'Người mẹ hiền' của những đứa trẻ có H

Cô giáo Thủy cầm tay nắn nót từng nét chữ cho trẻ có H ở Trung tâm giáo dục lao động xã hội số II, Ba Vì, Hà Nội.
Cô giáo Thủy cầm tay nắn nót từng nét chữ cho trẻ có H ở Trung tâm giáo dục lao động xã hội số II, Ba Vì, Hà Nội.
TP - Đến xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội), hỏi thăm ai cũng biết cô giáo Đinh Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Yên Bài B, người đã 10 năm gắn bó với trẻ có H. Không những đối mặt với kỳ thị, cô Thủy còn cảm hóa được người thân cùng dang rộng vòng tay yêu thương…

Giờ học của trẻ có H

9 giờ sáng, những đứa trẻ cười đùa hồn nhiên chơi trò nhảy lò cò trong sân Trung tâm giáo dục lao động xã hội số II Ba Vì được cô giáo Đinh Thị Thủy gọi vào học. Buổi học bài hôm đó có 7 học sinh lớp 1. 

Cô Thủy đến từng bàn kiểm tra bài luyện chữ của từng em. Một học sinh gần 6 tuổi nhiễm HIV mới được người thân từ Nghệ An gửi vào trung tâm chỉ biết mình tên Đạt trầy trật mãi không viết được chữ “êu, iu”.

 Cô Thủy cầm tay Đạt nắn từng nét chữ cho đến hết 2 hàng dài trên tập vở. Trong lúc cô đang nắn chữ cùng Đạt, một học sinh khác đã rời bàn đi chơi. Cô lại nhẹ nhàng nhắc em về chỗ. Buổi học của cô trò cứ nhẫn nại, nhọc nhằn trôi qua như thế đến nay đã là năm thứ 10.

Cô Thủy kể về mối lương duyên với lũ trẻ bắt đầu từ buổi gặp gỡ năm 2006. Đó là ngày cô được trường giao nhiệm vụ lựa chọn một số học sinh tiêu biểu vào Trung tâm giáo dục lao động xã hội số II (Ba Vì) giao lưu với trẻ có H. Tuy nhiên, khi đi vận động, sợ lây nhiễm, không một phụ huynh nào chịu cho con mình đi! Cuối cùng cô vận động con của giáo viên trong trường và đưa cả con mình đi mới đủ 20 cháu vào thăm các bạn.

Cô kể: “Lần đầu gặp, các con cứ vây quanh, đứa níu chân, đứa níu áo bảo: “Mẹ bế con! Mẹ bế con” khiến tôi không cầm được nước mắt. Những đứa trẻ dạo đó chưa có thuốc ngăn ngừa vi rút ARV nên mụn nhọt, chảy nước khắp tay chân, đầu tóc. Nhiều đứa quá tuổi nhưng chưa một ngày được đến trường níu tay chị hỏi: “Mẹ ơi, bao giờ con được đi học?”. Chị vừa khóc vừa hứa vội: “Mẹ sẽ dạy các con”.

Lời hứa đó như một cơ duyên để gắn kết cuộc đời chị với những đứa trẻ bị bỏ rơi nơi cách trung tâm Hà Nội chừng 60km mà những tưởng thâm sơn cùng cốc này. Một thời gian ngắn sau, đại diện trung tâm đến Trường Tiểu học Yên Bài  B đặt vấn đề cho các con có H được học chữ như bao nhiêu đứa trẻ khác. 

Chị Thủy là người đầu tiên được hiệu trưởng gọi đến giao nhiệm vụ. Chị kể: “Khi đó, tôi vừa vui mừng vừa hoang mang. Mừng vì mình có thể sẽ bù đắp được phần nào thiệt thòi cho bọn trẻ nhưng cũng lo vì lỡ mình bị lây bệnh, các con thì đang còn nhỏ”. 

Xin ý kiến của chồng, anh ngăn cản quyết liệt. Thậm chí tuyên bố: “Nếu đi dạy trẻ có H thì ở hẳn trung tâm, không được về nhà”. Vậy nhưng, trong lòng chị thôi thúc phải làm gì đó cho những đứa trẻ đáng thương này.

Bài giảng đầu tiên năm 2006 ở ngay lớp học Trường Tiểu học Yên Bài B dù đã vào muộn 30 phút so với các bạn khác nhưng cô trò vẫn vấp phải sự phản ứng dữ dội của phụ huynh học sinh. 

Trầy trật đấu tranh, dạy chữ một thời gian, cô trò phải chuyển về phòng học trong Trung tâm giáo dục lao động số II, cách trường hơn 1km để học thì mới yên ổn. Năm 2009, ngày càng có đông trẻ tới lớp học chữ, trường điều thêm giáo viên đến hỗ trợ cô Thủy mở thêm lớp đến nay.

Hành trình nước mắt

“Đó là một giáo viên đặc biệt, yêu nghề, yêu trẻ. Khi giao nhiệm vụ dạy trẻ HIV, nhiều giáo viên khác ngần ngại, cô Thủy lại lao vào. Bao nhiêu năm vất vả, cô không một lời kêu ca”.  

Ông Phùng Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Bài B (Ba Vì - Hà Nội)

10 năm dạy chữ cho trẻ HIV, từ chỗ ban đầu chỉ có 9 trẻ được đến trường nay đã có 80 học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Những đứa trẻ khóa đầu tiên nay đã là học sinh trung học phổ thông, nhiều em trong số đó đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi do huyện Ba Vì tổ chức như em Triệu Thanh Tú, Phạm Đình Đức. 

