PGS.TS Bùi Chí Hoàng:

Người trăn trở với di chỉ 4.000 năm Nam bộ

PGS.TS Bùi Chí Hoàng cùng các cộng sự trong lễ nhận giải
PGS.TS Bùi Chí Hoàng cùng các cộng sự trong lễ nhận giải
TP - Bước vào nghề khảo cổ từ năm 1979, trải qua bao thăng trầm, nhà khảo cổ học của Nam bộ vẫn miệt mài tìm kiếm những giá trị khảo cổ để giúp tuổi trẻ yêu thêm mảnh đất này.

Ông nói: “Con người ta yêu quê hương từ những vật dụng giản dị hàng ngày, nhưng công cụ sản xuất nom thô sơ của ông cha mà chứa đựng cả một lịch sử không nói hết thành lời”.

 
Người trăn trở với di chỉ 4.000 năm Nam bộ ảnh 1  

Thế hệ khảo cổ học đầu tiên

Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng sinh năm 1955 tại Đà Nẵng. Anh kể: “Trước năm 1975 ở Đà Nẵng đậu tú tài thì phải vào Huế hoặc Sài Gòn học đại học vì Đà Nẵng khi đó chưa có trường. Tôi vào học Đại học văn khoa Sài Gòn được 2 năm thì đất nước thống nhất. Sau 30/4/1975, chúng tôi học tiếp chương trình chế độ mới. Trong mấy trăm sinh viên lúc đó có 12 người được tuyển chọn để gửi ra Hà Nội học. Tôi là một trong hai sinh viên được cử ra Hà Nội học khảo cổ học”.

Vào ngành khảo cổ học khi đó với anh là một nhiệm vụ hơn là một sở thích. Tiến sĩ tâm sự: “Thực sự tôi thích học địa lý, được cử ra Hà Nội học khảo cổ, tôi cũng rầu. Vì khảo cổ học ở miền Nam lúc đó không mấy phát triển. Chúng tôi được các thầy Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê… truyền cho đam mê khảo cổ…”.

Từ năm 1979 trở về TPHCM Bùi Chí Hoàng làm trong ngành khảo cổ học cho đến bây giờ, theo như anh nói: “Đời tôi chỉ làm một nghề, công tác tại một nơi, chỉ một đam mê, 40 năm không có sự thay đổi nào”.

“TPHCM là một đô thị rất sôi động về kinh tế, ai cũng lo mánh mung, kiếm sống, làm giàu. Nghề khảo cổ chúng tôi thì ngoài lương cơ bản và phụ cấp đứng nắng ra chẳng có gì. Nhiều lúc tôi cũng thấy áp lực ghê lắm, nhất là lúc lập gia đình, sinh con. Nhưng rồi, đam mê đã giúp tôi vượt lên tất cả”- vị tiến sĩ kể rằng, ông trải qua nhiều năm chỉ có mấy đồng trong túi, đạp xe đi khắp các tỉnh thành để nghiên cứu cổ vật. “Trước năm 1975, khảo cổ Nam bộ hầu như chẳng có gì ngoài một số công trình của người Pháp. Chúng tôi bắt đầu đào bới, sưu tập, phân loại, gầy dựng các bảo tàng và tổ chức hội thảo, nghiên cứu về cổ vật còn nằm dưới mảnh đất đầy bom mìn”.

Người trăn trở với di chỉ 4.000 năm Nam bộ ảnh 2 PGS.TS Bùi Chí Hoàng

“Khảo cổ học Nam Bộ”

“Khao cổ học Nam bộ” là tên hai tập sách khảo cổ do PGS.TS Bùi Chí Hoàng chủ biên vừa đoạt giải thưởng Trần Văn Giàu ngày 31/8/2019 vừa qua. Hai đồng nghiệp trẻ cùng thực hiện công trình này cũng là học trò của tiến sĩ Bùi Chí Hoàng.

Sau năm 1975, có một số công trình nghiên cứu về khảo cổ tại miền Nam, nhưng rất tản mạn. Chưa có một công trình nào chuyên sâu về khảo cổ học Nam bộ, thường là các công trình nghiên cứu khảo cổ toàn quốc, trong đó có phần nói về khảo cổ học miền Nam. Ngoài ra, các kết quả khảo cổ mới cũng ít được cập nhật.

