Người 'thổi' giá cho tranh Việt

Bích Ngọc bên một bức tranh về Bác Hồ trong một cuộc đấu giá
Bích Ngọc bên một bức tranh về Bác Hồ trong một cuộc đấu giá
TP - Mấy năm gần đây người ta thường nghe tới việc đưa tranh Việt Nam lên sàn đấu giá, định giá cho những bức tranh nổi tiếng của Việt Nam theo cách hiện đại nhất. 

Không gì là không thể định giá

Lý Thị Bích Ngọc sinh ra trong một gia đình toàn các chị em gái, nhưng dường như điều đó làm cô trở nên mạnh mẽ và quyết đoán hơn. Dáng cao, khỏe khoắn của một người thích thể thao, song niềm đam mê lớn nhất của cô dành cho hội họa. Cô có kinh nghiệm nhiều năm làm việc cho một nhà đấu giá nổi tiếng của Thái Lan, trước khi trở về Việt Nam và sáng lập nhà đấu giá tranh cho riêng mình.

Bích Ngọc mỉm cười nói với tôi: “Việc định giá một bức tranh là rất khó và luôn gây tranh cãi. Không ít họa sĩ cho rằng tranh của mình là vô giá và bán với giá nào cũng cho là rẻ. Ngược lại một số họa sĩ lại không tự tin để định giá cho tác phẩm của họ, nhất là họa sĩ trẻ. Chính vì việc định giá tranh rất khó nên nó cuốn hút tôi”.

Lý Bích Ngọc thành lập Lý Thị Auction vào năm 2016 dựa trên kinh nghiệm làm việc tại Thái Lan và tham khảo một số nhà đấu giá đương đại. Tuy vậy, cô không hài lòng và mời hẳn một chuyên gia đấu giá tranh nổi tiếng của nước Anh sang Việt Nam để làm cố vấn chuyên môn và tạo dựng quy trình đấu giá tương tự tại Anh quốc. Cô nói: “Việc đấu giá tranh đã phổ biến trên thế giới hàng trăm năm nay, vậy tại sao chúng ta lại không hòa mình vào dòng chảy văn minh đó?”.

Những năm qua, mỗi năm Lý Thị Auction tổ chức 2 phiên đấu giá tranh và đó đều là các sự kiện được báo chí, giới sưu tầm và chơi tranh cũng như các họa sĩ quan tâm. “Tôi muốn để lại một dấu ấn, một giá trị nào đó cho các thế hệ sau này – Bích Ngọc thổ lộ - Tôi muốn nhiều người quan tâm đến các giá trị hội họa của Việt Nam”.

Người 'thổi' giá cho tranh Việt ảnh 1 Bức “Bác Hồ qua suối” của họa sĩ Dương Bích Liên được Lý Thị Auction đưa mức giá 50.000 USD

Ưa thích mạo hiểm

Lý Thị Bích Ngọc thích môn chèo thuyền. Hình ảnh một vận động viên vượt sóng vượt gió về đích cuốn hút cô.

Buổi tối, Bích Ngọc một mình chèo thuyền luyện tập ban đêm dọc sông Sài Gòn. Có lần, cô đi vào khu vực đang xây dựng cầu Thủ Thiêm, ngổn ngang công trình. Khi cô đưa máy ảnh lên chụp hình thì những công nhân mới phát hiện ra một cô gái đang chèo thuyền giữa dòng sông đen như mực. Họ sửng sốt yêu cầu cô rời khỏi công trình để đảm bảo an toàn.

Bích Ngọc từng đoạt giải 3 trong một cuộc thi chèo thuyền cá nhân. “Tôi nghiên cứu các đối thủ của mình qua internet và tôi cố gắng luyện tập để giành chiến thắng. Khi được giải ba, tôi thấy tiếc vì lẽ ra tôi có thể làm tốt hơn thế. Song nghĩ cho cùng, tôi chơi thể thao là để chiến thắng bản thân mình”.

Là chủ một nhà đấu giá tranh với những bức tranh có giá bán lên tới 40.000 USD, song Bích Ngọc lại ưa thích các môn thi đấu mạo hiểm, nơi mà tính mạng con người có thể được quyết định trong một tích tắc. Cô theo đuổi môn nhảy dù thể thao: “Tôi tham gia học và nhảy dù với bộ đội. Mọi người ngạc nhiên khi thấy tôi là một cô gái trẻ, một nữ doanh nhân, nhưng khi nhảy dù, nom tôi như người lính vậy”.

