Người lớn là tấm gương cho trẻ

Người lớn là tấm gương cho trẻ
Những suy nghĩ về việc giáo dục con cái của Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đáng học hỏi như bí quyết và kinh nghiệm học tập, rèn luyện của ông.

> GS Ngô Bảo Châu: Hạnh phúc là lúc làm một điều gì đó ý nghĩa

Trong buổi đối thoại với sinh viên tại Trường ĐH Mở TP.HCM giữa tháng 3 vừa qua, chen lẫn trong nhiều chủ đề, Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu nhắc đến là chuyện dạy con trẻ.

"Ngoài trách nhiệm cho trẻ một mái nhà, cung cấp thức ăn cho đủ no, quần áo cho đủ mặc, người làm cha mẹ luôn phải tâm niệm rằng mình cư xử ngày hôm nay như thế nào, ngày mai trẻ sẽ cư xử giống như thế"

Bằng giọng điệu trầm ấm và cách dẫn dắt thuyết phục, GS Châu kể: “Vợ chồng tôi ít xem truyền hình, hầu như không xem bao giờ. Có lẽ vì thế mà mấy đứa con của chúng tôi hoàn toàn không có sở thích đó, bố mẹ không cần cấm đoán hay hạn chế gì cả. Nếu có thời gian, chúng nó thích đọc sách hơn. Nhiều khi tôi muốn xem phim cùng với đám trẻ, tôi lại phải mặc cả với chúng”.

Từ ví dụ nhỏ này của bản thân, GS Châu cho rằng: “Những người có bổn phận làm người lớn đừng bao giờ quên rằng dù muốn hay không muốn, chúng ta luôn là tấm gương để cho trẻ soi vào. Ngoài trách nhiệm cho trẻ một mái nhà, cung cấp thức ăn cho đủ no, quần áo cho đủ mặc, người làm cha mẹ luôn phải tâm niệm rằng mình cư xử ngày hôm nay như thế nào, ngày mai trẻ sẽ cư xử giống như thế”.

Tiếp tục khẳng định luận điểm trên, GS Châu nhấn mạnh: “Cái tôi muốn nói ở đây, nếu người lớn biết cư xử đúng mực thì trẻ con không cần đi học những lớp kỹ năng sống nữa. Và người có trách nhiệm chính trong việc giáo dục hành vi cho trẻ là cha mẹ, là gia đình chứ không phải nhà trường. Những bài lên lớp của thầy cô giáo không có tác dụng nhiều đến hành vi của đứa trẻ như chính hành vi của cha mẹ nó”.

Vai trò của cha mẹ là quyết định, nhưng GS Châu cũng không phủ nhận vai trò của nhà trường. Ông nói: “Tôi không muốn nói rằng trường học hoàn toàn không có chức năng giáo dục hành vi cho trẻ nhỏ. Trong tâm hồn trẻ, thầy cô giáo có một vị trí thiêng liêng và có lẽ thiêng liêng hơn bố mẹ. Vì thế nên cách ứng xử của các thầy cô trong cuộc sống nhà trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên hành vi của học sinh. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà cha mẹ có thể trút toàn bộ trách nhiệm giáo dục hành vi của trẻ lên vai thầy cô”.

Học kỹ năng thế nào ?

Luôn quan tâm tới vấn đề giáo dục trong nước, GS Châu nhận định: “Sự quá tải trong việc học thêm ở học sinh nước ta là có thật. Tôi từng chứng kiến có những em phải đi học thêm toán vào cả cuối tuần”.

Tuy nhiên, GS Châu lưu ý: “Sự quá tải này không phải do chương trình quá nặng mà nằm ở tâm lý của phụ huynh học sinh. Tôi thì nghĩ rằng việc học thêm quá nhiều chỉ để ôn lại kiến thức đã học ở trường và làm thêm bài tập có thể sẽ không thực sự bổ ích cho sự phát triển tư duy khoa học của đứa trẻ. Cần hơn đó là các hoạt động ngoại khóa, chẳng hạn để trẻ tự làm nghiên cứu khoa học với người hướng dẫn và thời gian biểu cụ thể. Qua đó, học sinh sẽ phát triển dần tính tự lập cũng như các kỹ năng sống khác”.

Cũng theo GS Châu: “Có lẽ do có quá ít các hoạt động được tổ chức tập thể với nhau nên học sinh, sinh viên tuy giỏi kiến thức nhưng còn yếu kỹ năng. Các kỹ năng này không thể cứ học trong sách vở là có được, mà cần phải thực tập trong thực tiễn”.

Lấy một ví dụ điển hình từ việc tranh luận, GS dẫn dắt tới tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng. “Nếu không có kỹ năng, khi tranh luận rất dễ bị cảm xúc chi phối. Lời lẽ tranh luận vì thế mà không có lý lẽ, không giá trị và chỉ phản ánh bức xúc của bản thân”, ông nhấn mạnh.

Theo Hà Ánh
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG