Người liệt sĩ sau 23 năm bỗng trở về!

Người liệt sĩ sau 23 năm bỗng trở về!
TPCN - Báo Tiền phong Chủ nhật ngày 24/9/2000 có đăng phóng sự “Chuyện cảm động về một liệt sĩ sau 23 năm bỗng trở về đoàn tụ với gia đình”. 5 năm sau trở lại, tôi phát hiện một câu chuyện tình chưa từng có.

Không ngờ bài báo đó không chỉ nêu một hoàn cảnh sống sót đặc biệt của người lính trong cuộc chiến mà còn trở thành “ông tơ, bà nguyệt” cho một tổ ấm gia đình, ươm mầm hạnh phúc sau chiến tranh.

Người liệt sĩ trở về!

Nguyễn Văn Thuấn quê ở Quỳnh Giao, Quỳnh Phụ, Thái Bình, năm 1974 trở thành lính Trung đoàn 51, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, rồi tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam.

Trong một trận chiến đấu đầu năm 1977, Thuấn bị thương nặng vào gáy, ngất đi, được một người Campuchia đưa về nhà. Đó là ông Xương Xoài Reng làm nghề đánh cá ở Biển Hồ. Vết thương nặng  vào gáy làm Thuấn mất trí nhớ hoàn toàn suốt 17 năm (1977 – 1994).

Mãi tới năm 1995, trí nhớ của Thuấn mới dần hồi phục. Thuấn đã bày tỏ nỗi nhớ nhung cha mẹ, anh em và có ý định được đưa về quê hương. Thuấn vừa nói vừa khóc và cả nhà cha mẹ nuôi đều khóc.

Buổi sáng ngày 22/8/2000, ông Reng đón xe đưa Thuấn về Phnôm Pênh, rồi mua vé về TP Hồ Chí Minh. Ông Reng gạt nước mắt dặn Thuấn: “Con về, nếu không còn ai, cứ quay lại bên này, gia đình chờ con”. Rất may, bố mẹ đẻ Thuấn vẫn còn!

Tình yêu của một cô giáo

Một buổi chiều mùa đông, tôi về thăm ngôi nhà của vợ chồng Thuấn ở gần bến Hiệp, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Ngôi nhà nhỏ giữa thị tứ trên bến dưới thuyền sầm uất đông vui. Thuấn và Phương - vợ Thuấn nhận ngay ra tôi. Và chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện.

- Lúc đó, em là một cô giáo tốt nghiệp CĐ Sư phạm khoa Toán. Chẳng biết thế nào mà quay đi quay lại đã 36 tuổi, cái tuổi ế ẩm rồi. Em đã định chẳng chồng con gì nữa, ở vậy với ông bà ngoại, nhà ông bà ngoại các em cũng đi công tác hết.

Đùng một cái, hôm đó ra trường, các thầy cô giáo đang túm tụm đọc bài trên báo Tiền phong viết về anh Thuấn. Thấy thế em cũng đọc. Đọc xong bài báo, tự nhiên em thấy thương thương anh Thuấn.

Mấy cô bạn thấy em trầm ngâm thì gán ghép luôn: “Làm mối cho cái Phương đi. Trâu ta, cỏ đồng ta còn gì hơn nữa”. Đêm về lời lẽ trong bài báo cứ lởn vởn trong đầu. Cứ thế, tuy không nói ra nhưng trong em đã có một tình thương anh Thuấn thực sự.

Nên khi có một người mối mai là… chứ anh Thuấn nhát lắm có tán tỉnh gì đâu. Trò chuyện với anh Thuấn, em thấy anh hiền lành chân thật, thẳng thắn. Tình yêu trong em tưởng đã nguội tắt lại được nhóm lên. Chúng em cưới nhau một năm sau thì sinh cháu Thăng.

Qua trò chuyện, Thuấn vẫn đau đáu nỗi niềm chưa làm cách nào để liên hệ hay trở lại thăm gia đình người bố nuôi bên Campuchia được. Viết thư thì không biết chữ, có biết thì cũng không có địa chỉ.

Được sự hỗ trợ thêm của hai bên gia đình, cuộc sống vợ chồng cũng đỡ. Ngày ngày vợ đi dạy học, còn Thuấn ở nhà vừa đại lý thức ăn chăn nuôi, vừa nuôi lợn.

Nuôi hàng chục con lợn nên vất vả lắm nhưng thu nhập cũng được, mỗi năm hàng chục triệu đồng. Tâm nguyện của Thuấn là dành dụm một món tiền vài chục triệu đồng để hai vợ chồng sang thăm bố mẹ nuôi bên đó.

Hiềm một nỗi mấy năm qua hầu như năm nào Thuấn cũng ốm một trận, ốm nặng, nên dành dụm được chút nào lại vào thuốc thang hết cả, chưa thực hiện được tâm nguyện đó.

Thuấn chỉ lo khi mà có được tiền, không biết bố mẹ nuôi còn sống không? Năm Thuấn trở về Việt Nam, cả hai cụ đều tuổi thất thập rồi. Nhưng Thuấn nhất định thế nào cũng phải sang một chuyến để tạ ơn những người đã cứu mạng.

Chúng tôi đang ngồi trò chuyện thì thấy một chú bé trắng trẻo tươi tắn, lưng đeo cặp sách bước vào nhà. Thấy tôi, chú chào liến thoắng: “Cháu chào bác, con chào bố, con chào mẹ”. Kéo chú vào lòng, tôi hỏi, chú bé nói liền một hơi: “Cháu tên là Thăng, cháu 5 tuổi, cháu học mẫu giáo, con bố Thuấn, mẹ Phương. Cháu quý cả bố, cả mẹ…”.

Nghe những âm thanh con trẻ ấy, tôi thực sự mừng cho Thuấn. Cuộc sống thật là diệu kỳ, mới ngày nào Thuấn từ cõi chết trở về tiều tụy, xác xơ, vô hồn và đơn độc thì nay đã có nụ cười, có vợ, có con. Và tôi cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa với cuộc đời. Ôm chặt con vào lòng, Phương nghẹn ngào nói:

- Chúng em cảm ơn báo Tiền phong nhiều lắm. Báo Tiền phong không chỉ cho anh Thuấn một người lính sống sót sau hoàn cảnh chiến tranh đặc biệt mà còn cho cả em một cuộc đời mới, một tình yêu, hạnh phúc, một gia đình.

Tôi cầu chúc cho Thuấn sức khỏe để sớm thực hiện được tâm nguyện của mình. ở bên kia nước bạn, gia đình ông Reng biết tin này hẳn cũng mừng vui lắm! Nhìn Thuấn bên vợ con với những nụ cười tươi tắn, trong một ngôi nhà nhỏ đơn sơ nhưng nồng ấm, tôi không cầm được nỗi xúc động. Cái hạnh phúc sau chiến tranh của họ nhỏ nhoi thôi mà thiêng liêng đến thế.

Thái Bình, 12/12/2005

MỚI - NÓNG