> Bùng nổ tranh chấp diện tích chung – riêng
Chúng tôi thường xuyên nhận được những khiếu nại liên quan sở hữu-chung riêng, phát sinh vì quyền lợi của hai bên. Khi chủ đầu tư đã bán nhà cho dân thì tại đó hình thành nhiều chủ sở hữu.
Và nếu xét về diện tích thì cư dân sử dụng nhiều hơn. Đúng ra khi bán căn hộ, chủ đầu tư phải ghi rõ quyền của các bên đến đâu trong khai thác các diện tích chung-riêng thì việc xử lý tranh chấp sau này sẽ dễ hơn. Tuy nhiên, thông thường thì trong hợp đồng không rõ...
Cư dân nhiều toà nhà cho biết, chủ đầu tư đang sử dụng tầng kỹ thuật để kinh doanh, cho thuê lấy tiền bỏ túi riêng. Vậy điều này có được phép không, thưa bà?
Đã có nhiều trường hợp người dân khiếu nại về nội dung này và chúng tôi cũng đã trực tiếp kiểm tra một số công trình. Về nguyên tắc, tầng kỹ thuật là một hạng mục phục vụ cho toà nhà.
Nếu đã hạch toán chi phí đầu tư tầng kỹ thuật vào giá bán căn hộ thì đây là tầng thuộc sở hữu chung chứ không còn thuộc về chủ đầu tư! Một số hạng mục trong toà nhà đương nhiên thuộc sở hữu chung, điển hình như mái bằng sân thượng vì đây là phần liên quan đến thoát hiểm.
Nhiều nơi chủ đầu tư đã tự ý sử dụng sân thượng, khoá lại sử dụng riêng. Điều này rất nguy hiểm vì nếu xảy ra cháy, dân sẽ không có đường thoát.
Theo bà, tranh chấp bùng nổ có phải do hợp đồng mua bán căn hộ giữa hai bên ngay từ đầu còn nhiều mù mờ không?
Ở đây có thể thấy có sự thiếu minh bạch. Tên của hợp đồng sẽ liên quan trách nhiệm pháp lý của các bên khi tham gia.
Ví dụ, hợp đồng góp vốn và hợp đồng mua bán có tính chất pháp lý khác nhau. Người dân cần chú ý khi ký kết các hợp đồng này. Người dân đã bỏ rất nhiều tiền để mua căn hộ nhưng sau khi về ở lại trở thành "con tin" của chủ đầu tư do không được đảm bảo quyền lợi, thậm chí vẫn phải theo cơ chế xin-cho với chủ đầu tư.
Tiền bảo trì công trình tương đương 2% trị giá hợp đồng mua nhà là số tiền không nhỏ hiện nay cũng cần được kiểm soát, quản lý tốt hơn.
Tầng kỹ thuật của tòa nhà 102 Thái Thịnh đã biến thành nhà hàng thịt thú rừng. Ảnh: Minh Tuấn. |
Thưa bà, vì sao tại hầu hết các tranh chấp, lại thiếu vai trò của chính quyền quận, huyện, xã phường xử lý vụ việc ngay từ đầu?
Thực ra bây giờ xử lý các tranh chấp này rõ nét hơn chứ cách đây khoảng 1 năm trở về trước, tranh chấp chung cư kiểu này không rõ địa chỉ trách nhiệm! Tranh chấp nếu được giải quyết ngay từ đầu thì sẽ bớt nhức nhối.
Thời gian qua, việc phát triển các khu chung cư khá nhanh nhưng công tác quản lý còn yếu nên chưa theo kịp. Phần trách nhiệm của nhà nước với các khu chung cư nhiều khi không rõ dẫn đến người dân cứ đem đơn đi mãi cũng không thấy ai trả lời.
Tôi ví dụ một nhà dân riêng lẻ nếu lấn chiếm cơi nới sẽ được xử lý ngay nhưng trong nội bộ toà chung cư nếu có ai đó cơi nới thì khó tìm cơ quan xử lý!
Nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến tranh chấp là theo quyết định 08 của Bộ Xây dựng, tất cả các khu chung cư buộc phải thành lập Ban quản trị, tuy nhiên hầu hết đã không thực hiện. Nhiều quận, huyện cho biết rất thiếu hướng dẫn cụ thể.
Những quy định về quản lý chung cư đang rất cần được điều chỉnh, bổ sung ngay để bảo vệ cuộc sống của cư dân. Làm sao để cư dân thấy hạnh phúc khi về nhà của mình sau một ngày đi làm mệt mỏi.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, đầu tháng 7-2012, Sở Xây dựng đã có hướng dẫn mới về thành lập, công nhận Ban quản trị nhà chung cư...
Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư toà nhà 102 Thái Thịnh là Công ty TNHH Nhà nước MTV XNK và Đầu tư Hà Nội nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật về sử dụng tầng kỹ thuật của toà nhà đúng mục đích, bảo trì đúng quy định hệ thống kỹ thuật, hệ thống điện nhẹ của toà nhà; hoàn thiện hệ thống đổ rác để đưa vào sử dụng theo thiết kế, thành lập Ban Quản trị toà nhà, tập huấn phòng cháy chữa cháy... |
Minh Tuấn
thực hiện