Nhiều em được phát hiện có năng khiếu hội họa, nói tiếng Anh rất giỏi. Điều này, vượt ngoài mong đợi của cả nhà trường lẫn thầy cô giáo. Để có thành tích đó, cô Thủy đã phải vừa làm giáo viên, làm mẹ, vừa kiêm nhân viên y tế. 

Cô kể: “Trẻ có bệnh nên sức khỏe yếu. Đi học, các con thường xuyên chảy máu cam, gãy răng, sốt, nôn trớ... khi đó, cô kiêm luôn người dọn dẹp, vệ sinh và an ủi các con. Nhiều buổi học cô khóc, trò khóc. Nhiều đêm về không ngủ, cứ nghĩ miên man...”. 

Cô Thủy chia sẻ, những đứa trẻ thiếu tình thương gia đình, người thân nên khi ra đề tả về người thân hoàn toàn xa rời thực tế so với các con. Các con không biết thế nào là ông bà, cha mẹ. 

Khi đó, chị lại phải sưu tầm thật nhiều tranh ảnh, kể nhiều chuyện để các em hình dung. Tuy nhiên, có khi dạy cả tuần con cũng không hiểu. Có con bướng bỉnh hất văng tay cô, không cho cô tới gần rồi khóc òa làm cô vô cùng hốt hoảng.

Cầu nối gia đình

Những đứa trẻ đến với trung tâm mỗi đứa một hoàn cảnh khác nhau nhưng đa phần đều bị gia đình bỏ rơi. Có đứa sinh ra đã mất cha, mất mẹ. Có ông bà, họ hàng vì kỳ thị đã vội mang trẻ đến gửi trung tâm. 

Nhiều đứa được đưa đến từ các bệnh viện, từ các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Nội... Khi vào trung tâm, các cháu chỉ biết đến các cô nuôi chăm sóc, không biết đến hơi ấm gia đình.

Cô Thủy tâm sự, những ngày lễ tết ai cũng được quây quần với gia đình, những đứa trẻ này lại càng đáng thương. Mong muốn các con hiểu thế nào là gia đình, những ngày lễ cô lại xin trung tâm, thuyết phục chồng đưa hàng chục cháu về nhà đón Tết, ăn bữa cơm gia đình. 

Chồng cô, sau nhiều ngày phản đối, khi thấy lũ trẻ khát khao tình cảm vừa đến sân nhà đã chạy tới sà vào lòng gọi “bố” cũng đã không cầm được lòng, ủng hộ vợ. Cứ thế, nhiều năm qua, ngôi nhà nhỏ của cô Thủy đã mang lại hơi ấm gia đình cho nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Không chỉ thế, cô Thủy còn làm cầu nối động viên nhiều gia đình vào thăm trẻ. Cô kể, có lần, em Triệu Thanh Tú ở Lạng Sơn khi đó học lớp 2, cứ đứng cửa khóc. Cô ôm vào lòng hỏi han, Tú mới nói, em rất nhớ nhà, xin cô tiền để gửi thư. Cô hướng dẫn em viết thư, rồi gửi cho gia đình. 

Tú là con út trong gia đình có 3 chị em. Khi sinh ra, Tú bị phơi nhiễm từ bố mẹ đã qua đời. Phát hiện bệnh, người nhà vội đưa em đến trung tâm. Em rất nhớ hai người chị ruột của mình. Sau đó, cô Thủy đã liên lạc với người nhà, động viên họ đến trung tâm thăm Tú. 

Khi họ đến, cô ra bến xe đón đưa về nhà nghỉ ngơi rồi vào thăm cháu. Từ đó, hàng năm người thân của Tú đều đặn đến thăm khiến Tú vơi bớt tủi hờn. Có cháu đến trung tâm nhiều tháng vẫn không nguôi nước mắt. Cô hỏi chuyện, em nói nhớ bà của mình. 

Em kể, khi bố mẹ mất, em ở với bà và bác họ. Một ngày, bác dẫn em ra chợ cho ăn chè, rồi trốn đi mất. Em đứng ở chợ khóc mãi, rồi có người đưa em lên trung tâm.

Thiệt thòi nhưng khi vào trung tâm, được các cô nuôi chăm sóc, được đi học chữ, uống thuốc đa số trẻ đều khỏe mạnh, lấy lại tinh thần tươi vui, hồn nhiên của độ tuổi. Khi được hỏi, nhiều em chia sẻ ước mơ của mình được làm giáo viên, bác sỹ, ca sĩ... như bao nhiêu đứa trẻ bình thường khác.

Sinh năm 1968, cô Thủy đã có 25 năm trong nghề sư phạm thì gần nửa thời gian đó gắn bó với trẻ HIV. Chặng đường phía trước còn dài, cô Thủy chia sẻ:  “Mình sẽ dành suốt đời làm nghề của mình để ở bên bù đắp thiệt thòi cho những đứa trẻ đáng thương này”. 

Nói về cô Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Bài B, ông Phùng Hải Nam khẳng định: “Đó là một giáo viên đặc biệt, yêu nghề, yêu trẻ. Khi giao nhiệm vụ dạy trẻ HIV, nhiều giáo viên khác ngần ngại, cô Thủy lại lao vào. Bao nhiêu năm vất vả, cô không một lời kêu ca”.

Cô Thủy tâm sự, những ngày lễ tết ai cũng được quây quần với gia đình, những đứa trẻ này lại càng đáng thương. Mong muốn các con hiểu thế nào là gia đình, những ngày lễ cô lại xin trung tâm, thuyết phục chồng đưa hàng chục cháu về nhà đón Tết, ăn bữa cơm gia đình. Chồng cô, sau nhiều ngày phản đối, khi thấy lũ trẻ khát khao tình cảm vừa đến sân nhà đã chạy tới sà vào lòng gọi “bố” cũng đã không cầm được lòng, ủng hộ vợ.

MỚI - NÓNG