“Chúng tôi thực hiện công trình “Khảo cổ học Nam bộ” trong 5 năm. Chúng tôi đi tất cả các tỉnh, vào từng bảo tàng, đánh số từng hiện vật để thống kê, so sánh nghiên cứu. Chúng tôi không chỉ dựa vào các tài liệu của người khác, ngành khảo cổ học thì cần phải tìm thấy được hiện vật. Đặc biệt, ngành khảo cổ thì hầu như năm nào cũng có những cái mới”.

Công trình “Khảo cổ học Nam bộ” hoàn thành năm 2012 nhưng cần 5 năm để bổ sung, hoàn thiện, trình bày để in tập 1 vào năm 2017 và in tập 2 vào năm 2018 với chất lượng tốt nhất. Năm 2019 cuốn sách được trao giải thưởng Trần Văn Giàu.

PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, Phó chủ tịch Ủy ban giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu, đánh giá công trình khoa học "Khảo cổ học Nam bộ"  là kết tinh những thành tựu nghiên cứu của nhiều nhà sử học và khảo cổ học. Công trình đã từng được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước xếp loại xuất sắc vào năm 2012 và ngay khi in ấn đã gây tiếng vang lớn, xứng đáng được trao tặng giải thưởng Trần Văn Giàu 2019.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Chí Hoàng nói: “Tôi xin phép không so sánh công trình của chúng tôi với các công trình nghiên cứu của các tác giả khác. Qua công trình này, chúng tôi muốn vẽ ra một bức tranh khoa học, sinh động và thuyết phục dựa trên các tư liệu khảo cổ, giúp chúng ta hình dung bức tranh hình thành, khai phá Nam bộ từ nhiều ngàn năm nay. Qua đó, chúng ta thấy mảnh đất Nam bộ có quá trình phát triển lịch sử 4.000 năm liên tục và độc đáo”.

Nam Bộ phát triển cùng với nền văn hóa Đông Sơn

“Chúng ta thường nói tới lịch sử hơn 300 năm khi chúng ta khai khẩn Nam bộ, còn lịch sử ngàn năm trước đó thì sao? Tư liệu và sự quan tâm cũng tản mát và không có nhiều" - Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng tâm sự.

Trầm ngâm, ông nói: “Các nhà khảo cổ học nói chung, trong đó có chúng tôi, đã dày công tìm kiếm các cổ vật và dần nhìn thấy một lối sống, một diện mạo nhiều nghìn năm của Nam bộ”. 

Theo các nghiên cứu khảo cổ, lịch sử phát triển của Nam bộ là liền mạch, đặc biệt cổ vật từ giai đoạn đá mới đến nay được sưu tập khá đầy đủ, đã chứng minh sự tồn tại của một Nam bộ với nền văn hóa phát triển, tương đương với sự phát triển của nền văn hóa Đông Sơn. “Nền văn minh của Nam bộ phát triển rực rỡ tại Cần Giờ, TPHCM - tương đương với thời kỳ Đông Sơn ở ngoài Bắc - nơi đây chúng tôi phát hiện nhiều mộ chum nguyên vẹn với những kết quả khảo cổ hết sức giá trị” - Tiến sĩ cho biết.

Một điều đặc biệt là sự giao lưu văn hóa và giữa các vùng miền là rất rõ ràng. “Chúng tôi tìm thấy rất nhiều trống đồng Đông Sơn tại Tây Nguyên và Bình Dương. Có thể lý giải đó là kết quả của một nền văn hóa Đông Sơn có độ bao phủ về địa lý rất lớn. Ngoài ra đó là kết quả của việc mua bán, trao đổi, thậm chí di dân…”.

Nghiên cứu khảo cổ cho thấy, thương cảng Cần Giờ phát triển vào khoảng 2.700 năm trước Công nguyên và có sự bùng nổ do tiếp xúc mạnh mẽ với các nền văn hóa khác qua giao thương khoảng 200 năm trước Công nguyên và 200 năm sau Công nguyên.

