Người mua ve chai hồi hộp trước ngày 'giải tỏa' 5 triệu yen

Chị Hồng hàng ngày vẫn đi mua ve chai.
Chị Hồng hàng ngày vẫn đi mua ve chai.
Người nhặt thùng loa cũ chứa 5 triệu yen (khoảng 1 tỷ đồng) ở Sài Gòn dự định, nếu nhận nhiều tiền sẽ mua gạo tặng các trại trẻ mồ côi, nơi nuôi dưỡng người bệnh tật, nghèo khó.

Ngày 21/3/2014, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (hành nghề mua ve chai, 36 tuổi, quê Quảng Ngãi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) mua được thùng loa cũ, bên trong có chứa 5 triệu yen (khoảng 1 tỷ đồng). Đã gần 1 năm, nhà chức trách thông báo tìm chủ sở hữu số tiền khoảng 1 tỷ đồng này, nhưng vẫn chưa có người đến nhận.

Điều 239, Bộ Luật Dân sự quy định, người nhặt được tài sản thì không được quyền chiếm hữu, mà phải có nghĩa vụ giao trả nếu biết chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp.

Nếu không xác định được chủ sỡ hữu, thì phải giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để cất giữ, thông báo cho chủ sỡ hữu đến nhận.

Trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu, thì tài sản đó thì sẽ được đưa ra giải quyết, trao cho người tìm thấy.

Thùng tiền bốc mùi hôi

Sau nhiều ngày về quê ăn Tết 2015, chị Hồng cùng hàng chục đồng hương đã trở lại TP HCM mưu sinh bằng việc thu mua ve chai. Căn nhà nhỏ 1 trệt, gác lửng ở quận Tân Bình, nhưng có hơn 30 người sinh sống.

"Chị em trong ngôi nhà này toàn đồng hương Quảng Ngãi vào Sài Gòn mưu sinh bằng việc cực nhọc này, ai cũng có thâm niên mua ve chai hơn 15 năm”, chị Lợi - người sống cùng nhà với chị Hồng chia sẻ.

Từ khi vô tình tìm thấy 5 triệu yen trong thùng loa cũ, chị Hồng hàng ngày vẫn đi mua ve chai từ sáng sớm đến tối mới về nhà trọ. Chị cho biết: "Mấy hôm nay mua được nhiều ve chai do mối quen để dành từ Tết, chờ mình vào mới gọi đến bán. Nhưng, giờ giá phế liệu xuống quá, làm quần quật cả ngày lời hơn 100.000 là may mắn rồi. Càng ngày, nghề ve chai càng khó sống hơn”.

Nhớ lại thời điểm cách đây gần 1 năm, chị Hồng kể chiếc loa cũ do một người đàn ông đi xe máy chở đến đầu đường Trần Văn Quang, đoạn giáp Âu Cơ rồi gọi chị lại mua. Chở hàng về nhà, chị cùng chồng tháo dỡ để phân loại phế liệu như đồng, sắt, nam châm… bên trong.

"Lúc mới mở loa, vợ chồng tôi ngửi được mùi rất hôi nên sợ lắm, tưởng có chuột chết, hoặc tệ hơn là... xác em bé bên trong. Nhưng sau đó, nhiều tờ tiền giấy trong loa bay ra trước sự chứng kiến của nhiều người. Thấy tiền lạ, có chữ nước ngoài, không đọc được, chúng tôi nghĩ là tiền… âm phủ", chị Hồng kể.

Thấy nhiều tiền lạ, người dân trong khu vực đồn rằng chị nhặt được "kho báu". Rất đông người kéo đến xin vài tời tiền làm... kỷ niệm. Vợ chồng chị Hồng lúc đầu không biết giá trị của những tờ tiền này (mỗi tờ 10.000 yen, tương đương hơn 2 triệu đồng), nên ai xin cũng cho vài tờ.

Thông tin người phụ nữ mua ve chai tìm thấy số tiền lớn lan nhanh, khiến cả khu vực hỗn loạn. Có lúc hơn 100 người khắp nơi đổ về xem và… xin tiền. Sau đó, nhiều thanh niên xăm trổ, mặt mày bặm trợn xuất hiện, lao vào đòi chia tiền, hăm dọa.

