Người thầy ngao du và bức ký họa kỷ lục

Người thầy ngao du và bức ký họa kỷ lục
TP - Nhắc tới Đinh Trọng Hải, sinh viên kiến trúc dành cho anh những định danh mạnh mẽ: thầy ít mô phạm nhất Việt Nam, thầy tự do, kiến trúc sư họa diễn giỏi… Mới đây, tác phẩm của anh - bức ký họa sông Vân - được công nhận là ký họa bằng bút sắt dài nhất Việt Nam.

> Tranh kính - còn, mất
> Chuyện với nhà văn thủy thủ Nga bên hè Hà Nội

Du ký xuyên Việt bằng xe máy

Từng học và giảng dạy tại ĐH Xây dựng Hà Nội, nhưng rồi chất khoáng hoạt của trai đất Cảng Hải Phòng “lôi” anh rời khỏi một môi trường mô phạm. Hải đi làm cho một số công trình resort tại tỉnh Hòa Bình, đồng thời mở lớp dạy những kỹ năng cần thiết cho sinh viên xây dựng, kiến trúc và cả một số sinh viên mỹ thuật: vẽ kỹ thuật, diễn họa bằng tay, làm đồ án tốt nghiệp…

Thứ bảy hằng tuần, anh từ Hòa Bình về Hà Nội dạy một ngày, rồi lại đi. Thời gian ít, học sinh đông, nên để vào được lớp của thầy Hải, sinh viên phải trải qua kỳ thi đầu vào với những bài tập rất khó. Từ hàng trăm sinh viên, thầy Hải chỉ lấy 10 -15 người để dạy.

 Đinh Trọng Hải tự hào là một trong số ít giáo viên tự do kết nối được nhiều sinh viên khắp mọi miền. Chuyến đi TPHCM là do một cộng đồng khoảng gần 200 sinh viên biết tiếng thầy đã liên lạc với nhau, tự tổ chức lớp và mời thầy vào dạy. 

Sau Tết Nguyên đán 2013, Hải vào TPHCM mở lớp dạy thêm. 200 sinh viên đã tự tổ chức lớp, chờ anh dạy. Rồi từ TPHCM, đúng ngày kiến trúc sư Việt Nam 27/4, anh bắt đầu chuyến du ký (vừa đi vừa ký họa) của mình: TPHCM – ĐBSCL – Bình Phước - Bình Dương – TPHCM. Đúng ngày 19/5 anh xuôi Bắc, đến ngày 16/6 thì ra đến Hà Nội. Vừa đi vừa nghỉ, hết miền Trung, lòng vòng xuống Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, tỉnh nào anh cũng ngủ lại ít nhất một đêm.

“Tôi chỉ biết ở phía Nam, nhiều sinh viên đang đợi mình. Thế là tôi đi, không cần biết những khó khăn phía trước sẽ thế nào. Hành lý thì quá đơn giản, vài bộ đồ, giấy, bút chì, bút sắt. Lịch trình ghi đầy đủ, còn việc để ai đó chứng nhận rằng tôi đã đi xuyên Việt là không cần thiết, vì tôi đi cho bản thân tôi, không phải để lập kỷ lục gì cả”.

Bạn đồng hành của Hải là chiếc Honda Super Cub đời 1981 anh mua ở TPHCM. Chiếc xe 50 phân khối giá 5 triệu đồng giúp anh lè vè khắp hang cùng ngõ hẻm của miền tây và miền đông Nam bộ. Đúng là xe Nhật xịn, trộm vía, không xảy ra chút hỏng hóc nào dọc đường thiên lý, lốp cũng chưa phải thay. Cứ trăm cây số lại nghỉ. Đây là chuyến đi xe máy dài nhất trong đời anh. Bây giờ, chiếc cub tiếp tục gắn bó với anh trên những con đường bụi bặm của Hà Nội.

