Người mẹ của gần 200 đứa trẻ khi còn là 'mầm sống'

Người mẹ của gần 200 đứa trẻ khi còn là 'mầm sống'
TPO - Với tâm huyết cùng lòng nhân ái,bác sỹ Nguyễn Nữ Hằng, chủ phòng khám Phước Long B, ở quận 9, TPHCM được cho là người mẹ thứ hai đầy lòng nhân hậu của gần 200 đứa trẻ trong hành trình “Bảo vệ mầm sống”.

Tôi tìm đến gặp bác sĩ Nguyễn Nữ Hằng, chủ phòng khám Phước Long B. ở đường Trần Thị Diệu, quận 9 vào một buổi sáng trời nắng nhẹ. Khác với nhịp sống bên ngoài, phòng khám Phước Long B của nữ bác sĩ nép mình yên tĩnh giữa những ồn ào và hối hả. Cuộc sống nơi đây bình dị đến lạ thường, những tiếng cười đùa, những ánh mắt ngây thơ của 21 đứa trẻ sống tại đây khiến tôi cảm thấy quá đỗi yên bình.

Bác sĩ Nguyễn Nữ Hằng tốt nghiệp chuyên khoa Nhi của Đại học Y khoa Huế năm 1984 và đang làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM. Năm 2005, bà bắt đầu thực hiện dự án “Bảo vệ mầm sống” sau khi được tham gia tập huấn khóa học tư vấn tâm lý sức khỏe sinh sản với các bác sĩ là người nước ngoài. Theo đó, công tác “Bảo vệ mầm sống” là một chương trình tiếp cận và giúp đỡ những trường hợp có ý định muốn nạo phá thai, hỗ trợ nuôi dưỡng cho đến khi sinh nở đối với những thai phụ có hoàn cảnh đặc biệt không nơi nương tựa.

Bác sĩ Nữ Hằng kể, lúc mới mở phòng mạch chuyên khoa nhi vào năm 2003, phòng khám với qui mô nhỏ, thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận những ca “đi lạc” dù không mang bệnh trong người đến khám. Đó là những cô gái còn khá trẻ, đa phần là sinh viên, học sinh, họ ghé vào để kiểm tra xem mình có mang thai hay không. Dù không có chuyên môn về sản khoa nhưng các trường hợp đến phòng khám nhờ giúp đỡ, bác vẫn đồng ý kiểm tra do sẵn có các thiết bị hỗ trợ. Khi biết mình mang thai đa số những cô gái này đều mong muốn giải quyết hậu quả của những giây phút lỡ lầm của mình. Với tâm đức của một vị lương y, bác sĩ Hằng không chấp nhận và hết lòng khuyên ngăn. Dù vậy, theo bà nhiều người vẫn quyết định đi phá bỏ. Sau một thời gian trải qua những trường hợp tương tự, bác sĩ Hằng nghĩ đã đến lúc phải hiện thực hóa nguyện vọng của chính bản thân.

Bác sĩ Hằng chia sẻ câu chuyện đầu tiên xúc động về một cô sinh viên năm 2 đại học. “Sau khi siêu âm tôi vui mừng khẳng định với người này về việc đã mang thai, thì ngược lại biểu hiện cô sinh viên vô cùng hoang mang, đã khóc nghẹn vì không muốn điều đó xảy ra. Người này xin được phá thai vì không thể sinh con vào lúc này. Tôi đã khuyên nhủ cũng như giải thích cho cô gái hiểu. Nếu phá thai không an toàn sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy sau này như nhiễm trùng, vô sinh hay dễ sảy thai em bé kế tiếp. Nhưng dường như cô gái không quan tâm điều đó, luôn miệng cầu xin giúp đỡ vì cô đã vào bước đường cùng rồi. Thấy vậy, tôi biết dù có khuyên nhủ cỡ nào thì cô gái vẫn sẽ tìm đến nơi khác để giải quyết cái bụng đang lớn dần của mình. Vì vậy, tôi quyết định sẽ cưu mang, hỗ trợ nuôi dưỡng cô gái cho đến khi sinh nở”- Bác sĩ Hằng kể lại. Sau khi hiểu được vấn đề, cô sinh viên này đã ở lại đây sinh nở và coi đây như ngôi nhà của mình, coi bác sĩ như một người mẹ.

Bác sĩ Hằng đã dành cả tâm tình và nhiệt huyết của mình để xây dựng nên mái ấm này. Suốt 13 năm qua, nơi đây đã cưu mang gần 200 phụ nữ đồng nghĩa với việc đã có gần 200 đứa trẻ được chào đời. Bác sĩ Hằng đặt tên cho ngôi nhà là Phúc Âm. Theo bác sĩ Hằng, Phúc có nghĩa là hạnh phúc, còn Âm là âm thanh, Phúc Âm không chỉ là những lời nói hiền hậu, yêu thương xoa dịu lòng người, mà còn là nơi bao bọc chở che cho những bước chân lỡ lầm. Hiện tại, ở mái nhà Phúc Âm của bác sĩ Nữ Hằng đang cưu mang hai thai phụ và nuôi dạy 21 em nhỏ.

Tuy sinh ra không có cha mẹ bên cạnh, nhưng bằng tấm lòng cao cả của bác sĩ, các em được chăm sóc rất chu đáo cũng như được đi học đầy đủ như bạn bè đồng trang lứa. Bên cạnh đấy, còn có sự quan tâm tận tình từ những cô bảo mẫu luôn yêu thương các em như chính con ruột của mình. Dạy các em học bài, học hát và chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho các em.

 Clip Chuyện về bà mẹ của gần 200 đứa con từ chương trình "Bảo vệ mầm sống"

MỚI - NÓNG