Người trăn trở với di chỉ 4.000 năm Nam bộ ảnh 3 Bảo vật quốc gia Trống đồng mộ chum do Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng phát hiện tại xã Phú Chánh

Trăn trở sự còn mất

“Quá trình đô thị hóa đe dọa rất nhiều tới các di sản văn hóa Nam bộ, đặc biệt khảo cổ học. Tôi đã nhiều lần phản ảnh và kiến nghị việc quy hoạch bảo tồn các di chỉ khảo cổ học tại Cần Giờ, TPHCM” - chuyên gia khảo cổ học về Cần Giờ tâm sự.

Cần Giờ là một huyện ngoại thành của TPHCM vốn là một thương cảng lớn, có nhiều di tích khảo cổ mang tầm thế giới. Theo tiến sĩ, việc quy hoạch phát triển nơi đây, nếu kết hợp với việc bảo tồn phát triển các di tích khảo cổ học sẽ giúp tạo ra một Cần Giờ có chiều sâu lịch sử và có sức hút lớn. Ngược lại, nếu phát triển tự phát thì các di chỉ khảo cổ sẽ bị vùi lấp do không được bảo vệ.

Tình hình cũng tương tự với Bình Dương, tiến sĩ Bùi Chí Hoàng nói: “Trung tâm hành chính mới của tỉnh Bình Dương với nhiều dự án xây dựng lại đặt đúng vào xã Phú Chánh, là địa danh khảo cổ học nổi tiếng của Bình Dương! Theo tôi thì khu vực xã Phú Chánh còn rất nhiều di chỉ khảo cổ và nhiều cổ vật chưa được khai quật. Nếu bê tông hóa Phú Chánh thì chúng ta sẽ mất hết các di tích và các địa chỉ khảo cổ học quan trọng của Nam bộ!”.

Bùi ngùi, tiến sĩ Bùi Chí Hoàng bộc bạch: “Tôi đã nhận bằng khen của tỉnh Bình Dương về những đóng góp với khảo cổ học Bình Dương. Tôi đã đề đạt nguyện vọng rằng khi xây dựng đô thị mới, cần bảo vệ địa chỉ khảo cổ học Phú Chánh, hy vọng rằng việc phát triển đô thị không làm mất đi những di chỉ khảo cổ quan trọng của đất nước”.          

   9/2019

Trong phòng làm việc của tiến sĩ Bùi Chí Hoàng có một cái “tủ bảo vật” gồm các loại máy ảnh chụp phim, những chiếc la bàn và cả những cái bay bới đất mà ông và các đồng nghiệp sử dụng từ năm 1979. Ông nói: “Tôi muốn sinh viên và thế hệ sau không quên các người thầy của họ đã làm việc như thế nào”.

Người tìm ra bảo vật quốc gia độc đáo

Tháng 4/2019, tỉnh Bình Dương đã làm lễ công bố Bảo vật Quốc gia “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh” có niên đại khoảng từ thế kỷ II đến thế kỷ I đầu Công nguyên, khai quật tại khu vực Bưng Sình, xã Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vào năm 1998.

Bảo vật được đánh giá: “là hiện vật đặc biệt, quý hiếm và tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau Công nguyên của vùng đất Phú Chánh, Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ, là kiểu mộ táng mới lạ được phát hiện lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam và thế giới. Việc sử dụng “áo quan” bằng chum gỗ dùng trống đồng làm nắp đậy là tư liệu rất mới trong nghiên cứu hoạt động sống của các cộng đồng cư dân cổ trên địa bàn Đông Nam bộ”.

PGS.TS Bùi Chí Hoàng chính là người đã phát hiện ra bảo vật quốc gia này. Ông cho biết: “Ngay khi có mặt tại hiện trường ở xã Phú Chánh, tôi đánh giá ngay được giá trị vô giá của bảo vật, tôi đã đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng khai quật, sưu tầm và bảo vệ hiện vật này. Tỉnh đã tích cực hỗ trợ và cổ vật được bảo quản nguyên vẹn”.

MỚI - NÓNG