Người nuôi trùn quế để thoát nghèo có thể bị phạt 40-50 triệu đồng

Mô hình nuôi trùn quế. ảnh minh hoạ
Mô hình nuôi trùn quế. ảnh minh hoạ
TPO - Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong Thông tư 01/2018 về danh mục giống vật nuôi, Bộ NN&PT NT đang bỏ quên một số loài động vật mà hiện nay người dân vẫn đang nuôi, kinh doanh như trùn quế.  

Theo quy định, xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chăn nuôi, việc kinh doanh loại không có trong danh mục có thể bị xử phạt từ 40-50 triệu đồng. Như vậy nhiều cá nhân bán giống trùn quế hiện nay là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt. 

Đó là thông tin được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019” ngày 26/12.

Theo đại diện VCCI, thông tư 01 của Bộ NN&T NT kể trên chỉ là một trong số quy định mang tính “chọn cho” được xây dựng và ban hành.  Không chỉ danh mục giống vật nuôi, nhiều mặt hàng khác của Bộ NN&PT NT còn dùng phương pháp “chọn cho”. Tiêu biểu như, tại thông tư 02/2019, Bộ NN&PT NT ban hành danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam và người dân chỉ được phép kinh doanh những loại có trong danh mục. 

“Phương pháp này vừa không phù hợp với hiến pháp, vừa không hợp lý và dẫn đến nguy cơ cơ quan nhà nước quên hoặc không biết đến một loại thức ăn chăn nuôi theo tập quán nào đó, người dân và doanh nghiệp không được phép kinh doanh. Trong khi, mỗi loại vật nuôi, mỗi vùng miền người dân có kinh nghiệm dân gian khác nhau mà cán bộ quản lsy nhà nước khó có thể biết được”, báo cáo của VCCI nhấn mạnh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, phương pháp này còn có thể gây cản trở tự do sáng tạo, sáng kiến của người dân và DN. Ví dụ, khi người dân phát hiện ra một loại thức ăn chăn nuôi mới sẽ không được phép kinh doanh. 

Thống kê của VCCI, năm 2019 số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó. Theo Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, tính đến hết tháng 11 năm 2019, mới chỉ có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500 đến 800 thông tư của các năm trước đó, đối với nghị định, cũng mới chỉ có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định cùng kỳ năm 2018, và mức 125 nghị định trong 11 tháng đầu năm của năm 2017.

Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia thuộc Ban Pháp chế VCCI, số lượng văn bản giảm không đồng nghĩa với việc khối lượng công việc xây dựng pháp luật của các bộ, ngành giảm. Báo cáo về "Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019" sẽ điểm lại một số vấn đề đáng chú ý trong năm qua liên quan đến công tác xây dựng pháp luật.

Báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh" là sáng kiến của VCCI, nhằm định kỳ hàng năm ghi lại bức tranh pháp luật kinh doanh của Việt Nam trong mỗi 6 tháng hoặc một năm. Sáng kiến này được bắt đầu từ đầu năm 2018. 

Trên cơ sở ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội và nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, Báo cáo sẽ điểm lại những quy định pháp luật trong năm 2019 có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có phân tích, bình luận về các quy định, từ đó có thể nhận biết được góc nhìn của doanh nghiệp về các chính sách trong năm nay

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.