Người mạt sát học viên óc lợn: Kỷ luật có tạo ra hiệu quả?

Sự nghiêm khắc tạo nên kỷ luật, và kỷ luật tạo ra hiệu quả!
Sự nghiêm khắc tạo nên kỷ luật, và kỷ luật tạo ra hiệu quả!
Sự việc 'cô giáo' dạy tiếng Anh tên Nguyễn Thị Kim Tuyến cãi tay đôi, ví học viên như 'con lợn' vẫn chưa khiến dư luận hạ nhiệt.   

Sự việc cô giáo dạy tiếng Anh tên Nguyễn Thị Kim Tuyến cãi tay đôi, ví học viên như 'con lợn' vì người này không làm bài tập và không chịu nộp 100.000 đồng tiền phạt hiện đang nhận được sự chú ý của đông đảo dư luận.

Với vị thế là một giáo viên, cô giáo Kim Tuyến ngay lập tức nhận những chỉ trích, thậm chí là miệt thị từ cộng đồng mạng. Tựu trung lại, những bình luận dù lịch sự hay khiếm nhã, người ta đều đánh giá rằng cô không có kỹ năng sư phạm, không xứng đáng được làm giáo viên…

Cô Tuyến đã sai, việc đó chính cô cũng đã thừa nhận trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng phương pháp giáo dục mà cô lựa chọn, là Nghiêm khắc và Kỷ luật, vốn xưa nay rất phổ biến.

Sự nghiêm khắc tạo nên kỷ luật, và kỷ luật tạo ra hiệu quả. Thế nhưng ở những trung tâm ngoại ngữ, nơi mà học viên chỉ ràng buộc với trách nhiệm học tập bằng học phí của chính mình, thì quả là vô cùng khó khăn để nghiêm khắc hay kỷ luật. Đó là nơi mà người ta tìm kiếm kiến thức, một cách hoàn toàn tự giác.

Về cơ bản, các trung tâm tiếng Anh là nơi mà chúng ta được chứng kiến những thành tích có thật trong giáo dục: Không có những báo cáo láo, không có những bảng điểm trên trời được 'nhào nặn' từ những điều không phải là thực có của người học. Những trung tâm tiếng Anh tồn tại được khi học viên tìm đến họ, tự đặt ra mục tiêu: 500 Toiec, 700 Toiec, 900 Toiec, 6.5 Ielts, 8.5 Ielts, 9.0 Ielts… Và nhiệm vụ của các giáo viên là hiện thực hóa những mục tiêu đó cho các học viên.

Những kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khắt khe không có chỗ cho sự gian lận. Vì vậy muốn có kết quả cao, không có con đường nào khác ngoài kỷ luật. Những trung tâm tiếng Anh cũng không có con đường nào khác ngoài rèn (hoặc ép) học viên, thậm chí là bằng mọi giá. Kết quả thi của học viên cũng chính là sự sinh tồn của trung tâm, bởi vì đó là danh tiếng.

Thế nhưng, có những cô giáo dạy tiếng Anh, chủ của những trung tâm ngoại ngữ trên thực tế lại chưa từng có một ngày được đào tạo kỹ năng sư phạm. Đơn giản bởi vì họ không học trường sư phạm, họ đến với tiếng Anh bằng niềm đam mê. Có người trong số đó, thạc sĩ kinh tế du học nước ngoài, nhưng khi trở về lại trở thành giám đốc và là người đứng lớp duy nhất của một trung tâm tiếng Anh nổi tiếng giữa Hà Nội.

Cô giáo này có phương pháp giáo dục rất khắt khe, có mắng mỏ nặng lời, cũng có cả phạt tiền học viên. Tất cả vì một mục tiêu: Rèn học viên vào kỷ luật, phải học, và học phải giỏi hơn. Kết quả thu lại là có thật, cô được rất nhiều thế hệ học viên ngưỡng mộ, trung tâm của cô ngày càng nổi tiếng, nhiều người tìm đến.

Thật khó để bảo vệ cô giáo Kim Tuyến, vì rõ ràng bất kỳ ai cũng khó chấp nhận được lối ăn nói tục tĩu, cãi tay đôi với học viên của mình. Nhưng không vì thế mà trong lúc chửi bới cách hành xử của một con người, chúng ta lại phủ nhận đi cả những nguyên tắc và tính kỷ luật cần có trong học tập.

Trở lại với trung tâm ngoại ngữ có phương pháp rèn luyện nghiêm khắc đã kể ở trên. Ngày mỗi học viên nhận được chứng chỉ toiec, họ cũng đồng thời nhận được một bức thư đầy tâm huyết của cô giáo cho riêng mình, không phải bởi vì số điểm trên tờ giấy đó, mà bởi vì 'họ là những người còn lại' kiên cường không bỏ cuộc sau vô số màn 'hành hạ' của cô, sau bao lần 'rơi rụng' về số lượng học viên.

Đó có thể là một lựa chọn về phương pháp giáo dục. Và những cuộc tranh cãi về tính đúng sai của những phương pháp giáo dục sẽ còn rất nhiều, rất dài. Nhưng cuối cùng thì ít nhất các cơ sở giáo dục tư nhân cũng phải đảm bảo 2 điều: Hợp pháp, và có chứng chỉ hành nghề.

Theo Theo Báo Đất Việt
MỚI - NÓNG