Bắt đầu từ 27 Tết trở đi, người dân Sài Gòn nhộn nhịp gói bánh chưng. Tại chợ lá dong ở ngã ba ông Tạ, trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình), người dân tất bật mua lá, lạt, khuôn... để gói bánh.
Trong căn nhà nhỏ trên đường Hoàng Sa, bà Linh (63 tuổi) luôn tay vo gạo nếp, đậu xanh. "Năm nay nhà tôi gói ít hơn mọi năm, chỉ có 80 cái, đa phần là mang biếu. Gạo thì phải nếp Bắc, ngâm cả một đêm, để ráo nước rồi mới gói", bà Linh cho biết.
Gia đình bà ông Văn Phúc (quận 3) quây quần cùng nhau gói bánh chưng. Mỗi người một việc như chia thịt, xếp lá, gói bánh... "Năm nào cũng vào dịp này anh em, con cháu lại tập hợp ở nhà tôi. Mọi người cùng góp gạo, lá, thịt... rồi nấu chung, chia mỗi nhà vài cái", ông Phúc nói.
"Để có cái bánh chưng cúng gia tiên nhiều công đoạn lắm, phải dậy sớm chọn lá dong to đẹp, thịt ba chỉ loại ngon rồi ngâm gạo nếp, đậu xanh cả một đêm mới xong. Gói cực nhưng vui vì mọi người có dịp đoàn viên", ông Phúc chia sẻ.
"Cứ đúng 28 Tết là nhà tôi gói 80 cái bánh cho gia đình. Mấy đứa nhỏ háo hức lắm nên dậy từ sớm xem gói, phụ ông xếp bánh vào nồi", ông Chinh (đường Nguyễn Quang Bích, quận Tân Bình) cho biết.
Nhiều gia đình thường gộp chung một vài nhà để gói, nấu bánh chưng trong một nồi cho tiện lợi.
Nhiều người vì diện tích nhà nhỏ nên nấu bánh chưng trong hẻm, ngay trước nhà khiến cho không khí Tết tràn ngập khắp phố phường.
Tuy nhiên, với những con hẻm nhỏ hẹp, người dân thường chọn cách nấu bằng gas. "Nấu bánh chưng bằng củi sẽ ngon hơn nhưng mà khói lắm ảnh hưởng tới nhà khác, lại dễ gây hỏa hoạn, rồi khi cọ nồi cũng mệt", bà Linh (quận Phú Nhuận) chia sẻ.
"Mọi người cứ thay phiên nhau ra vun củi, châm nước. Tôi còn mua thêm khoai lang, bắp để nướng cho mấy đứa nhỏ ăn. Ngày Tết thích nhất cái không khí cùng gói, trông bánh chưng cả đêm", ông Huy Du (đường Trần Văn Dư, quận Tân Bình) nói.
Giữa đêm, trên đường Trần Văn Danh (quận Tân Bình), gia đình anh Trần Khuyến cùng nhau quây quần trò chuyện rôm rả bên nồi bánh.
Nhiều gia đình thường vớt bánh lúc giữa đêm.
Trên đường C1 (quận Tân Bình), anh Vũ Khắc Hoàng dùng nồi, can nước để lèn bánh chưng. "Bánh được xếp ngay ngắn, chờ nguội rồi lèn thật chặt cho thêm phần dẻo ngon", anh Hoàng chia sẻ.