Người phụ nữ Mỹ làm dâu đất Việt

TP - Chồng chị đã mất cách đây 11 năm nhưng Sarah Bales vẫn ở lại Việt Nam cùng hai con trai. Người ta thường hỏi: Sao chị không đi bước nữa? Nhưng Sarah thấy không cần thiết phải lên xe hoa lần hai. Chị vẫn yêu người chồng  đã khuất.
“Tổ ấm” ngày trước của Sarah

Sarah gây ngạc nhiên khi chị nói tiếng Việt sõi hơn bất cứ người ngoại quốc giỏi tiếng Việt nào mà tôi biết. Trước đây, tôi từng quen một dịch giả người Hàn Quốc, anh thuộc nhiều ca dao Việt, dịch cả một cuốn tiểu thuyết kinh điển Hàn Quốc sang tiếng Việt, song nghe anh nói, vẫn nhận ngay ra là người ngoại quốc. Còn Sarah thì không, chị nói tiếng Việt như người Hà Nội, tiếp thu có chọn lọc lối nói bình dân. Tất nhiên quá trình học tiếng Việt của Sarah diễn ra chẳng dễ dàng, dù chị là người có kinh nghiệm học ngoại ngữ song tiếng Việt vẫn là một thách đố.

Sarah kể: Chị từng nói với con mình, hãy chỉnh tiếng Việt cho mẹ, sao cho mẹ nói “sói” (thay vì “nói sõi”). Sarah đã gắn bó với Việt Nam 27 năm, sống chủ yếu ở Hà Nội, song xê dịch khắp nơi trên đất nước Việt Nam, từ Cao Bằng, Hà Giang tới Mũi Cà Mau, chỉ còn một số ít tỉnh, thành chị chưa khám phá.

Tôi may mắn được biết Sarah qua giới thiệu của nhà văn Ngô Thảo. Trong mắt Ngô Thảo, Sarah có một cuộc đời đẹp, một tấm lòng đẹp. Gặp Sarah không quá khó vì chị nhiệt tình, cởi mở, thân thiện nhưng người viết nào có nhu cầu khai thác đời tư, chị lại nhẹ nhàng “khép cửa”.

Sarah thích lối sống thầm lặng, kín đáo, không muốn ai biết về mình, không muốn khoe mình trước đám đông. Chỉ một lần duy nhất, Sarah chịu lên báo Việt nhưng không để người viết khai thác đời sống cá nhân, chỉ cho phép nhà báo viết về ngôi nhà ưu tiên tuyệt đối cho trẻ thơ với những bức tranh động vật sống động do chị vẽ. Tôi là trường hợp ngoại lệ chăng? Vì tôi được nhà văn Ngô Thảo, người Sarah tin tưởng giới thiệu, thêm nữa, tôi là người dân tộc thiểu số phía Bắc. Sarah vốn dành tình cảm và quan tâm đặc biệt tới người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở phía Bắc Việt Nam.

Con trai Sarah khi bé, đội mũ thổ cẩm

Đâu nhất thiết phải giàu?

Năm 1975, Sarah 10 tuổi, không biết nhiều về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Khi đó chị sống ở một vùng đất phía Bắc Chicago, một ngày kia, bỗng thấy rất nhiều người dân tộc Mông ở Việt Nam sang tị nạn. Nhà thờ mở cửa đón họ. Cũng như nhiều người dân ở đây, Sarah giúp đỡ người tị nạn, giúp gia đình họ thích nghi với cuộc sống mới nơi đất khách. Rồi Sarah vào đại học, ít có cơ hội gặp gỡ người dân tộc thiểu số ở Việt Nam hơn trước. Nhưng cuộc sống lại đưa đẩy chị đến với những người Việt kém may mắn khác.

Cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam đi qua, để lại những đứa trẻ sinh ra trên đất Việt có cha là người Mỹ, mẹ là người Việt. Sau này, Chính phủ Mỹ mở cửa cho những đứa con lai ấy cùng với anh chị em chưa lập gia đình và mẹ của họ sang Mỹ. Thế là rất nhiều người Việt Nam, thuộc tầng lớp xã hội chịu nhiều thiệt thòi, có cơ hội đặt chân đến “miền đất hứa”. Sarah tình nguyện tham gia dạy tiếng Anh cho những người Việt lần đầu đến Mỹ theo dự án này, hỗ trợ cho họ những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như biết cách đọc bản đồ hay tìm những cửa hàng bán thực phẩm rẻ, để họ dần thích nghi với xã hội.

