Người sớm bắc cây cầu hữu nghị

Bia tạ ơn trước mộ bác sĩ Asaba (cụ Phan ngồi hàng trước, thứ hai từ bên phải) Ảnh: TL
Bia tạ ơn trước mộ bác sĩ Asaba (cụ Phan ngồi hàng trước, thứ hai từ bên phải) Ảnh: TL
TP - Đến Nhật vào tháng 10 năm ngoái, tôi chứng kiến ông tỉnh trưởng tỉnh Shizuoka chào đón các đoàn thanh niên Đông Nam Á khác bằng những câu xã giao thông thường, nhưng dành nhiều thời gian nói với đoàn Việt Nam một cách chân tình, thân thiết. Đặc biệt, ông nhấn mạnh câu chuyện về chí sĩ Phan Bội Châu diễn ra trên mảnh đất này.  

Câu chuyện mà Tỉnh trưởng Heita Kawakatsu nói đến liên quan tấm bia tưởng niệm mà chí sĩ Phan Bội Châu dựng lên để tưởng nhớ ơn nghĩa của vị bác sĩ nhân hậu Asaba Sakitaro ở tỉnh Shizuoka, người đã giúp đỡ ông chí tình khi phong trào Đông Du gặp khó khăn.

Câu chuyện đó được kể lại trong những ngày gần đây, khi đang diễn ra chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Một trong những nơi được những người đứng đầu Hoàng gia Nhật lựa chọn đến thăm hôm nay (4/3) là khu tưởng niệm Phan Bội Châu.

Hồi đó, chính phủ Pháp làm áp lực với Nhật, đòi trục xuất du học sinh Việt Nam khiến khoảng 200 người phải tìm đường rời Nhật. Phan Bội Châu cố ở lại, tiền bạc cạn kiệt, thông qua một thành viên Đông Du, đành gửi lời nhờ bác sĩ Asaba giúp đỡ. 

Thư đưa buổi sáng, buổi chiều bác sĩ Asaba đã hồi âm, kèm 1.700 yen (tính theo thời giá cuối thế kỷ 20 tương đương 200.000 USD). Bức thư gửi kèm rất thành thật, đơn giản: “Nhặt nhạnh trong nhà, chỉ còn thế, sau này nếu cần nữa, cứ viết thư đến, sẽ có tiền gửi lại ngay”.

Phan Bội Châu nhờ số tiền này mà trang trải chi phí ăn ở cho các thanh niên Đông Du còn nán lại Nhật và để in “Hải ngoại huyết thư”, “Trần Đông Phong truyện” và “Việt Nam Quốc sử khảo”. Năm 1909, Phan Bội Châu tìm về quê bác sĩ Asaba tạ ơn trước khi bị trục xuất khỏi Nhật.

Hơn 10 năm sau, khi Phan Bội Châu sang Nhật tìm gặp bác sĩ Asaba mới hay tin ông đã mất vì bệnh lao phổi. Tiếc vì không có dịp đền ơn, Phan Bội Châu muốn dựng tấm bia tri ân nhưng không đủ tiền. Dân làng Iwata đứng ra quyên góp thêm cho đủ, dựng bia ở chùa Jorin-ji bên cạnh mộ của bác sĩ Asaba.

Tấm bia này nay vẫn còn ở Shizuoka, trên đó có những dòng chữ bằng tiếng Hán do chính cụ Phan viết, được diễn giải như sau: Chúng tôi vì quốc nạn, lánh chạy sang Nhật Bản, ông cảm thương cho chí của chúng tôi, giúp chúng tôi lúc cùng khốn, chẳng hề mong báo đáp, rõ thật là người kỳ hiệp xưa nay! 

Hỡi ơi! Nay ông không còn nữa, trông khắp bốn bề, biển trời mênh mang hiu quạnh, lòng này biết tỏ cùng ai! Vì thế mới khắc nỗi cảm hoài vào đá. Ghi rằng: Xưa nay không ai hào kiệt bằng ông, nghĩa ông bao trùm trong ngoài. Ông giúp như trời, tôi chịu ơn như biển. Chí tôi chưa thành, ông không chờ đợi. Lòng đau vời vợi, ức đến vạn năm.

Tình bằng hữu giữa cụ Phan và bác sĩ Asaba là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của bộ phim “Người cộng sự” (được chiếu trên truyền hình Việt Nam và Nhật Bản năm 2013).

Câu chuyện của cụ Phan và bác sĩ Asaba trở thành một trong những sợi dây đầu tiên gắn kết nhân dân Việt Nam và Nhật Bản. Với mục đích nâng cao sự hiểu biết giữa người dân Việt Nam và Nhật Bản cũng như thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko hôm nay đến Đại nội và thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế.

Điểm chung của hai dòng nhã nhạc

Theo Hoàng gia Nhật Bản, Nhã nhạc cung đình Nhật Bản đã có giao lưu và chịu ảnh hưởng Nhã nhạc cung đình Huế từ thế kỷ thứ 8, khi nhà sư Phật Triết của nước Lâm Ấp (miền Trung Việt Nam hiện nay) sang kinh đô Nara Nhật Bản giao lưu Phật giáo, tu tập tại chùa Đại An.

Các điệu nhạc, điệu múa và nhạc cụ do nhà sư Phật Triết giới thiệu được lưu truyền trong giới Phật giáo và được Hoàng cung Nhật Bản tiếp thu và đưa vào Nhã nhạc cung đình. Nhã nhạc Nhật Bản bắt đầu phát triển từ thế kỷ thứ 10, là sự kết hợp của nhiều làn điệu và bài hát Nhật Bản cũng như từ nước ngoài. Đến nay, Nhã nhạc được duy trì và phát triển dưới sự bảo trợ của Hoàng gia Nhật. Nhã nhạc thường được biểu diễn tại Hoàng cung nhân một số sự kiện quan trọng của Hoàng gia Nhật như quốc yến, tiệc ngoài trời tại vườn thượng uyển vào mùa xuân và mùa thu.

Bản thân Hoàng hậu Michiko là người quan tâm sâu sắc đến nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Hoàng hậu khuyến khích phát triển Gagaku - một loại hình ca múa cung đình cổ điển, thường xuyên có mặt tại các chương trình biểu diễn của nghệ sỹ ca múa cung đình.

Đại nội Huế được xây dựng năm 1804, dưới thời vua Gia Long, đến năm 1833, thời vua Minh Mạng, toàn bộ hệ thống cung điện mới được hoàn thiện, với 147 công trình. Phía nam Đại nội là cổng chính Ngọ môn - công trình biểu tượng của Huế. Hôm nay, theo lịch trình, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko sẽ vào Đại nội theo cổng Ngọ môn, đi trên cầu Trung Đạo, vào sân Đại triều nghi để thăm điện Thái Hòa. Hành trình cuối cùng của chuyến thăm Đại nội Huế của Nhà vua và Hoàng hậu là Nhà hát Duyệt Thị Đường. Tại đây, Nhà vua và Hoàng hậu thưởng thức 3 tiết mục đặc sắc về diễn xướng cung đình Huế.

                Ngọc Văn

MỚI - NÓNG