'Người ngành y' hiến kế ngăn tái diễn thiếu thuốc ở bệnh viện công lập tại Bình Dương

TPO - Những năm gần đây, tình trạng thiếu thuốc cục bộ xảy ra tại bệnh viện công lập ở Bình Dương, dẫn tới việc bệnh nhân dù có bảo hiểm y tế vẫn phải mang đơn thuốc ra bên ngoài mua. Dù rất nỗ lực song bệnh viện chỉ giải quyết tình thế trước mắt, chưa đảm bảo tính bền vững do rào cản cơ chế chính sách.

Tại Bình Dương, từ năm 2022 đến giữa năm 2024, hầu hết các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nguyên nhân do khó khăn trong công tác đấu thầu. Người bệnh dù có bảo hiểm y tế đang nằm viện vẫn phải ra bên ngoài mua một số loại thuốc và vật tư.

Người dân bức xúc liên tục phản ánh tới cơ quan chức năng địa phương song tình trạng thiếu thuốc vẫn cứ xảy ra, mọi áp lực lại dồn về lãnh đạo bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ.

Đến tháng 9/2024, khi Sở Y tế Bình Dương phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với 869 mặt hàng thuốc, tổng giá trị gần 900 tỷ đồng, lúc này Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương mới cơ bản giải quyết được khủng hoảng trước mắt. Tuy nhiên, để có sự ổn định, tránh tái diễn tình trạng thiếu thuốc, vật tư thời gian tới, giới chuyên môn cho rằng cần sửa đổi, bổ sung luật, trong đó phân quyền và bỏ đấu thầu tập trung.

Là người công tác nhiều năm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, TS.BS Lê Ngọc Long- Phó giám đốc bệnh viện cho biết, chứng kiến cảnh người bệnh phải tự đi ra ngoài mua thuốc những lúc bệnh viện thiếu thuốc cục bộ, ông cảm thấy rất áy náy song không còn cách nào khác.

TS.BS Lê Ngọc Long - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương

Theo bác sĩ Long, hiện tại, bệnh viện cơ bản đáp ứng được số lượng thuốc để điều trị cho bệnh nhân sau khi đấu thầu thành công một số gói thầu lớn. Tuy nhiên để tránh tái diễn tình trạng thiếu thuốc cục bộ trong thời gian tới, theo ông chỉ cần phân cấp, phân quyền mạnh. Bên cạnh đó, bỏ đấu thầu tập trung về vật tư trang thiết bị… chắc chắn sẽ chấm dứt việc thiếu thuốc, vật tư.

Nhóm hàng thiết yếu nên bỏ đấu thầu

Với vai trò là người đứng đầu bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương chia sẻ, trong bối cảnh Chính phủ chưa sửa đổi toàn diện Luật Dược hiện hành để giải quyết dứt điểm tất cả bất cập, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cần tập trung vào những nội dung trọng tâm mang tính chiến lược.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, trước hết, nên quy định tự động gia hạn sổ đăng ký lưu hành thuốc khi không phát sinh sự cố trong thời gian thuốc được sử dụng trước đó. Với những thuốc đã lưu hành nhiều năm ở các nước phát triển nên có phương án được cấp phép nhanh hơn, để người dân có thể sử dụng những sản phẩm tốt cho sức khỏe.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương kiến nghị: Cần đơn giản hóa quy trình đấu thầu mua sắm thuốc bằng cách phân loại thành hai nhóm: Nhóm cần đấu thầu và nhóm không cần đấu thầu. Trong đó, nhóm thuốc không cần đấu thầu có thể chia thành hai loại. Một là thuốc không cần kê đơn và những thuốc thông dụng có giá trên thị trường ổn định, lâu dài kèm theo điều kiện Việt Nam đã sản xuất được. Với những loại này, các bệnh viện có thể mua với mức giá thấp hơn hoặc bằng giá phổ biến đã có từ trước (giá trần).

Ông Hiếu dẫn chứng: Ví dụ oxy, dịch truyền, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, chống viêm... Đây là những mặt hàng thiết yếu nhưng rất hay bị thiếu trong bệnh viện do những lỗi cá nhân, khiến bệnh nhân phải đi mua bên ngoài sử dụng. Hai là với những thuốc hiếm, nên cho một vài bệnh viện lớn mua trực tiếp từ các hãng nước ngoài dưới sự giám sát của cơ quan chức năng.

Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, với nhóm thuốc cần đấu thầu, không có nhiều vướng mắc bởi chỉ cần tuân theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, các bệnh viện có quyền tổ chức đấu thầu với cơ quan thẩm định không bị trùng lặp với đấu thầu tập trung; thời gian hiệu lực hợp đồng kéo dài hơn và phần trăm mua bổ sung thuốc được tăng lên.