Song song với hoạt động thiện nguyện, Sarah tiếp tục học lên cao, khi học tiến sỹ ở California, chị gặp khó khăn tìm đề tài làm luận án. Sarah quyết định ngừng lại một năm để làm việc khác. Lúc ấy, chị lại biết tới một chương trình dạy tiếng Anh tự nguyện ở Việt Nam, liền đăng ký tham gia. Vì kinh tế học là chuyên môn của Sarah nên chị đến dạy ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Sống ở Việt Nam một năm, vẫn chưa tìm ra đề tài luận án song cô gái Mỹ cảm thấy thích đất và người nơi đây nên quyết định dừng chân lâu hơn. Tôi thắc mắc hỏi Sarah: “Điều kiện sống ở Việt Nam khi ấy rõ ràng không tốt, chị không sợ cái nghèo hay sao?”. Ánh mắt người đàn bà ngoài ngũ tuần lấp lánh: “Người Việt Nam rất tình cảm. Nghèo thì sao? Đâu nhất thiết phải giàu? Tôi sống giản dị, không đòi hỏi vật chất cao”, chị nói. 

Gắn bó với người dân tộc thiểu số

Năm 2011, Sarah sang Singapore làm luận án tiến sỹ về chính sách công. Năm 2015 chị trở về Việt Nam. Cũng từ đây, Sarah có những hoạt động gắn bó với người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Với tư cách chuyên  gia, chị đã tham gia trong quá trình xây dựng và đánh giá các qui định liên quan đến bảo hiểm y tế dành cho người nghèo và  người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa Việt Nam, góp phần đưa lại cho họ những lợi thế trước nay chưa có. Họ được “miễn phí” bảo hiểm y tế. “Tôi cố gắng để đưa những lí thuyết, kinh nghiệm quốc tế đi vào chính sách Việt Nam, thích nghi với điều kiện ở Việt Nam cũng như các qui định khác ở Việt Nam”, Sarah chia sẻ.

Trong những chuyến công tác tới vùng sâu, vùng xa, tận thấy hoàn cảnh khó khăn của bà con dân tộc thiểu số, Sarah muốn góp sức mình để giúp bà con đỡ chật vật hơn. Nhưng muốn giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số, theo Sarah, rất cần sự thấu hiểu. Thí dụ trong lĩnh vực y tế, dưới góc nhìn của chị, chương trình “Cô đỡ thôn bản” ở vùng sâu, vùng xa giữ vai trò quan trọng. Sarah thấy tiếc khi hiện nay những “cô đỡ thôn bản” đã dần bỏ công việc của mình, vì thiếu phụ cấp.

Xem số liệu về phụ nữ dân tộc thiểu số trong so sánh với phụ nữ dân tộc Kinh, Sarah không khỏi xót xa: “Gần 99% phụ nữ dân tộc Kinh có khám thai, có cán bộ y tế được đào tạo đỡ đẻ hỗ trợ khi sinh nở nhưng 30% phụ nữ dân tộc thiểu số đẻ tại nhà, không có sự can thiệp của người đào tạo chuyên môn về đỡ đẻ …”.

Năm 2016, Sarah tham gia viết báo cáo về hộ sinh ở Việt Nam. Những chuyến đi thực tế khiến chị nhận thấy có nhiều lí do khiến phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa muốn đẻ tại nhà. Trong đó có lí do, ở một số nơi cán bộ y tế còn cứng nhắc trong ứng xử, chưa thật sự tôn trọng phong tục tập quán của mẹ bầu, khiến họ chưa đặt niềm tin. Theo Sarah, mẹ bầu người dân tộc thiểu số có nhiều phong tục tiến bộ. Chị thích thú với thói quen của mẹ bầu người dân tộc thiểu số ở một số nơi, khi chuyển dạ họ thường ngồi xổm, tay bám chặt vào sợi dây để lấy lực. Sarah nói, sinh ngồi, có sự trợ giúp của sức hút trái đất nên em bé chào đời dễ dàng hơn.

Không chỉ quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, Sarah còn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam. Gần đây, chị đọc một bài báo trên một tờ báo có lượng phát hành lớn ở Việt Nam viết về tai nạn giao thông và phụ nữ, trong đó chỉ liệt kê tai nạn giao thông do phụ nữ gây ra.  Sarah bất bình từ đó đến nay: “Sao họ không nêu ra các vụ tai nạn giao thông do nam giới gây ra? Chỉ tập trung vào phụ nữ?”.

Sống “lập dị”

Sarah xa chồng đã 11 năm nay, các con chị đã lớn, con trai út năm nay đã 17 tuổi, con trai cả đã du học. Ngôi nhà chị đang sống quá rộng rãi, nên chị nhận nuôi các cháu trong họ hàng bên chồng, thậm chí cho người ngoài ở nhờ. Chị biết một đôi vợ chồng trẻ, có hai con sinh đôi khá vất vả, vì nhà ở cách xa nơi làm việc, nên đã cho gia đình họ ở nhờ. Đời sống chung diễn ra vui vẻ. Sarah không có thói quen tính toán tỉ mẩn. Họ cùng ăn chung, người mua món này, người góp món kia. Chỉ duy nhất tiền điện, nước hằng tháng họ chia đều.

