Theo bà Nga, đến thời điểm giữa năm 2014, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã triển khai được 5 năm, mang lại những kết quả tích cực, tạo tiền đề để triển khai hiệu quả trong những năm tiếp theo. “Một xu hướng đáng mừng hiện nay là người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam”, bà Nga nói.
Thực tế, tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng. Nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng... Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, quá trình thực hiện Cuộc vận động vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn, điều này gây trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong việc xúc tiến mở rộng thị trường.
Năng lực của một số doanh nghiệp nội địa còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá cả, chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đặc biệt là vật tư, thiết bị chuyên ngành phục vụ sản xuất.