Không khí ngột ngạt, oi bức khiến người người cảm thấy uể oải.
Theo Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, nắng nóng mạnh nhất từ 10h đến 15h, nhiệt độ cao nhất đo được ở mức 38-39 độ C nhưng hơi nóng hầm hập đến tận 19h hàng ngày. Người Sài Gòn những ngày này ra đường đều che kín mít, kể cả đàn ông.
Ông Nguyễn Văn Mởn, chạy xe ôm ở đại lộ Mai Chí Thọ sau khi chở khách về tu ừng ực chai nước. "Ở nhà còn đỡ chứ ra đường nóng quá thể, hoa cả mắt. Sáng giờ tôi làm 3 lít nước rồi", ông Mởn thở hổn hển, nói.
Người phụ nữ bán hàng trên đường Mai Chí Thọ chế thêm ô tránh nắng dù ngồi dưới hàng cây.
Cực nhất là công nhân các công trình xây dựng. Họ hầu như phải đối mặt với nắng nóng cả ngày làm việc. "Nắng mấy phải chịu chứ công việc mà. Mình tìm cách mà đối phó thời tiết chứ không bỏ việc được dù bạn bè nhiều đứa bệnh đã về quê", Tâm - nam công nhân xây dựng ở khu Thủ Thiêm, quận 2 chia sẻ.
Người thợ sửa giày tìm hơi mát tại chân cầu thang Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3) tranh thủ chợp mắt giấc trưa.
Học sinh đến trường nhễ nhại mồ hôi. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nắng nóng những ngày vừa qua làm chỉ số tia cực tím (UV index) tăng cao. Ở TP HCM mức UV index dao động 9-10, đây là mức rất cao, gây nguy hại đến sức khỏe. Bức xạ cực tím UV có thể gây sạm da, lão hóa, bỏng nắng, ung thư da… hoặc đục thủy tinh thể.
Các bác sĩ khuyến cáo trẻ em cần được phòng chống tác hại của tia UV vì tác động trực tiếp đến mắt, da bé. Khi ra ngoài cần mặt đồ kín toàn thân, mũ rộng vành, đeo kính râm để bảo vệ trẻ.
Một số hàng quán để tránh cái nóng phải liên tục tưới nước lên mặt đường xung quanh. Nhiều quán cà phê, nhà hàng trang bị hệ thống phun sương tự động để giảm nhiệt.
"Trời nắng nóng mà đi vào những con đường nhiều cây nó mát như ở phòng máy lạnh luôn", Lê Huy - nhân viên một công ty giao hàng nói.
Nắng nóng ở TP HCM và Nam bộ có thể kéo dài đến cuối tháng 5. Nhiều chuyên gia khuyến cáo người dân khi ra đường nên trang bị áo dài tay, kính râm để bảo vệ sức khỏe.