Chị Hồng nhớ lại: "Người đến đông quá, tràn ra cả con hẻm, nên vợ chồng tôi cùng các chị em khác phải chạy vào nhà đóng cửa cố thủ. Ai cũng sợ, vì các thanh niên xăm trổ rất hùng hổ và buông lời đe dọa. Tôi điện thoại báo công an đến giải vây và bàn giao số tiền cho công an giữ để được an toàn".

Chồng chị Hồng cảm thấy có quá nhiều áp lực nên trở về quê sinh sống, còn chị vẫn bám trụ lại Sài Gòn làm lụng kiếm tiền gửi về phụ chồng nuôi 2 đang học lớp 8 và lớp 3. Vụ việc lan đến quê nhà, nên ảnh hưởng đến cuộc sống cha mẹ cùng con cái của người phụ nữ mua ve chai này.

"Người ta đồn tôi trúng tiền nhiều lắm, nên ai cũng hỏi. Con xin cắm trại ở trường, vợ chồng tôi cũng không dám cho đi, vì sợ kẻ xấu nghĩ nhà có nhiều tiền rồi xảy ra chuyện không hay. Nhưng thực sự cả năm nay tôi phải làm quần quật kiếm sống, chứ chưa nhận được đồng nào từ vụ đó", người phụ nữ 36 tuổi cho hay.

Người mua ve chai hồi hộp trước ngày 'giải tỏa' 5 triệu yen ảnh 1

Hồi hộp trước ngày quyết định

Một người sống chung nhà trọ với chị Hồng chia sẻ, ở quê ai cũng nghèo, có ít ruộng làm không đủ ăn, nên vào Sài Gòn mưu sinh. Ai cũng tằn tiện, dành dụm từng đồng gửi về nhà phụng dưỡng cha mẹ, nuôi con ăn học thành tài. Nghề ve chai cực nhọc, hứng mua đội nắng nên ai cũng bị đau chân nhức khớp tay chân.

Bà Tư - người phụ nữ có 16 năm mua ve chai ở Sài Gòn nói: "Cũng nhờ đi mua ve chai mà đứa con lớn của tôi nay đã tốt nghiệp đại học và xin được việc làm, đứa út học cấp 3. Có nhiều đứa sinh viên đi học một buổi, buổi còn lại phụ mẹ mua ve chai và ở chung với chị em chúng tôi trong ngôi nhà này".

Theo bà Tư, ngày nào "trúng mánh" có thể kiếm được 100.000 - 200.000 đồng, ngày nào ế thì đẩy xe từ đi từ sáng đến tối mịt nhưng chỉ kiếm được vài chục ngàn.

"Gần năm nay, tôi quên mất số tiền đã nộp cho công an. Nhưng những ngày gần đây, có nhiều người hỏi khiến tôi nhớ lại nên cũng cảm thấy nôn nao. Ai cũng hỏi có nhiều tiền vậy sẽ làm gì, nhưng tôi có biết mình sẽ được bao nhiêu mà tính”, chị Hồng kể.

Tuy nhiên, chị cũng dự định, nếu có nhiều tiền sẽ mua gạo tặng các trại trẻ mồ côi và nơi nuôi dưỡng người bệnh tật, nghèo khó. Số tiền còn lại thì chia sẻ một phần với chị em "đồng nghiệp ve chai", phụng dưỡng cha mẹ ở quê và nuôi con ăn học. Chị cũng còn một dự định khác nữa, nhưng chưa dám thổ lộ vì sợ "nói trước bước không qua".

Sự nôn nao của chị Hồng khiến các "đồng nghiệp" trong nhà cũng hồi hộp theo, ai cũng mong chị nhận được toàn bộ số tiền trên. Theo họ, cả đời đã nghèo khổ rồi, nay được "lộc trời" thì nên cho chị hưởng hết, có một số vốn lo cho gia đình.

Theo Theo VTC News
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.