Người trẻ cai nghiện: Gian nan đường về

Người trẻ cai nghiện: Gian nan đường về
TP - Sa vào nghiện ngập, nhiều người trẻ tuổi quyết tâm từ bỏ nàng tiên nâu. Nhưng đường về đầy chông gai.

> Tái chế sản phẩm - Phục thiện cuộc đời 
> Tuổi trẻ đẩy lùi ma túy
> Sự cám dỗ thấp hèn...

Sa ngã

Hơn 20 năm làm nô lệ của nàng tiên nâu, nay đã 34 tuổi, Bùi Chí Hiếu (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) vẫn phải vật lộn để từ bỏ. Hiếu nghiện từ 12 tuổi qua sự rủ rê của người quen. “Hồi đó, tôi nghĩ nghiện là sành điệu. Chỉ đến khi bố mẹ đưa đi cai ở trường giáo dưỡng số 2 (Yên Mô, Ninh Bình), tôi mới biết tác hại của ma tuý”, Hiếu nói.

Lần đó, Hiếu cai được và quyết tâm làm lại cuộc đời. Năm 1995, Hiếu thi đỗ khoa Luật, ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH KHXH & NV Hà Nội). Học được hơn một năm, Hiếu lại ngựa quen đường cũ. Hiếu xin bố mẹ tiền hùn vốn với đám bạn mở quán cà phê, nhưng chỉ sau gần 1 năm thì phá sản. Dù vậy, Hiếu vẫn tốt nghiệp và xin được việc làm tại Tòa án huyện Quốc Oai (Hà Nội). Được một thời gian ngắn, Hiếu xin nghỉ việc và lại triền miên trong cơn say thuốc... Bất lực, bố mẹ xây căn phòng để nhốt Hiếu trong 1 năm, cách ly với thế giới bên ngoài nhưng đến khi thả ra Hiếu vẫn nghiện.

Hết cách, bố mẹ nhờ công an đưa đi cai. Lại cai được. Trở về cùng vợ mở shop bán quần áo, thường xuyên sang Trung Quốc lấy hàng, rồi tái nghiện. “Tôi đã chục lần đi cai nghiện, mỗi lần 24 tháng. Tuổi thanh xuân “hiến” trọn cho ma túy”, Hiếu nói. Giờ Hiếu đang là học viên sau cai của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 7 (Ba Vì, Hà Nội).

Vũ Văn Hoan (24 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) từng có công việc ổn định tại nhà máy may Thăng Long, nhưng nghiện ma tuý vì thất tình. “Tôi như người mất trí ngập ngụa trong những cơn say trong vòng 2 năm, mẹ tôi khóc hết nước mắt. Giờ tôi không có cơ hội để được nói lời xin lỗi với mẹ nữa”.

Có gia đình hạnh phúc với người chồng hết mực yêu thương và đứa con gái 9 tuổi ngoan ngoãn, nhưng do a dua với bạn bè, Phạm Bích Liên (SN 1981, Khâm Thiên, Hà Nội) vẫn trở thành con nghiện. Liên luôn được chồng con động viên cai tốt để sớm trở về gia đình.

Phục thiện

Bùi Chí Hiếu đang nỗ lực hết mình để sớm trở về với vợ con. Hiếu được đánh giá là một trong những học viên lao động cải tạo tốt nhất của trung tâm. Anh học hàn xì, tận dụng những vật liệu phế thải biến làm những sản phẩm hữu ích. Tuy nhiên, khi nói đến dự định sau này, Hiếu ngậm ngùi: “Mọi người sẽ e dè nên tôi khó nói chuyện với bà con lối xóm, chứ chưa nói gì đến tìm việc làm”.

Với khát khao phục thiện, Phạm Bích Liên còn tự nghĩ và chế tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt từ những vật phế thải như giấy báo cũ, hộp sơn xịt. Liên đặc biệt khéo tay với việc chế tạo ra các loại hoa giấy để bán đấu giá để ủng hộ trẻ em khuyết tật. Khéo tay, lại được học nghề làm hoa giấy, nhưng Liên vẫn lo mặc cảm, dị nghị của dư luận khi đi kiếm việc làm sau này.

Anh Nguyễn Duy Bình, cán bộ quản lý Trung tâm giáo dục lao động xã hội số II (Ba Vì, Hà Nội) cho hay, số học viên không thể tái hòa nhập cộng đồng, quay lại trung tâm rất nhiều. Mỗi năm Trung tâm Giáo dục lao động hướng nghiệp thanh niên Hà Nội nhận từ 300-400 học viên sau cai đến học nghề và làm nghề. Do trình độ học viên không cao và không đồng đều, sức khỏe không tốt và đặc biệt nhiều người tâm lý không ổn định nên chủ yếu học nghề thủ công như: may mặc, mộc, hàn, vàng mã…

Chị Dương Thu Hương, cán bộ Trung tâm Giáo dục, lao động hướng nghiệp thanh niên Hà Nội, cho biết học viên được hưởng lương theo sản phẩm, nhưng còn thấp với chỉ 300 nghìn đồng/người/tháng. Cũng theo chị Hương, trước khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, học viên đều được tư vấn làm nghề và chọn nghề phù hợp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% trong số đó tìm được việc làm, tái hòa nhập cộng đồng, số còn lại hầu như trở lại con đường cũ do không vượt qua được sự tự ti, mặc cảm và kỳ thị của xã hội. Để tái hòa nhập cộng đồng, theo chị Hương, điều quan trọng nhất đối với các học viên sau cai là phải có niềm tin và ý chí.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG