Người tận tâm, tận lực vì dân, vì nước

Người tận tâm, tận lực vì dân, vì nước
TP - Ngày 11/6, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã qua đời ở tuổi 86. Sinh thời, ông được đánh giá là vị Thủ tướng đổi mới, quyết đoán và gần dân.
Người tận tâm, tận lực vì dân, vì nước ảnh 1

Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra việc xây dựng công trình 500KV Bắc – Nam tại đèo Lò Xo (ảnh tư liệu do ông Vũ Ngọc Hải cung cấp)

Một trong những công trình để lại nhiều dấu ấn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với sự nghiệp phát triển của đất nước chính là đường dây 500 KV Bắc - Nam.

“Đóng điện không thành công, tôi xin từ chức!”

Tôi đến gõ cửa nhà số 6, Phan Đình Phùng (Hà Nội) để tìm gặp cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải, người từng được Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào trong tù trao huy hiệu đường dây 500 KV Bắc - Nam.

Trời đầy mây đen vần vũ, mưa dần nặng hạt. Vừa mở cửa, ông Hải nói ngay: “Cậu đến để hỏi chuyện về anh Sáu Dân (tên gọi thân mật của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) phải không?”, tôi gật đầu.

Hồi tưởng lại chuyện của gần 20 năm về trước, nhưng câu chuyện  mà ông Hải kể về anh Sáu Dân được ông ghi nhớ như in. Ông Hải nhắc đi nhắc lại: “Nếu không có anh Sáu Dân, công trình đường dây 500 KV Bắc - Nam không thể ra đời sớm và suôn sẻ như vậy được”.

Ông Hải kể, cuối năm 1991, thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Năng lượng lên làm việc, bàn việc giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành điện. Khi đó, chúng tôi báo cáo, nếu tổ máy thứ 4 của Thuỷ điện Hòa Bình phát điện thì sẽ thừa điện. Lúc đó, anh Sáu Dân hỏi “quan điểm của ngành điện thế nào”, tôi trình bày hai phương án: Làm đường dây bán điện cho Trung Quốc và làm đường dây cao thế Bắc - Nam.

Sau đó, thường trực Chính phủ hỏi đi hỏi lại chúng tôi về hai phương án. Rồi anh Sáu Dân hỏi “Vậy Bộ Năng lượng nghiêng về phương án nào?”, tôi nói “Xin Chính phủ cho làm trước đường dây tải điện Bắc - Nam”.

Sau khi thảo luận, phân tích anh Sáu Dân nói: “Tất nhiên đây là vấn đề phải đưa ra tập thể để bàn bạc, quyết định, nhưng cá nhân tôi đồng ý với phương án làm đường dây Bắc - Nam”.

Nghe anh Sáu Dân nói vậy, chúng tôi mừng lắm. Vì đã mấy chục năm sau giải phóng mà miền Nam vẫn thiếu điện, phải cắt điện luân phiên trong khi miền Bắc thì thừa điện, nếu không làm đường dây tải điện Bắc - Nam chúng tôi cảm thấy có tội với đồng bào miền Nam.

Trong cách làm việc của anh Sáu Dân, khi nghe cấp dưới trình bày không bao giờ anh áp đặt ý kiến của mình trước. Cái đó anh em trong ngành chúng tôi rất nể và tôn trọng Thủ tướng, vì đây là một lĩnh vực có tính chuyên môn rất cao.

Đầu năm 1992, Chính phủ quyết về mặt chủ trương xây dựng đường dây 500 KV Bắc - Nam.

Trong quá trình các cấp xem xét, quyết định dự án, có rất nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến xuất phát từ góc độ khoa học, có ý kiến thì cảm thấy thế này, thế kia phản đối việc xây dựng công trình.

Đặc biệt, có một giáo sư Việt kiều ở Đại học Grô-nốp (Pháp), đã viết một lá thư gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước khẳng định việc xây dựng đường dây 500 KV Bắc-Nam có ba yếu tố không tốt: Hà Nội - TPHCM là 1.500km, mà một bước sóng là hơn 6000km, như vậy từ Hà Nội đi TPHCM chỉ 1/4 bước sóng, nên không thể tải điện vào miền Nam; Thời gian thực hiện công trình là 2 năm khó  mà thực hiện được; Dự án không mang lại hiệu quả kinh tế. Điều này khiến nhiều người cũng băn khoăn.

Thậm chí, có người còn chống quyết liệt, phát biểu tại một hội nghị về công tác tổ chức ở miền Nam rằng “Chủ trương làm đường dây 500 KV Bắc- Nam là một chủ trương phiêu lưu mạo hiểm, lãng phí tài nguyên quốc gia, và chỉ để xây dựng thanh danh cá nhân”.

Thực tế, những ý kiến của vị giáo sư trên, chúng tôi đều đã lường trước, như: Lắp đặt 5 trạm bù (Hòa Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Pleicu, Phú Lâm) để khắc phục vấn đề 1/4 bước sóng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bằng việc huy động tổng lực: Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông, Bộ Năng lượng, các địa phương và huy động các chuyên gia cả trong và ngoài nước vào cuộc thực hiện công trình.

