Người suốt đời gắn bó với Việt Nam

Người suốt đời gắn bó với Việt Nam
TP - Trong số những học giả nghiên cứu Việt Nam học ở nước ngoài, Tiến sỹ David Marr (Mỹ) có lẽ là một người khá đặc biệt.
Người suốt đời gắn bó với Việt Nam ảnh 1
GS.TS David Marr

Năm 1962, chàng trai David Marr lần đầu tiên tới Việt Nam sau khi theo học khóa học tiếng Việt ngắn hạn. Cuộc sống ở đồng bằng sông Cửu Long và Đà Nẵng giúp David Marr hiểu hơn về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà ông đang tham gia với tư cách là lính Mỹ.

Năm 1964, ông xuất ngũ và trở về Mỹ  tiếp tục học cao học. Duyên số lại đưa ông trở lại Việt Nam sau khi ông nhận được học bổng làm luận án tiến sỹ. Ông trở lại Sài Gòn vào năm 1965 để tiếp tục các đề tài nghiên cứu của mình.

Trong thời gian ở Sài Gòn, ông cùng các sinh viên Mỹ biểu tình với khẩu hiệu "Sinh viên Mỹ cũng đòi hòa bình - Ngay bây giờ". Sau những cuộc biểu tình tích cực như vậy, ông bị trục xuất khỏi miền Nam Việt Nam năm 1967.

Trở về Mỹ, ông tiếp tục tham gia các phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, trong đó có việc thành lập Trung tâm Tư liệu Đông Dương.

Tiến sĩ David G. Marr là tác giả của nhiều công trình xuất sắc về Việt Nam, từng là biên tập viên tờ "Vietnam Today", đồng giám đốc Trung tâm Dữ liệu Đông Dương (Indochina Resource Centre, Washington và Berkeley), giảng dạy tại các Đại học Cornell và California.

Những tư liệu của trung tâm tác động mạnh vào dư luận quần chúng Mỹ. Năm 1972, ông bị bắt giam cùng hàng trăm người Mỹ khác khi biểu tình ngồi trước Hạ viện Mỹ phản đối việc ném bom miền Bắc Việt Nam.

Sau năm 1975, công việc nghiên cứu về Việt Nam học của David Marr gặp nhiều khó khăn khi không trường đại học nào của Mỹ muốn nhận ông về giảng dạy.

Ông chuyển sang giảng dạy và nghiên cứu tại Viện châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia tại thủ đô Canberra và định cư ở đó cho đến nay.

Kể từ khi sang Australia sinh sống, David Marr vẫn không ngừng nghiên cứu về Việt Nam và có nhiều công trình mới có giá trị về lịch sử Việt Nam như Truyền thống Việt Nam trong thử thách 1920 - 1945, Việt Nam 1945 - Sự tìm kiếm quyền lực…

- Năm 1996, cuốn Việt Nam 1945 - Sự tìm kiếm quyền lực của GS. TS David Marr được trao tặng giải thưởng Fairbank dành cho công trình nghiên cứu xuất sắc nhất về Đông Á hàng năm của Hiệp hội Nghiên cứu châu Á Hoa Kỳ.

- Năm 2009, TS David Marr được trao tặng giải thưởng Việt Nam học của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vì những đóng góp to lớn của ông các công trình nghiên cứu về Việt Nam.

Có một thời, ông từng bị chỉ trích là đánh giá sai bản chất cuộc cách mạng tháng Tám của Việt Nam.

Nhưng cuối cùng ông được chính giới học giả Việt Nam học đánh giá đúng những cống hiến của ông đối với khoa học lịch sử Việt Nam, đất nước mà ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu.

Giáo sư Phan Huy Lê, người chủ trì cuộc tọa đàm minh oan cho David Marr và cũng là người đề cử ông cho giải thưởng Việt Nam học của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh cho biết, những cuốn sách về Việt Nam cùng nhiều bài báo lên án cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam của ông đã có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào phản chiến ở Mỹ.

Không chỉ giảng dạy và nghiên cứu về Việt Nam, TS David Marr còn là vị giáo sư uyên thâm mà nhiều nhà nghiên cứu Anh, Mỹ, Trung Quốc nhờ ông làm hướng dẫn khi họ làm luận văn tiến sỹ về đề tài lịch sử Việt Nam. Nhiều người trong số đó sau này trở thành những học giả có uy tín trong giới khoa học.

GS.TS David Marr và GS.TS Yumio Sakurai là hai người nước ngoài đầu tiên được trao tặng giải thưởng Việt Nam học của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Đây là sự tôn vinh của Việt Nam dành cho những học giả nước ngoài.

Tại lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh, nhà sử học Đào Hùng, người vinh dự được TS David Marr ủy quyền nhận giải thưởng, cho biết: "Khi hay tin được trao giải thưởng này, giáo sư David Marr rất xúc động vì thấy rằng, mặc dù có thời gian bị hiểu nhầm, cuối cùng, ông đã được giới học giả Việt Nam đánh giá đúng những cống hiến của ông đối với khoa học lịch sử Việt Nam, một đất nước mà ông đã có nhiều năm gắn bó".

Ngoài các công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, GS. TS David Marr còn dự định viết tiểu sử một số nhà lãnh đạo Việt Nam, các học giả, các nhà lãnh đạo tôn giáo và doanh nhân. 

MỚI - NÓNG