Cách sống rộng mở, chan hòa của Sarah được thừa hưởng từ gia đình chị. Từ nhỏ, bố mẹ chị đã nhận nuôi rất nhiều người không phải họ hàng, khi họ đến Mỹ để trao đổi văn hóa hoặc học đại học nhưng không có chỗ ở. Có những người đã coi bố mẹ Sarah như bố mẹ của họ. Nhiều năm trôi qua, bố mẹ chị đã già, có người con nuôi tận Mexico vẫn sang thăm đều đặn, mỗi năm đôi lần, để làm giúp ông bà những công việc trong gia đình như tỉa bớt cây, sơn lại chỗ nọ, chỗ kia, thay bóng điện… Sarah coi trọng gia đình như người Việt Nam nhưng chị cũng trân trọng những tình cảm của những người không phải ruột thịt. Chính điều đó đã giúp chị không cảm thấy cô đơn, khi vắng chồng, các con đã lớn.

Nhà văn Ngô Thảo bình luận: Ngay cả phụ nữ Việt cũng không làm được như Sarah, một mình gánh vác “giang san” nhà chồng. Chị cười: Nuôi các cháu trong họ hàng là niềm vui của chị. Chị là nàng dâu ngoại quốc nên được gia đình nhà chồng thông cảm nhiều. Bù lại, chị làm được những điều mà phụ nữ Việt ít làm được. Nhiều thế hệ con cháu bên chồng trưởng thành trong ngôi nhà của chị. Chị dạy tiếng Anh, dạy tin học cho các cháu. Sarah đặc biệt thích giai đoạn các cháu 17, 18 tuổi, không còn là trẻ con nhưng chưa hoàn toàn trưởng thành, chị nói chuyện với các cháu về cách sống, cách suy nghĩ khi đưa ra quyết định, ngay cả việc lựa chọn bạn đời tương lai của các cháu.

Sarah tiết lộ về người bạn đời của mình: “Anh ấy hiền, luôn suy nghĩ trước khi quyết định, cũng không mê tín, không bảo thủ”.  Chị sống bình đẳng với chồng. Hai người không bao giờ to tiếng với nhau, tuy cũng có lúc bất đồng quan điểm. Chị kể: Vào những năm Hà Nội còn chưa có nhiều người sở hữu ô tô, chồng chị muốn mua chiếc Matiz để tiện đưa cả gia đình về quê thăm mẹ. Chị phản đối vì không muốn bị xem là “sĩ diện, khoe tài sản”.  Cuối cùng anh vẫn mua ô tô nhưng không dùng tiền chung mà dùng tiền riêng của anh, như một sự hòa giải với vợ.

Khi chồng mất, chị bán xe ô tô: “Ở Hà Nội đi bằng ô tô bất tiện chỗ gửi, nguy cơ gây tai nạn cao”. Sarah thích đi xe đạp điện vì nó không thể gây tai nạn nghiêm trọng cho người khác. Để giữ an toàn cho bản thân, chị luôn đội mũ bảo hiểm, hạn chế tham gia giao thông trong giờ cao điểm. Khi đi xa chị hay lựa chọn xe bus hoặc taxi, thỉnh thoảng cũng đi xe ôm. Chị rất thích di chuyển bằng xe bus, vì “vừa mát, lại vừa có wifi”.

Trong nhà, Sarah không sắm ti vi. Chị tự trào: Tôi sống “lập dị”. Nhưng chị không có nhu cầu xem ti vi, vì còn mải đọc sách, đọc báo, nấu ăn... Khi đến lớp học nhảy, Sarah không mang theo điện thoại, chị thấy lạ khi đến giờ giải lao, mọi người lại chăm chú vào điện thoại, thay vì nói chuyện với nhau. Sarah cũng không thích đến nhà hàng, chị thích tự nấu nướng, mời bạn bè đến cùng ăn vui vẻ.

Ngoài 50 tuổi, Sarah giữ vóc dáng gọn gàng, nụ cười luôn nở trên môi. Đặc biệt chị dùng trang sức có điểm nhấn. Có lẽ chị ảnh hưởng từ mẹ chồng chăng? Sarah nói về mẹ chồng với ngôn từ yêu thương: “Mẹ chồng giống tính mẹ đẻ của tôi, thích quan tâm người khác. Mẹ chồng không bao giờ đeo trang sức, nhà cửa thì đơn giản, bà không đòi hỏi về vật chất…”

Lí do khiến chị Sarah gắn bó lâu dài với đất nước Việt Nam là vì tình yêu. Chị nhận lời yêu một giảng viên đại học người Việt, sau 3 năm thì cưới. Chị ở lại Việt Nam cùng chồng, sinh cho anh 2 người con trai. Năm 2008, chồng chị qua đời vì bệnh hiểm nghèo, Sarah ở vậy nuôi hai con trưởng thành. Chị vẫn ở lại Việt Nam, muốn được công nhận là công dân Việt Nam, vì tình yêu với mảnh đất này, vì nặng lòng với người chồng đã khuất. Nhưng hơn hết, ở Việt Nam Sarah được sống ý nghĩa hơn, đóng góp tốt hơn cho cộng đồng.

“Ngay cả phụ nữ Việt cũng không làm được như Sarah, một mình gánh vác “giang san” nhà chồng”.

Nhà văn Ngô Thảo bình luận.