Hải đi đâu cũng có học sinh. Anh chưa mất đồng nào cho nhà nghỉ, khách sạn dọc đường. Cô bạn của anh nói: “Anh Hải nhiều fan lắm”. Hỏi có fan nào vừa nữ vừa cuồng không, thầy cười thẹn: “Thầy trò chơi với nhau vô tư như anh em”. Sinh viên Nguyễn Thuận Thành (quê Vĩnh Long) hiện học Đại học Kiến trúc TPHCM, nói: Thầy chơi với sinh viên rất đẹp. Ngoài kỹ năng, kiến thức, thầy Hải còn dạy bọn em cách ứng xử, kinh nghiệm sống…

Trò đưa thầy về nhà chơi, ăn, ngủ, dẫn thầy đi thăm những thắng cảnh tiêu biểu của quê hương. Dưới góc nhìn kiến trúc, cảnh đẹp không hẳn là những nơi đông khách tham quan. Tại Quảng Ngãi, anh theo tàu đi đánh cá, ra đảo Lý Sơn mua tỏi. Tại Cam Ranh, anh bơi, lặn. Ở miền tây, anh ra đồng bắt cua tôm, thầy trò nướng và chén ngay giữa đồng rộng sông dài. Mặt mũi ai nấy đen nhẻm, người bám đầy bùn mà tiếng cười rộn rã trời chiều. Thời gian lưu lại mỗi địa phương luôn eo hẹp, và nơi anh được đón tiếp không sang trọng, nhưng dường như càng ít càng ngắn càng giản dị thì càng đông kết những khoảnh khắc quý giá cảm khái giữa thiên nhiên, điều không thể có nếu anh thiếu máu xê dịch.

Đến đâu Hải cũng vẽ: Tháp bà Ponagar (Nha Trang), tháp Chăm ở Phan Thiết, thánh địa Mỹ Sơn, chùa tháp của người Khmer, một xưởng gạo ở An Giang, một chòi canh tôm ở Đà Nẵng... Anh tìm cái đặc trưng, cái mình thích để ký họa, chứ không phải là công trình to lớn. “Rất đặc biệt khi được ngồi vẽ một cảnh nào đó, bởi mình cảm nhận phong cảnh ấy bằng tất cả các giác quan, khi ấy ánh nắng thế nào, ai nói với mình câu gì, muỗi đốt ra làm sao…”.

Chuyến đi kết hợp nhiều mục đích, vừa thỏa thú ngao du, vừa đi dạy và kết nối sinh viên của anh ở 3 miền: “Sinh viên thường không có tiền, nhưng khi có sự hỗ trợ nào đó, ví dụ đến nơi nào cũng được bạn bè giúp đỡ, có nhà bạn bè để ăn ngủ, không mất tiền thuê nhà trọ nhà nghỉ, thì họ có thể đi khắp Việt Nam với một chi phí rất rẻ. Mong muốn của tôi qua chuyến đi sẽ thành lập một group (nhóm), một cộng đồng sinh viên kiến trúc - học trò của thầy Hải luôn kết nối giúp đỡ nhau”. Theo Hải, cái được của hành trình là anh đã nhận được nhiều tình cảm chân thành, gặp được những con người ấm áp khắp Bắc Trung Nam mà chắc chắn mình phải quay lại và đền đáp.

Ký họa sông Vân

Ký họa sông Vân là tác phẩm gây xúc động cho người xem
Ký họa sông Vân là tác phẩm gây xúc động cho người xem.

Mỗi lớp anh dạy, cuối khóa đều có buổi dã ngoại, rất có lợi cho sinh viên kiến trúc: “Bạn phải khái quát một không gian thực với nhiều thứ hỗn loạn xung quanh chi phối thị giác, với tỷ lệ chính xác vào một khổ giấy. Tỷ lệ đó rất quan trọng với một kiến trúc sư”.

Đinh Trọng Hải nổi tiếng diễn họa đẹp. Nguyễn Thuận Thành – sinh viên Đại học Kiến trúc TPHCM, cho biết: Xem các bức diễn họa bằng tay của thầy Hải trên một số diễn đàn, em rất thích và phục thầy. Đến khi được học, mới thấy thầy rất nhiệt tình và bình dân. Thầy vẽ đẹp, có phong cách và đam mê. Sinh viên Ngô Chí Tiển (Đại học Bình Dương) cũng cho biết: Sau khóa học với thầy Hải, em thu được rất nhiều điều, nhất là khả năng vẽ tay.

Tác phẩm ký họa sông Vân của Đinh Trọng Hải vừa được công nhận kỷ lục là ký họa bằng bút sắt dài nhất VN. Bức tranh dài 26,7m, cao 35cm, vẽ trên giấy Galgo, gồm 25 bức ghép lại, mô tả cảnh sông Vân ở TP Ninh Bình, đoạn từ cầu Lim đến cầu Vũng Trắm, dài hơn 3km.

