Người thích mua vé về quá khứ

Tập truyện ngắn lịch sử mới của Từ Khôi
Tập truyện ngắn lịch sử mới của Từ Khôi
TP - Là nhà báo nhưng Từ Khôi dành nhiều thời gian, tâm huyết tìm hiểu lịch sử nước nhà. Anh khoe, đã cho ra mắt một cuốn sách dày hơn 300 trang để lí giải một vụ án nổi tiếng trong lịch sử. Rồi gần đây anh lại chuyển sang sáng tác về đề tài lịch sử. Từ Khôi vừa sinh nở một tập truyện ngắn và úp mở đang thai nghén một cuốn tiểu thuyết…

Chưa hết, anh còn có cuốn phim tài liệu “Thái sư Lê Văn Thịnh” tự bỏ vốn sản xuất, hiện nay đang tìm nhà phát hành, để phim được ra mắt khán giả. Một trong những nhân vật lịch sử khiến Từ Khôi day dứt chính là vị trạng nguyên khai khoa mở đầu cho học giới nước nhà từ thế kỷ XI, Thái sư Lê Văn Thịnh. Lý giải bằng sách, cuốn “Thái sư hóa hổ”, vẫn chưa thỏa mãn, anh tiếp tục lí giải bằng phim tài liệu. Mà phim tài liệu chờ duyên phát hành chẳng khác nào “há miệng chờ sung” trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng biết đâu anh có duyên?

Từ Khôi là bút danh của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng. Anh sinh năm 1974, ở Bắc Giang. Từ Khôi say mê kể về sở thích của mình. Gọi là sở thích bởi vì anh không phải là một nhà nghiên cứu để gắn bó với lịch sử như nghề, như nghiệp. Anh tìm tòi lịch sử nước nhà bằng niềm say mê vô tư. May mắn ở chỗ, vì anh tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp (cũ), nay là Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội, được học bộ môn Hán Nôm. Muốn hiểu người xưa thì không thể không biết chữ viết của họ. Đích đến của ngòi bút Từ Khôi là những danh nhân lịch sử, những vụ án lịch sử, những câu chuyện lịch sử… vẫn còn gây những tranh luận hoặc có những lí giải, theo anh chưa thỏa đáng.

Hiện nay, có một nghịch lý đang diễn ra trong xã hội ta. Trong khi nhiều bạn nhỏ đang ngồi trên ghế nhà trường quay lưng với bộ môn lịch sử thì nhiều người lớn lại thích tìm về quá khứ. Sáng tác về đề tài lịch sử đang âm thầm trở thành một xu hướng, thu hút cả nhà văn chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Vậy, Từ Khôi chen chân viết truyện lịch sử vì sao? Anh thừa nhận: “Có những người sáng tác theo phong trào. Phong trào này nở rộ tôi lại thấy thích. Vì càng có nhiều người viết về lịch sử thì chứng tỏ xã hội ta yêu  sử ta (hơn sử Trung Quốc hay sử nước ngoài). Còn với tôi, làm báo, lại học văn tổng hợp, có vốn chữ Hán, thỉnh thoảng đi đến đền đài miếu mạo đọc được vài ba câu, nghe được vài ba chuyện, tôi thấy cực kỳ thú vị. Ban đầu tôi viết thành bài báo (đã từng được Tiền Phong Chủ Nhật giới thiệu trang trọng trong số tết nhiều năm trước- PV) nhưng thấy “chưa đã” lại viết thành sách”.

Không nhà sử học nào có thể chối cãi?

Cuốn sách mới của Từ Khôi có tên “Đạo sắc màu máu”, gồm 7 truyện ngắn lịch sử. Nhưng truyện ngắn của Từ Khôi vào dạng lạ đời, vì đính kèm khá nhiều tranh, ảnh sống động liên quan đến sự việc, sự kiện, nhân vật mà anh nhắc đến trong truyện. Thí dụ, truyện “Khúc ngâm viết dưới hầm thờ tổ”, kể về mối tình giữa tác giả “Chinh phụ ngâm” và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Từ Khôi cho đính kèm bức ảnh mộ Đặng Trần Côn tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hay truyện “Nỗi đau rồng”, anh đính kèm bức ảnh “rồng đá- Báu vật Quốc gia tại đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh”. Hay bìa 4 của cuốn sách “Đạo sắc màu máu” có hình ảnh sắc phong ngày 23 tháng Giêng năm Dương Hòa thứ 6 (1640) nhuận… Âu cũng là làm nghề gì “ăn” nghề nấy. Nhà báo đi đến đâu chụp hình đến đây, chuộng cách “nói có sách, mách có chứng”. Việc đính kèm tranh, ảnh khiến người đọc có cảm giác tin hơn vào câu chuyện mà tác giả vừa kể nhưng ngược lại, theo cá nhân tôi, nó lại khiến tập truyện ngắn hơi gần báo chí, hơi xa sáng tác. Tôi có hỏi Từ Khôi về phản ứng của các nhà sử học trước hai tập sách về đề tài lịch sử của anh. Từ Khôi cho biết, một số nhà sử học đã đọc nhưng không phản ứng  gì. Chính bản thân Từ Khôi cũng đâu sợ tranh luận, bởi sự tranh luận có khi sẽ giúp tìm ra một vấn đề mới. Tác giả khẳng định: “Tôi dùng các dữ liệu từ chính sử, dã sử, điền dã kết nối lại, không nhà sử học nào có thể chối cãi được”?

