Người ‘se duyên’ cho voi

5 năm qua, ông đã "se duyên" thành công cho 5 cặp... voi và hiện đang làm mối cho cặp thứ 6. Ông là Đàng Năng Long, người hiện sở hữu nhiều voi nhà nhất Việt Nam, với số lượng 7 con, tại hồ Lăk, Đắc Lắc.

Người ‘se duyên’ cho voi

5 năm qua, ông đã "se duyên" thành công cho 5 cặp... voi và hiện đang làm mối cho cặp thứ 6. Ông là Đàng Năng Long, người hiện sở hữu nhiều voi nhà nhất Việt Nam, với số lượng 7 con, tại hồ Lăk, Đắc Lắc.

Ông Đàng Năng Long tích cực ghép đôi cho voi trong 5 năm qua.
 

Mùa giao hoan

Đắc Lắc mùa này gió thổi ngút ngàn. Những cánh rừng khộp đặc trưng bắt đầu ngả sang sắc vàng. Rừng đồng loạt rụng lá, thay áo mới đón xuân về. "Đây cũng là thời gian tìm bạn tình của voi, và chỉ kéo dài trong một quý, khi tiết trời ấm áp đến hết xuân", ông Long cho biết.

Cách đây 5 năm, trước sự suy giảm của voi nhà, do già yếu, bệnh tật, bị sát hại... ông Đàng Năng Long bắt đầu làm "ông mối" cho các con voi nhà của mình. Cặp đôi ông ghép thành công đầu tiên là voi Y Trut (đực) và H'Khun (cái). "Khi thấy đôi voi làm bạn bên nhau, tôi rất mừng. Bây giờ cả đôi voi này đều đã chết. Có thể cặp đầu chưa mang lại kết quả do Y Trut đã quá già, hơn 70 tuổi", ông Long chia sẻ. Tiếp tục, ông Long ghép cặp cho voi Béc-Khăm (đực) và H'Túc. Voi Béc-Khăm sau này đã bị sát hại. "Hai đôi voi đầu, người dân phản đối rất nhiều. Khi voi Béc-Khăm động dục, phá hoại, người dân bảo là do tôi làm trái lẽ thường nên thần linh nổi giận", ông Long tâm sự. Ông bảo 5 lý do khiến việc ghép đôi voi bị phản đối.

Đó là: voi đực động dục thường đổi tính đổi nết, không tuân thủ điều khiển của nài voi; voi con sinh ra thuộc sở hữu của voi cái, chủ voi đực không được lợi mà còn có thể bị phạt vạ nếu voi đực làm bị thương voi cái; voi cái mang thai khiến chủ voi mất đi khoảng 3 năm lao động của voi, voi con sinh ra khó thuần dưỡng. Trong khi đó, voi tự nhiên lại quá nhiều, các dũng sĩ săn voi chỉ cần ra rừng là bắt được voi con 3-5 tuổi, thuần dưỡng và sử dụng được ngay.

Ngoài chuyện luật tục thì việc ghép đôi voi cũng không đơn giản về mặt tự nhiên. Voi cần không gian và thời gian để "tìm hiểu" nhau. "Nếu voi không chịu thì có ép cách nào đi chăng nữa đều không ghép được", ông Long lý giải. Ông Long tiếp tục ghép thành công thêm 3 đôi voi nữa. Đó là các đôi Ba Nan-Khăm Phăn ghép từ đầu năm 2012, H'Khun (khác với H'Khun ở đôi đầu tiên)-Y Mâm, Khăm Sen-Y Chum ghép từ tháng 10-2012. Trong đó, riêng voi Khăm Sen là của Y Thăn Uông, còn lại đều là voi của ông Long. Các đôi voi này đều trong độ tuổi sinh sản và hiện được nghỉ ngơi để tăng cơ hội mang thai.

"Voi H'Kun của khu du lịch Dray Sap mới 19 tuổi. Tôi đã ghép H'Kun với một voi đực của tôi, nhưng H'Kun không chịu. Tôi đang thương thảo để mượn một con voi đực nhỏ ở Lăk ghép với H'Kun và cam đoan chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra", ông Long dự tính.

Phải làm bằng mọi cách và kiên trì

Đã có những cuộc giao hoan nhưng voi con vẫn chưa chào đời, tin vui vẫn chưa đến với ông Long và các nài voi ở Lăk. Ông Long vẫn ngày đêm nghiền ngẫm và tìm mọi lời giải cho bài toán cho voi sinh sản. "Voi nhà chưa một lần sinh nở nên giờ rất khó. Hơn nữa, voi tự nhiên khi đến tuổi thì được giao phối theo quy luật, còn voi nhà thì bị ngăn cấm quá lâu, giờ đã quá lứa cả rồi", ông Long lý giải. Ông Long bảo cần phải làm bằng mọi cách và kiên trì. Ông Long kiến nghị cần có cơ chế thông thoáng để dễ dàng vận chuyển voi đi các địa phương phục vụ cho việc giao phối, sinh sản của voi.

Những ngày trời đất Tây Nguyên chuyển mùa, ông Long tiến hành lễ cúng sức khỏe cho voi với cầu mong voi mạnh khỏe, thức ăn dồi dào. Ông cũng tất tả đi lại ngược xuôi giữa cánh rừng bên kia hồ Lăk với tư gia để săn sóc, quan sát đàn voi làm bạn với nhau. "Nút thắt để voi sinh sản vẫn là rừng. Trước kia rừng nhiều, thức ăn phong phú, voi có không gian và sức khỏe để yêu. Giờ, đến cái bãi chăn thả cũng khó khi rừng đã biến thành rẫy hết rồi", ông Long suy tư.

Theo Hoàng Táo
Công An Đà Nẵng

Theo Đăng lại