Người lấp đầy những vành trăng khuyết

TP - Nhiều năm nay, chị Mai Thị Dung (SN 1977, Sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng CORMIS) vẫn miệt mài cùng các cộng sự xây cộng đồng hạnh phúc cho người khuyết tật. Ở đó, họ được trao sinh kế bền vững, được hướng dẫn các kỹ năng để sống hạnh phúc và tích cực.

Trao “cần câu” bền vững

Đầu giờ chiều, chị Đặng Thị Bé (50 tuổi, quận Sơn Trà) đỗ xịch chiếc xe máy ba bánh trước Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (CORMIS) rồi khệ nệ chuyển số vải nguyên liệu cất gọn vào kho. Ngồi vào chiếc máy may, chị bắt đầu buổi làm việc, đôi tay thoăn thoắt đưa vải, cắt chỉ… Chỉ một chốc, một chiếc túi vải tái chế đầy sắc màu hoàn thành. Gần 4 năm nay, Trung tâm CORMIS trở thành ngôi nhà chung của chị Bé và các chị em khuyết tật trong dự án Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc.

Người có công gầy dựng ngôi nhà chung CORMIS là chị Mai Thị Dung (SN 1977, quê Thừa Thiên Huế). Gắn bó với các hoạt động, dự án cộng đồng cho các tổ chức phi chính phủ hơn 10 năm nay, chị Dung nhận thấy muốn thay đổi hành vi và hỗ trợ bền vững cho các nhóm yếu thế cần nhiều thời gian, công sức hơn. “Đa phần các dự án tôi tham gia trước đó đều kéo dài từ 2-3 năm, đổ rất nhiều nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, khi các dự án đi qua, mọi việc đâu lại vào đấy”, chị Dung kể.

Trăn trở đó thôi thúc chị nghỉ việc và thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng với mong muốn hỗ trợ bền vững cho người khuyết tật. Thay vì ngồi chờ các dự án, chị quyết tâm làm gì đó thiết thực, bền vững hơn cho những người khuyết tật ở Đà Nẵng. Năm 2018, Trung tâm CORMIS ra đời, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng với dự án đầu tiên có tên Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc.

“Trung tâm xây dựng các khóa về nâng cao năng lực cho người khuyết tật như: làm việc nhóm, lập kế hoạch, tổ chức dự án, quản lý tài chính… CORMIS mong muốn có thể đồng hành, hỗ trợ những người khuyết tật phát triển toàn diện, để dù không có những nguồn lực bên ngoài hỗ trợ, họ vẫn có thể tự kết nối, tự duy trì các mô hình hoạt động”

Chị Mai Thị Dung,

Sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hoà nhập cộng đồng (CORMIS)

“Dự án với định hướng sử dụng các rác tái chế như vải rẻo, lưới, bao gạo… để tạo ra những sản phẩm có thể bán ra thị trường, tạo sinh kế bền vững cho các chị em phụ nữ khuyết tật”, chị Dung kể. Thông qua kết nối với các CLB Người khuyết tật, chị Dung kết nối được với một số chị em để thành lập nhóm nòng cốt với khoảng 10 người.

Người lấp đầy những vành trăng khuyết ảnh 1

Chị Mai Thị Dung (sáng lập CORMIS, thứ 2 từ phải sang) luôn tạo điều kiện cho các chị em khuyết tật tham gia các phiên chợ, hội chợ để tự giới thiệu các sản phẩm mà mình tự làm ra Ảnh: NVCC

Để kết nối nguồn nguyên liệu đầu vào, chị Dung cũng tìm đến các khu nghỉ dưỡng, khách sạn để xin các tấm ga giường, vỏ gối, màn che… cũ, mang về xử lý và tái chế thành khăn tay, túi vải, tấm trải bàn… Lâu dần, khi lượng đặt hàng nhiều hơn, chị lại tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định từ vải thừa, vải rẻo của các tiệm may, nhà may lớn.

Vốn chỉ làm nghề may vá, sửa quần áo nhỏ, khi đến với Trung tâm CORMIS, chị Bé lần đầu tự mình sáng tạo ra những sản phẩm mới mẻ, độc đáo. Những ngày đầu, chị cùng các chị em tham gia dự án tự thiết kế, lên ý tưởng những sản phẩm có thể sản xuất từ các loại rác tái chế. Sau này, khi nhận các đơn hàng theo yêu cầu, mọi người tự thiết kế và may mẫu thử để khách hàng xem trước khi sản xuất hàng loạt.