Từ mối quan hệ thân thiết với sinh viên, anh đến Ninh Bình thường xuyên. “Ngắm sông Vân, tôi thấy nó quá đẹp. Không kiêu sa như Venice hay những đoạn phố ven sông Amstel của Amsterdam - Hà Lan, sông Vân đẹp kiểu dân dã nửa nông thôn nửa thành thị. Tôi đã vẽ trong 2 năm 2009 – 2011. Cứ có thời gian rảnh là tôi về Ninh Bình để vẽ. Rất may, tôi đã vẽ xong trước khi nó bị lấp”.

Nhiều người dân cố đô rất xúc động khi đứng trước bức tranh, vì dòng sông đã gắn với cuộc sống của họ một thời gian dài, qua nhiều thế hệ. Bức ký họa được người dân Ninh Bình đánh giá là chân thực. Nhà nào nhận ra nhà đó. Có người ồ lên: Nhà tôi kia, có cái rổ trên mái.

Sở dĩ bức tranh chưa công bố nhưng đã được biết đến, bởi một học trò của anh quê gốc Ninh Bình đã mang đi photocopy và cho hàng xóm xem. Bây giờ, sông Vân đã bị lấp nhường chỗ cho nhiều công trình đường sá của thành phố ven Quốc lộ 1A. Nhiều ngôi nhà cổ cũng bị phá đi. Cảnh trên bến dưới thuyền và những thân cổ thụ bên những mái nhà rêu phong thâm thấp in bóng trên dòng nước êm đềm biến mất. Một cảm giác nuối tiếc và day dứt hiện lên bức ký họa. Chắc chắn, tác phẩm này không chỉ gây chú ý về kích thước mà còn có giá trị về lịch sử và nghệ thuật.

Diễn họa đẹp nức tiếng

Nhiều người vẫn hiểu diễn họa kiến trúc chỉ là cách để vẽ các bản vẽ kiến trúc sao cho đẹp, và một số kiến trúc sư sẵn sàng thuê thợ để làm việc đó. Hải phản đối: Một diễn họa sư dù rất giỏi cũng không thể vẽ được hết những ý tưởng trong đầu của bạn ra giấy. Học diễn họa đặc biệt không phải để trở thành một họa viên, vẽ thuê cho người khác mà là học cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để vẽ ra những ý tưởng của chính mình.

Trên trang web chuyên ngành thiết kế, Hải nói: Vẽ tay là điều kiện cần nhưng chưa phải là điều kiện đủ để làm một kiến trúc sư giỏi, nó cần thêm nhiều yếu tố khác. Nhưng cánh tay là phương tiện nhanh nhất để những ý tưởng có thể truyền ra, kiến tạo thành không gian mạch lạc...

Chỉ cần cây bút và quyển sổ vẽ, mọi nơi mọi lúc nó cũng có thể giúp bạn. Còn những lúc phiêu diêu với màu nước hay bút sắt, bút dạ maker... là những cảm hứng bất tận giúp cho cuộc đời làm nghề của chúng ta luôn giữ được ngọn lửa nghệ sỹ, ngọn lửa tuy nhỏ nhưng sẽ đủ để trả lời cuộc đời “một thằng kiến trúc sư” có gì thú vị.

Ký họa, trong cảm nhận phổ thông là vẽ khoảnh khắc, nhanh, ít nét. Với Đinh Trọng Hải, ban đầu vẽ nhanh, dần dần anh muốn hướng mình sang một phong cách khác. Đó là phong cách diễn họa nhiều yếu tố hội họa. Diễn họa, ký họa thường bị sinh viên bỏ qua. Họ mất 4 - 5 tiếng đồng hồ trầy trật mới vẽ được phối cảnh một thành phố. Nhưng người thầy chỉ cần trong 5 phút với tỷ lệ chính xác. “Sinh viên thường hay hỏi tại sao thầy lại làm được như thế. Thực ra, các bạn học chưa nghiêm túc và ngại vẽ. Không quen vẽ thì sẽ thiếu đi tư duy khái quát và dựng hình không chuẩn xác. Tôi thường giục sinh viên đi vẽ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.