Ở đời cái gì cũng có hai mặt. Nếu sách của Từ Khôi khiến các nhà sử học khó chối cãi thì đổi lại, chúng khiến bạn đọc văn không dễ đọc. Đành rằng, Từ Khôi đặt vấn đề tôn trọng lịch sử lên hàng đầu nhưng đã gọi là văn chương, thì ắt đòi hỏi sự bay lên cao hơn nữa của trí tưởng tượng. Thí dụ trong “Đạo sắc màu máu” ngoài những nhân vật chính có thật trong lịch sử, Từ Khôi cho phép mình hư cấu một nhân vật là Nguyễn Hành, “một người Đại Việt lưu lạc”, “cháu họ Thái phó Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn” để nói về nhà Mạc thời suy tàn: “Tôi hi vọng triều đình vua Lê chúa Trịnh của các ngài không sang xin cầu viện binh để đánh tàn dư nhà Mạc nữa. Thực lực nhà Mạc bây giờ chỉ lo bảo toàn được vùng Cao Bằng mà thôi. Nếu rước viện binh vào thì gây tổn hại chúng dân, lại thêm cái họa nước mất”. Năm 2016, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) từng diễn ra cuộc tranh biện về công-tội của nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam, có sự tham gia của nhiều sinh viên. Trong đó có bạn sinh viên đã đề cập đến nỗi oan dâng đất cho nhà Minh mà nhà Mạc phải gánh chịu bấy lâu. Đồng thời, bạn trẻ này chứng minh nhà Mạc có nhiều công trạng trong lịch sử. Nhân vật Nguyễn Hành trong “Đạo sắc màu máu” đã góp một tiếng nói, một thái độ trong cuộc tranh biện chưa dứt về nhà Mạc. Đọc “Đạo sắc màu máu” tôi cứ ước giá như Từ Khôi cho phép mình xây dựng nhiều nhân vật hư cấu hơn, có khi cuốn sách của anh còn hấp dẫn hơn nữa.

Nhưng “Đạo sắc màu máu” vẫn là một tập truyện ngắn cần đọc, nên đọc với những ai yêu lịch sử Việt.  “Cuốn sách này tuy nhẹ, nhưng trong nó ẩn chứa một sức nặng khác thường. Bởi trong đó chứa đựng thuần danh nhân và chính khách tiêu biểu của nước ta từ gần một ngàn năm đổ lại. Đó là chưa kể hai đại án làm đau lòng cả đương thời và hậu thế”, nhà văn Hoàng Quốc Hải viết trong lời giới thiệu. Phải nói rõ, có những danh nhân, chính khách tiêu biểu trong lịch sử nhưng ít được dân gian nhắc đến, đã được Từ Khôi đưa vào truyện ngắn của mình với chân dung đậm nét. Thí dụ như chân dung Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu với “hành xử trước triều đình nhà Minh như một đấng anh hào, một trượng phu, một nhà ái quốc mà uy vũ bất năng khuất” (nhà văn Hoàng Quốc Hải).

Nói không với… sex

Một điều thú vị, “Đạo sắc màu máu” cũng có chuyện tình yêu. Đó là mối tình âm thầm của Đặng Trần Côn với Đoàn Thị Điểm hay mối tình oan nghiệt của ông già lười (tức Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác)… Người ta đã nói nhiều đến chất sex táo bạo trong cuốn “Vạn Xuân” của nữ văn sĩ người Pháp Yveline Féray khi viết về một nhân vật lịch sử nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng Từ Khôi không đi theo cách của nữ văn sĩ Pháp, những câu chuyện tình của anh không mùi tình dục. Chẳng phải vì anh sợ bị dư luận “ném đá” hay lo không có khả năng viết về sex, mà anh muốn đặt nhân vật, đặt mối tình của họ vào đúng thời đại của họ, một thời đại Nho giáo thống trị, “nam nữ thụ thụ bất thân”.

Đoán “Đạo sắc màu máu” cũng chỉ xuất bản để… tặng nhau, khó ganh đua trên thị trường, vì tác giả của nó… nghiêm túc quá. Thế mà, tôi ngỡ ngàng khi thấy “Đạo sắc màu máu” in những 5.000 cuốn. Bán cho ai? Từ Khôi cười vui vẻ: “Sách tôi không lo ế. Người ta mua sách của tôi để thờ cúng cũng nhiều”. Từ Khôi đang nói theo nghĩa đen, nhiều người mua sách của anh để đặt lên bàn thờ  tưởng nhớ những danh nhân hết lòng vì dân, vì nước. Kiêng “sex”, chịu khó viết nghiêm ngắn, tôn trọng giá trị cốt lõi của lịch sử thì ra tác giả cũng dễ “có quà”. 

Người thích mua vé về quá khứ ảnh 1 Nhà báo, nhà văn Từ Khôi
 
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".