Người tiêu dùng thiệt vì rào cản

Thị trường bán lẻ chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài do còn rào cản
Thị trường bán lẻ chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài do còn rào cản
TP - Theo cam kết WTO, từ 1-1-2009, thị trường bán lẻ Việt Nam chính thức mở cửa với nhiều dự báo về sự đổ bộ rầm rộ của các nhà bán lẻ nước ngoài. Sau hơn 2 năm, mọi chuyện không diễn biến như dự báo mà thị trường bán lẻ còn bị tụt hạng về độ hấp dẫn. Người tiêu dùng bị thiệt.
Thị trường bán lẻ chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài do còn rào cản
Thị trường bán lẻ chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài do còn rào cản . Ảnh: Ngọc Mai

Tụt hạng vì… nhiều rào cản

Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), thị trường bán lẻ Việt Nam đang giống như một cái chợ. Ai đến sớm thì có vị trí tốt hơn. Tuy nhiên tất cả đều phải đối mặt với khó khăn chung như thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, lãi suất cao và đặc biệt là chi phí mặt bằng ngày càng tăng cao.

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch AVR cho rằng, 4 năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), người tiêu dùng Việt Nam chưa được hưởng nhiều lợi ích như mong đợi. Đến thời điểm này, các tên tuổi lớn như Wal-Mart, McDonald’s hay Starbuck mới chỉ nghe ngóng, thăm dò chứ chưa thật sự đặt chân vào Việt Nam.

Dù Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước hấp dẫn nhất về mặt đầu tư nhưng mức hấp dẫn đã tụt hạng nhanh chóng, từ vị trí số 1 năm 2008 xuống vị trí thứ 6 năm 2009 và xuống còn vị trí 14 vào năm 2010.

Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp phân phối đang ngày càng thu hẹp lại. Dự kiến năm nay cuộc cạnh tranh này sẽ trở nên gay gắt hơn, khi một số tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới sẽ đặt chân đến Việt Nam.

Ông John Yeomans, Giám đốc điều hành Công ty Deloitte Consulting phân vùng Đông Nam Á, cho rằng sự phân bố bất thường của sức mua, quy định về chính sách đang chuyển đổi, những hạn chế về tốc độ phát triển hạ tầng, việc đô thị hóa không nhanh như kế hoạch…là những rào cản và dẫn đến sự phân tán cao về thị trường và kênh bán hàng. Đây cũng là những lý do của sự tụt hạng về sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm qua.

Theo ông Ruệ, các đại gia bán lẻ nước ngoài chưa đổ bộ vào một phần do quan ngại thị trường Việt Nam vẫn ở dạng tiềm năng với đa số dân vẫn ở nhóm thu nhập thấp và quy mô thị trường dù có sự tăng trưởng ngoạn mục nhưng vẫn còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó chúng ta vẫn còn bảo hộ, vẫn còn dùng thuế để điều tiết thị trường.

Cơ sở hạ tầng, chiến lược phát triển cho thị trường bán lẻ, tính chuyên nghiệp, đặc biệt là quản trị doanh nghiệp và nguồn nhân lực thích hợp còn yếu cũng là những điểm khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

“Để bảo hộ các doanh nghiệp trong nước, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục áp dụng quy định mà WTO cho phép. Theo đó, nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài có quyền mở siêu thị ở Việt Nam nhưng mở đến cái thứ hai thì phải xin phép và địa phương có quyền từ chối.

Nếu những trở ngại trên không được giải quyết thì dù có tiềm năng rất lớn nhưng thị trường phân phối – bán lẻ của chúng ta cũng chỉ dừng ở đó. Với doanh nghiệp trong nước, cần có chính sách để họ phát triển hệ thống phân phối để từ đó phát triển chợ, siêu thị mạnh lên”- Ông Ruệ nói.

Sẽ phát triển mạnh tại nông thôn

Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, cho biết hiện tại, chi tiêu của người dân Việt Nam ngày càng tăng, chiếm hơn 70% thu nhập của họ. Năm 2010, doanh thu bán lẻ 77,8 tỷ USD, dự báo đến năm 2012, con số này có thể đạt 85 tỷ USD.

“Năm 2011 các nhà bán lẻ quốc tế trên nhiều lĩnh vực sẽ tiếp tục gia nhập thị trường Việt Nam thông qua phương thức hợp tác với công ty bán lẻ trong nước. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều dự án chung cư, khu đô thị lớn, mô hình trung tâm thương mại quy mô lớn sẽ ngày càng phổ biến hơn”- Ông Leech nói.

Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký AVR, lĩnh vực bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ theo xu hướng: Siêu thị lớn phát triển tới mức cao nhất trong năm 2011-2012 và chậm dần lại tại các đô thị lớn.

Các siêu thị quy mô nhỏ hơn ngày càng phổ biến; hệ thống siêu thị tổng hợp và chuyên lương thực, thực phẩm sẽ hình thành. Bên cạnh đó, hình thức kết hợp bán lẻ truyền thống và hiện đại tại cùng một địa điểm có thể hình thành tại Việt Nam.

Dự báo, năm 2011, thị trường bán lẻ khu vực nông thôn Việt Nam sẽ khởi sắc do đây là thị trường rất rộng lớn, nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn ngày càng tăng. Sự tác động của cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” và việc các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển mạng lưới bán lẻ về tận thôn, xã… cũng là những yếu tố giúp thị trường bán lẻ khu vực nông thôn phát triển.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, 4 năm sau khi gia nhập WTO, những hệ thống siêu thị thu hút người tiêu dùng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam. Những chương trình kích cầu, khuyến mãi đã tác động mạnh mẽ đến xu hướng tiêu dùng của người dân. Trong năm 2010, số người đi siêu thị đã tăng từ 21% lên 43% và số tiền chi tiêu cho mỗi lần mua sắm cũng tăng hơn 20%.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.