Người lấp đầy những vành trăng khuyết ảnh 2

Ngoài việc được trao sinh kế, ở Trung tâm CORMIS, người khuyết tật được hỗ trợ phát triển toàn diện về tinh thần, duy trì tư duy tích cực, lạc quan ảnh: Giang Thanh

“Ở đây, chúng tôi được thỏa sức sáng tạo. Nếu gặp khó khăn gì, Trung tâm sẽ hỗ trợ bằng cách kết nối với các chuyên gia để hướng dẫn, đào tạo thêm kỹ năng như: thiết kế thời trang, phối màu, các kỹ thuật may khó… Mọi người vướng ở đâu thì mạnh dạn đề xuất để được hỗ trợ”, chị Bé kể.

Từ một nhóm nhỏ phụ nữ khuyết tật tham gia tái chế tạo sinh kế bền vững tại Đà Nẵng, đến nay, nhóm dự án Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc của CORMIS đã sáng tạo được khoảng 100 loại sản phẩm từ rác tái chế như túi xách, balo, lót ly, khăn tay, vỏ gối, kẹp tóc, băng đô… và bán ra thị trường 320 nghìn sản phẩm, tạo sinh kế bền vững cho các thành viên.

Hạnh phúc không của riêng ai

Không chỉ trao sinh kế, Trung tâm CORMIS còn duy trì các dự án để hỗ trợ người khuyết tật sống hạnh phúc và phát triển sức khỏe tâm trí. “Thực ra, đây là vấn đề chung của những người khuyết tật, họ tự tin về bản thân, ngại đứng lên thể hiện tiếng nói hoặc quan điểm. Chính sự e ngại đó khiến họ khó hòa nhập với cộng đồng. Vì vậy, Trung tâm duy trì các dự án về sống hạnh phúc và sức khỏe tâm trí để hỗ trợ, đồng hành cùng người khuyết tật tháo gỡ những rào cản về tâm lý, giúp họ tự tin, thúc đẩy họ tham gia cùng cộng đồng”, chị Dung nói.

Ngoài những buổi workshop, những lớp học kỹ năng với các chuyên gia tâm lý, giảng viên về sức khỏe tâm trí, huấn luyện viên yoga, thiền… dành cho cộng đồng những người khuyết tật ở khu vực miền Trung, chị Dung cũng duy trì sự kết nối với các thành viên qua hình thức online với những buổi cùng chia sẻ, cùng tập luyện qua zoom.

Lần đầu tôi gặp chị Bé cùng những người bạn khuyết tật của mình không phải ở trong xưởng may nhỏ ở CORMIS. Đó là ở bãi biển Mỹ Khê, trong hoạt động nhảy tự do Big Dork Dance do một nhóm các bạn trẻ Việt Nam và nước ngoài tổ chức đều đặn mỗi tuần. Trên chiếc xe lăn, chị Bé tự tin và rạng rỡ cùng những người bạn mới lắc lư theo những giai điệu. Chị Bé kể trước đây, khi mới tham gia các hoạt động, đến nói chuyện, chia sẻ chị còn rụt rè chứ đừng nói đến đứng trong đám đông và nhảy.

Khuyết tật đôi chân từ nhỏ, chị Lê Đào Bích Hiền (SN 1982, quận Thanh Khê) trước đó chỉ bán hàng rong để kiếm sống. Được Chi hội Thanh niên khuyết tật giới thiệu đến Trung tâm CORMIS, chị Hiền lần đầu tiếp xúc với vải vóc, máy may, lần đầu tập làm đồ tái chế. Nhờ sự hỗ trợ của mọi người, giờ đây, chị đã trở thành một thợ “cứng” của dự án, có thể tham gia đủ mọi khâu từ thiết kế, cắt vải, may, hoàn thiện…

“Không chỉ giúp tôi có nghề và có nguồn thu nhập ổn định, Trung tâm còn hỗ trợ tôi phát triển nhiều kỹ năng. Qua các lớp học, tôi vượt qua được mặc cảm, hòa nhập hơn với mọi người. Đây có lẽ là những cơ hội mà không phải người khuyết tật nào cũng có được”, chị Hiền nói.