Người lớn là... rào cản khi giáo dục giới tính
> Giáo dục giới tính thành nội dung bắt buộc trong trường phổ thông?
> Vô sinh tăng: Hậu quả của lối sống dễ dãi
Theo các chuyên gia, chính sách nói “không” với tình dục tiền hôn nhân và thái độ soi xét của các vị phụ huynh cũng như giáo viên là rào cản trong vấn đề giáo dục sức khỏe giới tính vị thành niên.
Học sinh cần có sự hướng dẫn (chứ không phải lẩn tránh) của phụ huynh và giáo viên về giáo dục giới tính. Ảnh: Như Lịch |
Chỉ có đe dọa và cảnh báo
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, hơn 1/3 vị thành niên được hỏi cho biết đã quan hệ tình dục, nhưng đa số xem đó là biến cố bất chợt, ngẫu nhiên và ngoài tầm kiểm soát của bản thân.
Cũng theo báo cáo trên, việc vị thành niên có người yêu khá phổ biến. Thậm chí 24,27% trong số những vị thành niên đã có người yêu cho biết có đến 3 mối quan hệ trở lên. Tuy nhiên vị thành niên rất mơ hồ về vấn đề tình dục tiền hôn nhân. Đặc biệt, thiếu chủ động bảo vệ khi quan hệ tình dục.
Một nửa trong số các em từ 16 đến 18 tuổi đã quan hệ tình dục cho biết lần đầu quan hệ các em không hề áp dụng biện pháp bảo vệ nào, 40% trong số này cũng cho biết lần quan hệ gần đây nhất cũng không sử dụng biện pháp bảo vệ.
Hầu hết trẻ vị thành niên đều có mong muốn tìm hiểu thêm về vấn đề tình dục và quan hệ tình cảm từ cha mẹ và giáo viên. Họ xem giáo dục giới tính là những kiến thức quan trọng trong cuộc đời, muốn được giáo dục về lĩnh vực này ngay từ sớm - trong giai đoạn tiểu học. Tuy nhiên cái họ nhận được chủ yếu là thái độ đe dọa và cảnh báo.
Theo phản ánh của học sinh, các phụ huynh và giáo viên không đối xử công bằng với vị thành niên và không xem xét vấn đề tình yêu, tình dục của vị thành niên một cách nghiêm túc. Trong các cuộc thảo luận dành cho phụ huynh và giáo viên, thái độ này cũng được bày tỏ một cách thẳng thắn.
Có phụ huynh nói: “Nếu tôi phát hiện trong túi con tôi có thuốc tránh thai, tôi sẽ nói rằng nếu con muốn trở thành con người thì nên dừng lại. Còn nếu nó muốn trở thành một người hư hỏng thì tôi sẽ để cho nó đi”.
Trong các cuộc thảo luận này, thái độ dứt khoát, không khoan nhượng đó của người lớn ngày càng phổ biến.
Giáo dục giới tính còn khô cứng, hàn lâm
Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản không chỉ là vấn đề của trẻ độ tuổi 16 - 18 mà cần phải bắt đầu sớm hơn, từ tuổi 12.
Bác sĩ Trần Thị Hoa, một bác sĩ của Hà Nội, cho biết phòng khám nhi của chị có rất nhiều phụ huynh đưa con đến khám nhưng không phải vì các bệnh thông thường trẻ con hay mắc phải mà lại là các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Bác sĩ Hoa cho rằng chị rất ủng hộ việc mở một triển lãm về giáo dục giới tính cho vị thanh thiếu niên nhưng các nhà chuyên môn phải nghĩ cách biểu đạt hiệu quả, ấn tượng, và đặc biệt nên tận dụng những hình ảnh thật.
“Qua báo chí tôi được biết gần đây ở ta có ít nhất 2 trường hợp sinh con ở tuổi 15. Triển lãm phải ghi nhận được những hình ảnh thực tế như vậy để qua đó các em cần phải nhận thức người ta có thể có con ở tuổi 15 nhưng điều đó rất là không tốt, cần phải phòng tránh nó”, bác sĩ Hoa nói.
Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay khô cứng, giáo điều, mang tính hàn lâm, thiếu hấp dẫn… Thực trạng giáo viên làm nhiệm vụ giáo dục giới tính (được lồng ghép với một số môn học khác) không có kiến thức đầy đủ về giới tính, thậm chí còn đỏ mặt khi nói về những bộ phận sinh sản là khá phổ biến.
“Các trường phổ thông không hề có nhân viên xã hội trong khi nguồn đào tạo không thiếu. Theo tôi biết, hiện nay cả nước có khoảng 40 đơn vị đào tạo có ngành công tác xã hội”, ông Nguyễn Hiệp Thương, Phó chủ nhiệm Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thông tin.
Nhiều sinh viên cũng chia sẻ nhiều ví dụ sinh động nhằm kiến nghị Bộ GD-ĐT tìm cách thay đổi thực trạng giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay.
Ngô Thành Đ., sinh viên Trường CĐ Y tế Hà Nội kể về một câu chuyện chứng kiến khi còn là học sinh THCS. Hôm đó, một bạn nữ trong lớp lần đầu có kinh nguyệt, loang ra quần. Không chỉ bạn nữ đó mà các bạn đều lúng túng không biết xử lý thế nào.
Mặc dù hồi đó (và cả bây giờ) học sinh THCS đã được học về giới tính, nhưng giáo viên chỉ cầm tài liệu đọc, học sinh ngồi dưới thì nói chuyện riêng nên học xong chẳng có gì vào đầu. Đến khi đối mặt với thực tiễn thì cuống lên.
“Tại sao không ai dạy cho các bạn nữ phải trang bị sẵn băng vệ sinh trong cặp sách?”, bạn Đ. đặt câu hỏi.
Tâm đắc với câu chuyện trên, bác sĩ Trần Thị Hoa kiến nghị: “Cần phải có ngay biện pháp can thiệp thay vì chỉ tác động vào nhận thức như hiện nay. Trang bị băng vệ sinh cho nữ sinh chớm tuổi dậy thì, dặn dò các em luôn để sẵn trong cặp sách là một trong các biện pháp can thiệp tuy nhỏ nhưng rất thiết thực”.
Theo Hiên Lê
Thanh Niên