Người ra vào TPHCM phải quét mã QR

0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng đo thân nhiệt người vào TPHCM tại chốt kiểm dịch phòng, chống dịch COVID-19 trên quốc lộ 1A Ảnh: Hcmcpv.org.vn
Lực lượng chức năng đo thân nhiệt người vào TPHCM tại chốt kiểm dịch phòng, chống dịch COVID-19 trên quốc lộ 1A Ảnh: Hcmcpv.org.vn
TP - “Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, TPHCM phải kiểm soát chặt chẽ người ra vào bằng mã QR cá nhân tích hợp khai báo y tế, kết quả xét nghiệm, tiêm vắc-xin, đồng thời bảo đảm lưu thông hàng hoá, không để ách tắc”.

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo TPHCM ngày 5/7.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh những ngày gần đây, mỗi ngày TPHCM ghi nhận từ 600-700 ca bệnh (tổng số bệnh nhân COVID-19 đến nay là gần 6.700). Nhiều địa phương lân cận TPHCM ghi nhận những ca bệnh có lịch trình đi về từ thành phố này.

Đây là địa bàn quan trọng nên Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Trước yêu cầu cần tập trung cao nhất cho TPHCM, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sáng 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo, ngoài phụ trách công tác phòng, chống dịch chung của cả nước, trực tiếp cùng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại đây.

Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, do năng lực phòng, chống dịch của các quận, huyện, thành phố không đồng đều nên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM không chỉ hỗ trợ phòng, chống dịch chung trên toàn địa bàn mà sẽ trực tiếp hỗ trợ từng huyện, quận, thành phố. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho hay, qua phân tích, giai đoạn trước, các ca phát hiện bên ngoài khu phong tỏa, cách ly tầm soát trong cộng đồng chiếm đến 75%. Tuy nhiên, những ngày gần đây chỉ còn 17%, trong khi hơn 80% các ca được phát hiện qua việc khám tầm soát bệnh nhân đến các bệnh viện.

“Cần có biện pháp để giảm nhanh sự phát tán của các mầm bệnh, trong đó, phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng, chống dịch là một trong những yếu tố quyết định giảm sự phát tán của virus”, ông Đức nói. Thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 10/CT-UBND có nghĩa tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg trên toàn thành phố và tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên các khu vực hẹp bên trong. TPHCM thống nhất quan điểm, kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố nhưng không để hàng hóa lưu thông bị ách tắc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TPHCM, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thống nhất các biện pháp liên quan hoạt động đi lại của người dân, trong đó TPHCM phải có phương án thông báo kết quả xét nghiệm cho người dân. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cùng với Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn việc tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vắc-xin của người dân vào mã QR cá nhân, tạo thuận lợi cho các điểm kiểm soát người ra vào TPHCM.

Chấn chỉnh lấy mẫu, xét nghiệm

Xung quanh vấn đề xét nghiệm và truy vết của TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý cần kết hợp các công nghệ xét nghiệm khác nhau, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm trên tinh thần “tiết kiệm, hiệu quả, không chạy theo số lượng” để phục vụ truy vết, phát hiện nhanh ca mắc COVID-19. “Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều nhưng không xét nghiệm kịp do công suất xét nghiệm không đáp ứng được hoặc không có đủ thông tin. Kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm cả nồng độ virus để phục vụ công tác truy vết”, ông yêu cầu.

TPHCM khuyến nghị, người có việc thật sự cần ra vào thành phố phải thực hiện theo Công điện của Bộ Y tế trong việc thực hiện xét nghiệm. Thành phố sẽ triển khai nhanh các hệ thống kiểm soát người được xét nghiệm trước khi ra vào thành phố. Tại các điểm kiểm soát, người ra vào thành phố chỉ cần quét mã QR. Trong trường hợp có quy định mới liên quan đến việc đi lại, người dân phải được thông báo trước 24 giờ. Thành phố đang tích cực phối hợp với các địa phương, cơ quan Trung ương để hoàn thành hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất.

Sau 1 giờ phát hiện F0 phải truy vết xong F1

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói rằng, bộ phận thường trực và TPHCM đã thống nhất phương án cách ly trường hợp F1 tại nhà và cách ly theo công thức “14+14” với F1 (sau 14 ngày cách ly tập trung, nếu khảo sát điều kiện nơi lưu trú đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế thì cho F1 về cách ly theo dõi tại nhà 14 ngày). Ông Sơn bày tỏ mong muốn TPHCM sớm triển khai phương án này.

Ngành y tế đặt mục tiêu trong vòng 1 giờ sau khi phát hiện F0, phải truy vết xong các F1; xét nghiệm lặp lại từ 1-3 ngày/lần ở những khu có nguy cơ cao.

Số ca mắc cao kỷ lục

Bộ Y tế cho biết, ngày 5/7, Việt Nam ghi nhận 1.102 ca COVID-19 với 13 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Hôm qua, kỷ lục mới về số ca mắc trong nước được ghi nhận từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam đến nay với 1.089 ca. Cụ thể, tại TPHCM có 641 ca, Đồng Tháp (165), Bình Dương (131), Phú Yên (40), Khánh Hòa (18), Long An (15), An Giang (12), Tiền Giang (11), Hưng Yên (9), Đồng Nai (9), Bắc Giang (7), Bắc Ninh (4), Quảng Ngãi (4), Bình Phước (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Vĩnh Long (3), Bình Định (3), Tây Ninh (3), Hà Tĩnh (2), Lạng Sơn (1), Sóc Trăng (1), Nghệ An (1), Lâm Đồng (1); trong đó 974 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Có thêm 203 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và 4 bệnh nhân COVID-19 tử vong.

MỚI - NÓNG