Người phố săn hàng quê ăn Tết

Giáp Tết, nhiều cửa hàng bán đồ quê đông khách. Ảnh minh họa.
Giáp Tết, nhiều cửa hàng bán đồ quê đông khách. Ảnh minh họa.
Mua chung lợn quê nguyên con, trả giá cao cho gà đồi, rau trồng dân dã..., nhiều gia đình thành phố chấp nhận xài sang cho thực phẩm sạch ngày Tết.

Hùn tiền với 4 gia đình đặt người thân ở quê nuôi lợn từ đầu năm, những ngày này, nhóm "đụng" lợn của anh Lê Hoàng (quận Tây Hồ, Hà Nội) đang lên phương án phân chia sao cho hợp lý.

Theo anh Hoàng, chi phí thuê nuôi lợn ở quê có cao hơn nhưng không chênh nhiều so với giá bán trên thị trường. Lợn được nuôi dân dã, ăn cám, bèo, nước gạo... đúng kiểu ngày xưa nên tiền nuôi ăn không lớn. Tuy nhiên, thời gian nuôi lợn kiểu dân dã như vậy thường lâu gấp rưỡi những trại lợn nuôi "công nghiệp", kéo dài khoảng 7-8 tháng.

"Đây là năm thứ 3 tôi thuê nuôi lợn. Nhờ chọn được mối quen nuôi hộ ở quê nên tôi rất tin tưởng. Thịt lợn loại này rất thơm và lành. Anh dự định từ năm sau sẽ nuôi gối để có thịt dùng quanh năm chứ không chỉ riêng ngày Tết.

Cũng rủ gia đình bạn "đụng" lợn nhưng chị Phạm Phương Anh (Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) lại chọn mua lợn cắp nách ở Lai Châu. Một con lợn gần chục kg, giá 150.000 đồng/kg, hai gia đình chia nhau là vừa hết. Chị Phương Anh cho biết, thịt lợn là một trong những nguồn thực phẩm chính sử dụng trong nhà. Chồng chị và các con đều thích nên muốn mua loại ngon ăn vào dịp Tết.

Người phố săn hàng quê ăn Tết ảnh 1

Để có lễ vật quý cúng tổ tiên và thực phẩm ngon ngày Tết, nhiều khách hàng sẵn sàng chi vài, ba triệu cho một chú gà Hồ (Bắc Ninh)..

Lợn cắp nách (còn gọi là lợn ri) do người dân tộc nuôi, ít mỡ, thơm ngon, dễ chế biến. Ngoài ra, chị Phương Anh còn đặt mua chung một nguồn gà đồi và bò cỏ, rau từ Ba Vì (Hà Nội) chuyển về thành phố. Nhờ lựa được mối mua tốt nên giá các loại thực phẩm quê này hầu như chỉ chênh tiền vận chuyển so với thực phẩm bán tại chợ gần nhà. "Chưa nói tới lành đến đâu nhưng chỉ cần ăn thôi đã thấy khác rồi. Đồ quê ngon, thơm hơn", Phương Anh nhận xét.

Vợ chồng anh Hà, chị Thu, hàng xóm nhà Phương Anh ngại công vận chuyển thực phẩm từ miền núi về xuôi. Tuy nhiên, gia đình này cũng mất công tìm tới nhiều nguồn cung cấp thực phẩm sạch, dễ truy xuất nguồn gốc. Riêng thịt lợn, anh Hà chọn mua của một địa chỉ chuyên nuôi lợn bằng giun quế (trùn quế) với giá 130.000 đồng/kg. Thời điểm gần Tết, giá thịt loại này tăng lên 150.000 đồng/kg nhưng theo chia sẻ của chủ hàng, lượng khách không giảm mà còn tăng mạnh.

Đinh Thanh Tâm, chủ hàng thực phẩm sạch Ba Vì chuyên bán online cho biết, ngay cả ngày thường, lượng khách mua thịt bò, gà chuyển từ vùng đồi núi về xuôi cũng khá ổn định. Giá gà chị mua gom ở quê bán tại Hà Nội mức 120.000 đồng/kg, thịt bò dao động 180.000-260.000 đồng/kg. Càng gần Tết, sức mua tại địa phương tăng mạnh nên thịt bò khan hiếm, chị Tâm không thể mua gom đủ cho khách. Thịt gà trống tăng lên mức 130.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Đăng Chung, một chủ hộ nuôi gà Hồ (gà tiến vua) tại Bắc Ninh cho hay, một chú gà trưởng thành nặng khoảng 5-6 kg có giá bán từ nay tới Tết không dưới 2,5 triệu đồng, nhiều con giá 3 triệu đồng. Theo nhiều hộ nuôi trong làng, mức giá này không cao, bởi đây là loại gà khó nuôi, thời gian nuôi dài tới 1 năm. Mỗi hộ nuôi nhiều nhất cũng chỉ có 1-2 cặp gà lấy giống. Gà Hồ ngoài việc được yêu thích bởi chất lượng thịt, còn có ý nghĩa về mặt tâm linh, được người dân chọn là lễ vật cúng bái tổ tiên, đình làng trong dịp lễ, Tết.

Do không phải là những mặt hàng dễ tìm, dễ mua tại các khu chợ thành phố, những sản vật quê, chăn nuôi và canh tác kiểu dân dã luôn được khách thành thị trả giá cao. Tuy nhiên, cũng từ chia sẻ của anh Nguyễn Viết Thuận, một chủ buôn thực phẩm từ Ba Vì xuống Hà Nội, khách mua cũng nên tinh ý và có sự cân nhắc trong lựa chọn thực phẩm.

Không phải sản phẩm nào từ quê cũng tươi, ngon, an toàn. Gà nuôi ở Ba Vì cũng có nhiều loại khác nhau như gà nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và gà ta "xịn. Thậm chí, nếu gà giống công nghiệp mà dân nuôi thô, thả chạy bộ, tự tìm thức ăn, tự sinh tồn có khi chất lượng còn ngon hơn gà ta nhưng nuôi công nghiệp.

"Nhiều khách hàng nghĩ cứ hàng từ quê lên tỉnh là lành, là ngon thì nhầm. Ví dụ như rau từ miền núi về tới Hà Nội, riêng thời gian vận chuyển mất cả ngày, chất lượng cũng giảm đi, giá cả và phí vận chuyển lại cao", anh Thuận nói.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).