Năm 1992, sau khi công trình được khởi công, Quốc hội cũng đưa vấn đề ra chất vấn. Nhiều ý kiến vẫn nói ra, nói vào, tỏ ý nghi ngờ sự thành công của dự án. Có lần anh Sáu Dân tâm sự với chúng tôi “nếu đóng điện không thành công thì mình xin từ chức”. Tôi nói, về mặt chuyên môn tôi đảm bảo với anh chuyện đó không bao giờ xảy ra. Và tôi xin chịu trách nhiệm với anh.

Sau này, công trình thực hiện đúng tiến độ hai năm. Mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dự toán công trình là 5.600 tỷ đồng, năm 2000 Bộ Tài chính quyết toán là 5.220 tỷ đồng và công nhận là đã thu hồi vốn.

Làm được như vậy là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của anh Sáu Dân. Trong hai năm thực hiện công trình, 6 lần Thủ tướng trực tiếp đi kiểm tra, không chỉ đi qua loa mà anh Sáu Dân trực tiếp đến hiện trường, kể cả những nơi rất gian khổ như đỉnh đèo Lò Xo (địa bàn giáp ranh giữa Kon Tum và Quảng Nam). Mà mỗi lần đi kiểm tra, Thủ tướng không chỉ hỏi cán bộ mà còn quan tâm đến đời sống, công việc của từng công nhân.

Ngoài ra, hàng tháng anh Sáu Dân tổ chức giao ban về tiến độ công trình, vì thế tất cả những vấn đề phát sinh trên thực tế đều được Thủ tướng giải quyết ngay, nhất là về cơ chế. Nếu không có anh Sáu Dân trực tiếp chỉ đạo quyết liệt thì không thể hoàn thành sớm như vậy được. Sau này anh em kể lại, ngày 27/5/1994, trước giờ đóng điện anh Sáu Dân còn đến Trung tâm điều độ điện quốc gia sớm hơn 2 tiếng đồng hồ, vì sốt ruột.

Vào tù gắn huy hiệu cho cấp dưới

Người tận tâm, tận lực vì dân, vì nước ảnh 2

Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn huy hiệu đường dây 500KV Bắc – Nam cho ông Vũ Ngọc Hải tại trại giam Thanh Xuân (Hà Tây)

Trong đời mình, cựu Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải không bao giờ quên chuyện ông được chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào trại tù ở Thanh Xuân (Hà Tây) thăm và gắn huy hiệu đường dây 500 KV.

Ông Hải nhớ lại: Chiều hôm trước đóng điện, ngay 5 giờ sáng hôm sau Thủ tướng vào tù thăm tôi. Khi đó, tôi đang tập thể dục ở sân. Vừa gặp tôi, anh hỏi ngay “Cậu biết vì sao mình vào thăm không?”, tôi nói: “Chắc là đóng điện thành công”. Anh hỏi lại “vì sao biết?”, tôi bảo “vì thỉnh thoảng anh em vào thăm vẫn thông báo tiến độ công trình”.

Rồi Thủ tướng tâm sự: “Mấy hôm nay tôi lo không thể ngủ được”, tôi hỏi “vậy hôm qua đóng điện thành công rồi anh có ngủ được không?” Thủ tướng nói “Đêm qua mình sướng quá nên cũng không ngủ được”. 

Sau đó, anh lấy chiếc huy hiệu đường dây 500 KV mà anh em ngành điện tặng trao lại cho tôi. Rồi anh nói mọi người mở sâm banh uống mừng việc đóng điện thành công.

Điều này chứng tỏ tâm huyết của anh Sáu Dân với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, vì việc chung, anh dám mang cả chức Thủ tướng của mình để “thế chấp” việc xây dựng công trình. Và khi đã triển khai, anh  đeo bám sự việc và làm tới cùng. Sau này khi chuẩn bị cho việc khảo sát xây dựng thuỷ điện Sơn La, tôi báo cáo là anh lên đường đi kiểm tra ngay.

Ông Hải kể rằng, cách đây vài năm, dù không còn là Thủ tướng, anh vẫn đến với dân. Lần đó anh Sáu Dân đến thăm người dân Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), nơi mà cách đây nhiều năm khi còn là Thủ tướng, vì tính mạng, sức khỏe người dân Chính phủ đã cấm sản xuất và đốt pháo. Nay anh đến xem người dân sống ra sao, khi không sản xuất pháo nữa.

Và ông đã rất vui, khi thấy người dân Bình Đà phần lớn đã chuyển nghề làm may mặc, và họ đều sống được bằng nghề mới.  

"Lần gặp anh Sáu Dân gần đây nhất là dịp 30/4/2005, khi đó tôi và một số anh em ở ngành điện gặp nhau tại TPHCM. Hôm đó cả hai vợ chồng anh Sáu Dân đều đến.

Thấy một số anh em nghệ sỹ mang đàn đến, anh Sáu Dân bảo “Cậu Hải phải hát một bài”. Tôi hát bài “Đến từ đâu” (do chính ông Hải sáng tác-PV), nghe xong anh Sáu cầm ly rượu lại gần tôi, một tay cụng ly, tay kia đặt vào tim và nói “Đến từ đây”. Đúng là bài hát tôi viết cũng ngụ ý nói là đến từ trái tim. Rồi mọi người cùng hát vui vẻ"

Ông Vũ Ngọc Hải

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.