Người nghèo, bệnh nhân chật vật vì mắc kẹt ở Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
Bà Hà trọ tại phường Phúc Xá (Hoàn Kiếm) dọn mâm cơm khi ở nhà giãn cách
Bà Hà trọ tại phường Phúc Xá (Hoàn Kiếm) dọn mâm cơm khi ở nhà giãn cách
TP - Bệnh nhân, người nhà ngoại tỉnh lên khám chữa bệnh ở Hà Nội không kịp về; nhiều lao động thời vụ mất việc cũng không về được quê.

Anh Nguyễn Văn Huấn ở xã Minh Nghĩa (Nông Cống, Thanh Hoá) cho biết, hai tuần trước được công ty cho nghỉ phép đưa mẹ ra xạ trị ung thư ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội). Mẹ anh được xạ trị buổi cuối cùng đúng đêm Hà Nội ra thông báo giãn cách nên đành ở lại. “Tiền nhà trọ mỗi ngày 150 nghìn đồng, chưa kể tiền ăn uống, tiền sinh hoạt phí. Vì ra điều trị ung thư cho mẹ nên tôi thuê phòng trọ, không có đồ nấu nướng”, anh Huấn kể.

Đến nay, đã hết phép, đến ngày đi làm nên anh phải gọi điện xin lãnh đạo công ty cho nghỉ thêm ít bữa nhưng cũng không được lâu. Hằng ngày anh nằm trong phòng, đến bữa ra ngoài mua cơm. Mấy ngày giãn cách, quán cơm không mở, anh mua mỳ tôm về úp cho qua bữa.

“Tiền phòng trọ hết hơn 2 triệu, tiền ăn hơn một tháng qua đã hết phân nửa tiền tích góp mấy tháng qua”, Bà Hà, quê ở Hưng Yên, trọ tại phường Phúc Xá, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Chị Khánh Hòa, giáo viên ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cũng ra xạ trị ung thư ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, đến buổi cuối thanh toán ra về thì Hà Nội thông báo giãn cách. “Bây giờ có làm xét nghiệm COVID-19 về quê được cũng phải cách ly 14 ngày. Chi phí đi lại, xét nghiệm COVID-19 cũng tốn kém nên tôi và mấy bệnh nhân (ở Hà Giang, Tuyên Quang) bàn nhau ở lại, thuê đồ đạc mua đồ nấu nướng.

Tiền ăn, tiền nhà trọ mỗi tháng cũng hết 4-5 triệu chưa kể tiền chữa trị trong bệnh viện”, chị Hoà cho biết. Trên mâm cơm của 4-5 bệnh nhân cùng trọ có bát canh bí, bát muối vừng và vài miếng thịt rang cháy trên đĩa. Chị Hoà cho biết, đây là lần thứ 2 mấy bệnh nhân ung thư ở cùng khi bị phong tỏa. Lần trước, có ca mắc COVID-19 trong bệnh viện, mấy chị em cũng ở cùng nhau nên hiểu và chia sẻ khó khăn với nhau.

Lao động thời vụ ngủ thay ăn chờ hết dịch

Xóm trọ trên bãi sau chợ Long Biên (phường Phúc Xá, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi ở của hàng trăm lao động nghèo làm nghề khuân vác, bán hàng rong, xe ôm… hành nghề tại các chợ Đồng Xuân, Long Biên. Trong khu trọ, hàng chục gian phòng cửa đóng, then cài.

Thấy có người ghé qua, bà Hà (quê ở Hưng Yên) dọn vội mâm cơm đang ăn dở giữa trưa. Trên mâm cơm lúc đó chỉ có đĩa rau muống luộc, bát dưa muối, vài miếng khoai rán và mấy quả chuối. Bà Hà nói rằng, ở đây toàn dân lao động, họ nghỉ làm, đóng cửa ngủ qua ngày. Còn chồng bà, mấy hôm trước về Hưng Yên có việc chưa xong thì Hà Nội giãn cách xã hội. Bà không thể về quê, còn chồng không thể vào Hà Nội.

Bà Hà cho hay, khi không có dịch, chồng bà chạy xe ôm, còn bà đi gánh hàng đêm ở chợ hoa quả Long Biên, sáng ra bán cháo rong trong khu phố cổ đến chiều mới về phòng trọ. Tuy vất vả nhưng đủ tiền trang trải cuộc sống, trả tiền phòng trọ và để tiết kiệm.

Kể từ khi Hà Nội thông báo đóng cửa hàng quán, không cho bán hàng rong, bà nghỉ ở nhà, không có nguồn thu. “Tiền phòng trọ hết hơn 2 triệu, tiền ăn hơn một tháng qua đã hết phân nửa tiền tích góp mấy tháng qua. Nay giãn cách, con làm ăn xa cũng không có điều kiện về thăm cháu được”, bà Hà than thở.

Cạnh đó, trong gian nhà trọ chừng 10m2, dựng bằng cột bê tông, tường ghép bằng các miếng tôn thải, kê được chiếc giường, nhà vệ sinh và nhà bếp, bà Phạm Thị Lĩnh (57 tuổi) cho biết, chủ nhà lấy mỗi phòng 1,5 triệu đồng/tháng và thông báo sắp tăng giá. Bà Lĩnh chỉ vào phía trong cho biết, con bà là công nhân phụ việc cũng nghỉ mấy hôm nay vì công trường xây dựng đóng cửa.

“Cháu quanh quẩn ở nhà làm bạn với điện thoại và ngủ nướng qua ngày chờ chủ công trường gọi đi làm. Tôi gánh thuê hoa quả đêm ở chợ Long Biên nhưng mấy ngày qua nhiều xe quen không ra vì dịch, nhiều xe đi nửa đường phải quay đầu. Cả đêm ra chợ không ai thuê nên không kiếm được đồng nào. Hôm qua, còn chút tiền đóng tiền nhà, mua được thùng mỳ tôm, ba mẹ con ăn đã gần hết. Ăn uống qua loa cũng được, chỉ lo tiền nhà trọ đến tháng phải đóng”, bà Lĩnh nói.

MỚI - NÓNG