn Trung Nghĩa cho biết những sang chấn trong mùa dịch đã làm gia tăng ảnh hưởng đến sức khỏe. Và những người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là học sinh sinh viên, khi đột ngột không được đến trường. Đồng thời họ cũng là nhóm dễ bị tổn thương về sức khỏe tinh thần nhất. Do đó, bộ phận người trẻ này rất cần được để ý, được chăm sóc và giúp đỡ về mặt sức khỏe tinh thần.

Ở một khía cạnh khác, trả lời cho câu hỏi: “Ai có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần của chúng ta”, BS CKI Nguyễn Trung Nghĩa cho rằng có nhiều đối tượng có thể giúp đỡ. Đầu tiên là từ chính bản thân mình. Mỗi người cần tự chăm sóc, nâng đỡ bản thân và tự ổn định sức khỏe bằng chính nội lực của mình nếu có thể chủ động nhận diện và giải quyết vấn đề từ bên trong. Do đó, người dân cần hiểu biết được những vấn đề của cơ thể mình, đồng thời cố gắng nâng cao kỹ năng tự chăm sóc, nâng đỡ, ổn định sức khỏe bản thân. Điều này sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn mọi thời điểm, không chỉ trong mùa dịch.

Cũng theo BS. Nghĩa, khi không thể tự giải quyết được những vấn đề tự thân, lúc đó chúng ta cần đến những người như: bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý, chuyên viên công tác xã hội.

BS. Hà Thanh Đạt chia sẻ ý kiến

Các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần trao đổi ý kiến tại tọa đàm

Trao đổi tại diễn đàn, BS. Hà Thanh Đạt, Bí thư Đoàn Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM nhìn nhận, COVID-19 đã gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần cho chính người bệnh F0, thân nhân người bệnh, những người tham gia chăm sóc và cả những người dân sống trong tình cảnh dịch bệnh.

Anh Hà Thanh Đạt cũng cho biết, một trong những tác động nặng nề của đại dịch là gây ra tình trạng “mất kết nối”, thiếu tương tác với môi trường xung quanh, hay “nhát tay” trong một số hoạt động hậu dịch, khi trở lại trạng thái mới. Mặt khác, nhiều người cũng biểu hiện các vấn đề tâm lý và sức khỏe nghiêm trọng.

Trao đổi tại diễn đàn, chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành Đoàn TPHCM xác định việc đồng hành, hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân nói chung, và thanh thiếu nhi thành phố cần được đặt ra và thảo luận trong thời gian tới, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có chiều hướng phức tạp, khó lường tại TPHCM cũng như nhiều tỉnh, thành.

Chị Trần Thu Hà khẳng định, giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng hiện nay đang gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần. Do đó, việc đồng hành, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên trong thời gian tới là nội dung rất quan trọng trong tổng thể các hoạt động đồng hành của tổ chức Đoàn thanh niên – Hội sinh viên đối với thanh niên, sinh viên.

Chị Trần Thu Hà chia sẻ tại diễn đàn - Ảnh: Ngô Tùng

“Đoàn – Hội phải cần giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về vấn đề sức khỏe tâm thần để nhận diện và tìm cách giải quyết những vấn đề gặp phải của người dân và các bạn trẻ. Mặt khác, tham gia hỗ trợ trang bị, nâng cao kỹ năng, giúp sinh viên ứng phó, nâng cao sức đề kháng trước những vấn đề, biến cố trong cuộc sống và trong quá trình học tập; đồng thời kết nối, phối hợp với các đơn vị trong công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên”, Phó Bí thư Thành Đoàn TPHCM Trần Thu Hà đề nghị.