Người phụ nữ xinh đẹp lấy chồng rồi không thể làm vợ vì 'lỗi lớn' của tạo hóa

Các BS Bệnh viện E Trung ương thực hiện ca phẫu thuật cho người phụ nữ không có âm đạo. Ảnh: BV cung cấp
Các BS Bệnh viện E Trung ương thực hiện ca phẫu thuật cho người phụ nữ không có âm đạo. Ảnh: BV cung cấp
TPO - Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân nữ này mắc hội chứng bất sản ống Muller (hay còn gọi là hội chứng Mayer – Rokitansky- Kuster – Hauser). Đây là dị tật không có âm đạo bẩm sinh, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, chất lượng sống của người bệnh.

Sinh ra trong một gia đình gốc ở phố cổ Hà Nội, thời con gái chị nổi tiếng là hoa khôi với khuôn mặt nhỏ nhắn, sống mũi thẳng, miệng cười tươi, đôi má lúc nào cũng ửng hồng, mái tóc đen dày… Nhưng đến tuổi trăng rằm, khoảng 15-16 tuổi, chị không thấy xuất hiện kinh nguyệt nên gia đình có đưa chị đi khám ở bệnh viện chuyên ngành sản khoa. Các bác sĩ khám và bảo là chị không có kinh nguyệt, khó có con nhưng không hề giải thích kỹ cho gia đình chị về căn bệnh dị tật bẩm sinh không âm đạo.

Chị lớn lên với hình thể bên ngoài xinh đẹp, nữ tính nhưng trong thâm tâm của chị vẫn thấy thiếu một điều gì đó. Chị âm thầm chịu đựng căn bệnh quái ác này. Đến năm 22-23 tuổi, chị quyết định lập gia đình với một trong những “cây si” của mình, đã làm vỡ mộng của biết bao chàng trai có ước mơ được “kết tóc xe tơ” với hoa khôi của một trường cấp 3 nổi tiếng ở Hà Nội. Nhưng vì khiếm khuyết cơ quan sinh dục khiến bản thân chị từng trải qua nhiều lần đau khổ.

Lúc đầu vợ chồng chỉ nghĩ là do hiếm muộn chứ chưa từng biết nguyên nhân thực sự là chị không có âm đạo. Mối quan hệ thân mật với chồng trở nên vô cùng khó khăn, chị đã nhiều lần đề nghị anh ly hôn để anh đi tìm duyên mới nhưng vì vẫn còn yêu thương vợ nên anh cứ lần lữa. Thậm chí, vợ chồng chị còn nhận con nuôi nhưng mẹ chồng chị vẫn không đồng ý, khiến cuộc sống hôn nhân chị đổ vỡ.

Muốn xa lánh quá khứ, chị chuyển vào Nam sinh sống, nhưng trái tim người phụ nữ vẫn luôn khát khao cảm xúc yêu thương. Nhiều người đàn ông trước đây đã từng theo đuổi chị và cả những người đàn ông mới quen ở nơi phương xa vẫn mong cùng chị nên duyên vợ chồng nhưng chị đều tìm cách né tránh… Chị nghĩ cuộc sống hôn nhân của chị có lẽ đi vào ngõ cụt và vấn đề tình dục cũng chấm dứt ở đây.

Mới đây, trong một lần tình cờ chị đọc trên báo thấy các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt Bệnh viện E đã giúp rất nhiều cô gái mắc dị tật không âm đạo tìm thấy niềm hạnh phúc viên mãn. Càng đọc, chị vỡ òa trong niềm hạnh phúc vì chị rồi sẽ được các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt Bệnh viện E giải thoát khỏi căn bệnh quái ác này. Trái tim người phụ nữ bé bỏng lại cháy lên với khát vọng trở thành người phụ nữ hoàn chỉnh.

Những ngày cuối năm này, một người phụ nữ xinh đẹp, nhỏ nhắn từ TP Hồ Chí Minh ra “gõ cửa” ThS.BS Nguyễn Đình Minh – trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E để được khám, tư vấn và có hướng giải quyết phù hợp. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân nữ này mắc hội chứng bất sản ống Muller (hay còn gọi là hội chứng Mayer – Rokitansky- Kuster – Hauser). Đây là dị tật không có âm đạo bẩm sinh, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, chất lượng sống của người bệnh.

Sau khi siêu âm và chụp MRI, hình ảnh không có âm đạo, ống âm đạo chỉ là dải xơ khoảng 1,5 cm. Ngoài ra bệnh nhân không có tử cung. Xét nghiệm các chỉ số hormon, nội tiết thiếu hụt do thiểu sản buồng trứng. Đặc biệt nhiễm sắc thể đồ là 46XX, xác định bệnh nhân giới tính nữ. Vì thế, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E chỉ định phẫu thuật tạo hình âm đạo cho bệnh nhân này bằng niêm mạc môi bé (hoặc cả phần môi lớn phì đại), đây là một phương pháp đạt được nhiều mục đích vừa tạo hình âm đạo, vừa tạo hình làm đẹp vùng tầng sinh môn cho người bệnh.

Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt đã tạo khoang âm đạo mới, nằm giữa trực tràng và bàng quang cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật tạo hình âm đạo kéo dài hơn 1 giờ và được chia làm 3 ê - kíp: Một ê –kíp thực hiện lấy niêm mạc từ môi bé của bộ phận sinh dục ngoài và tạo hình trên một khuôn nong; Một ê – kíp thực hiện tạo khoang âm đạo và một ê – kíp tiến hành nội soi ổ bụng, kiểm soát vùng tiểu khung trực tràng, bàng quang (do Ths.Bs. Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật, tiết niệu, nam học phụ trách).

Để tạo khoang âm đạo có độ dài từ 8-10cm và rộng khoảng 3-4 cm, các bác sĩ phải tạo hình các mảnh ghép niêm mạc được lấy từ môi bé của cơ quan sinh dục ngoài. Sau đó, những mảnh ghép này được xử lí làm mỏng, phủ kín lên khuôn nong và cố định lại vào khoang âm đạo vừa được tạo hình. Khó khăn của ca phẫu thuật này chính là việc bóc tách khoang âm đạo mới phải vô cùng, cẩn thận và tỷ mỷ để không làm rách trực tràng, bàng quang, cũng như tổn thương các mạch máu. Mảnh ghép niêm mạc môi bé được ê kíp còn lại thực hiện lấy, xử lý đúng kỹ thuật và phải cố định tạo hình tốt để đảm bảo “sự sống” ở nơi nhận để không bị hoại tử. Lớp niêm mạc đó đảm bảo yếu tố sinh lý, rất gần cấu tạo của niêm mạc âm đạo, nhờ đó, thành âm đạo sau tạo hình mềm mại, đặc biệt, tạo tính đàn hồi khi quan hệ tình dục.

Điều đặc biệt, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt Bệnh viện E đã tự chế tạo ra khuôn nong âm đạo cho bệnh nhân. Khuôn nong âm đạo bằng vật liệu silicon y học, hoàn toàn đảm bảo về chất lượng và an toàn cho sức khỏe người bệnh. Ưu điểm của việc sử dụng chất liệu silicon sẽ tạo được hình dáng khuôn nong phù hợp với thể trạng cũng như nhu cầu của bệnh nhân và đường hầm âm đạo tạo ra cho bệnh nhân. Chất liệu silicon có thể tiệt trùng ở nhiệt độ thấp và đảm bảo độ cứng chắc nhưng vẫn có tính đàn hồi thích hợp cho niêm mạc ghép bám tốt nhất vào ống đường hầm âm đạo đã được tạo ra… Điều đáng nói, việc sử dụng khuôn nong tự tạo sẽ giảm chi phí rất nhiều cho người bệnh vì họ phải sự dụng ống nong trong vòng 3-6 tháng, bên cạnh đó các bác sĩ còn tạo ống nong theo kích thước của từng bệnh nhân.

Theo y văn thế giới, đây là hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser khiến âm đạo, tử cung không phát triển. Bệnh nhân vẫn có 2 buồng trứng, các hormon giới tính trong giới hạn bình thường. Các bộ phận khác trên cơ thể bé gái mắc bệnh vẫn phát triển bình thường nhưng lại không có cơ quan sinh dục… Tình trạng nữ giới không có âm đạo phải là hiếm, chiếm tỷ lệ khoảng 1/4.000 tới 1/10.000, nghĩa là, cứ 4.000 trẻ em sinh ra thì có 1 bé không có âm đạo.

Đây là một bệnh bẩm sinh của đường sinh dục nữ mà nguyên nhân chưa được rõ ràng. Bệnh thường phát hiện ở độ tuổi sơ sinh hoặc dậy thì. Ở tuổi sơ sinh, dưới tác động của estrogen (một loại hoóc-môn do một số cơ quan sinh dục nữ tiết ra) từ mẹ truyền qua con trong giai đoạn thai kỳ, cổ tử cung trẻ gái sơ sinh tăng tiết dịch dẫn đến ứ dịch vùng âm đạo có thể gây ra các khối u vùng âm hộ hoặc các triệu chứng tiểu khó, tiểu rặn, nặng thì nhiễm trùng tiểu (sốt, nước tiểu đục…). Còn ở tuổi dậy thì, đến thời kỳ có kinh nhưng nữ giới chỉ bị đau bụng theo chu kỳ tháng nhưng không thấy kinh. Đặc biệt, để có đời sống tình dục bình thường, nữ giới mắc dị tật này cần được phẫu thuật tạo hình âm đạo.

MỚI - NÓNG