Theo Bích Ngọc, cô luyện tập môn nhảy dù không hẳn là vì lòng dũng cảm mà chính là để chiến thắng nỗi sợ hãi. Trong nhảy dù, được học và được tập luyện kỹ, có sự trợ giúp của nhiều người trên không và dưới mặt đất, nhưng một sai sót nhỏ xảy ra cũng là tai họa. Cô chia sẻ: “Trước khi tổ chức phiên đấu giá, tôi đi nhảy dù. Tôi nghĩ rằng, việc tổ chức đấu giá tranh dù sao cũng không thể nguy hiểm bằng nhảy dù. Cuộc nhảy dù giúp tôi tự tin điều hành phiên đấu giá  hôm sau, nơi phần lớn công việc đều mang tính đột phá với bản thân tôi”.

Người 'thổi' giá cho tranh Việt ảnh 2 Bích Ngọc trong một chuyến nhảy dù

Ðộc lập

“Gia đình tôi toàn chị em gái và nhiều người còn nói thẳng với tôi rằng sự nghiệp của tôi chắc hẳn phải có đại gia nào đó chống lưng, nhưng tôi xin trả lời rằng tôi không cần dựa dẫm vào ai, tôi không thích điều đó. Trong các sự kiện tôi đi dự, phần lớn bạn trẻ và phụ nữ có đàn ông tháp tùng, riêng tôi thì không. Đôi khi, tôi nghĩ tôi là một nhà nữ quyền, nghĩa là tôi tự quyết định mọi công việc cũng như tự chịu trách nhiệm với cuộc đời tôi” – Lý Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Nhà đấu giá Lý Thị là một trong những nhà đấu giá tranh đầu tiên của Việt Nam với việc tổ chức phiên đấu giá đầu tiên vào ngày 27/12/2016.

Bức tranh “Bác Hồ qua suối” của họa sĩ Dương Bích Liên được Nhà đấu giá Lý Thị đưa mức khởi điểm lên tới 50.000 USD. Bức tranh The Art of the bouquet của Lê Phổ  có giá khởi điểm 70.000 USD. Bức chân dung nghệ sĩ kịch Ngọc Đĩnh của danh họa Bùi Xuân Phái giá khởi điểm là 35.000 USD… 

Bích Ngọc chia sẻ: “Tranh Lê Phổ khi được chúng tôi đấu giá công khai minh bạch đã tăng giá chóng mặt. Một bức tranh của ông trước thời điểm đấu giá chỉ khoảng tầm 20.000 USD, nhưng trong phiên đấu giá của chúng tôi nó đã được mua với giá 40.000 USD”. Cũng từ thời điểm tranh Lê Phổ được Nhà đấu giá Lý Thị đấu giá thành công vào năm 2016 tới nay, giá tranh Lê Phổ trên thị trường quốc tế và tại Việt Nam đều tăng chóng mặt. Một bức tranh của Lê Phổ đã được đấu giá thành công với mức 500.000 USD.

Đến nay, Lý Thị Auction đã trải qua 6 phiên đấu giá, với tỷ lệ mua bán tranh thành công là 44%, điều đó đem lại niềm vui cho Lý Thị Bích Ngọc. Cô nói: “Nếu các họa sĩ vẽ tranh ra mà không ai mua thì liệu hội họa có tồn tại hay không?”.

Đối với cô gái cá tính và tưởng như rất mạnh mẽ ấy, vẫn có những khoảng lặng lúc chiều hôm. Cô vẫn thường ví von những phiên đấu giá  “nguy hiểm” không kém gì những lần cô rời khỏi máy bay và chờ dù bung ra...

  12/2019 

Nhìn lại công việc 12 năm trong thị trường hội họa, với tư cách một nhà đấu giá tranh, Lý Thị Bích Ngọc kết luận: “Nhiều họa sĩ tìm đến chúng tôi và muốn thông qua chúng tôi để bán tranh cho những người yêu hội họa. Những người yêu tranh lại tìm tới chúng tôi để nhờ kiếm tìm các bức tranh có giá trị. Công việc bận rộn và cũng khá căng thẳng, nhưng tôi vui, vì tôi vẫn đang đem lại niềm vui và nghệ thuật đến cho nhiều người”. 

“Tôi tham gia học và nhảy dù với bộ đội. Mọi người ngạc nhiên khi thấy tôi là một cô gái trẻ, một nữ doanh nhân, nhưng khi nhảy dù, nom tôi như người lính vậy”. 
Lý Thị Bích Ngọc 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.