Đang làm thủ tục rút BHXH tại trung tâm BHXH quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Dũng (46 tuổi), công nhân tại một xưởng cơ khí cho biết, khi công việc còn ổn định, tháng nào anh cũng được công ty đóng bảo hiểm liên tục trong vòng 10 năm. Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, công ty rơi vào cảnh khó khăn phải cắt giảm nhân sự hàng loạt.
Dù cận ngày nghỉ lễ, người lao động đến làm thủ tục rút sổ BHXH 1 lần vẫn khá đông |
Những khoản BHXH trước đây, công ty đều dừng đóng. Thậm chí, có tháng còn nợ lương. Đợt này, vì không có thu nhập, anh quyết định xin nhận sổ bảo hiểm từ công ty, ra trung tâm BHXH quận để rút một lần.
“Số tiền cả thảy được gần 25 triệu đồng. Tôi cũng không định rút đâu, nhưng cả tháng nay gia đình không có tiền trang trải cuộc sống. Tài sản thì không có gì cầm cố được, chỉ có sổ BHXH là tích góp được bao năm qua”anh Dũng chia sẻ.
Hơn 9 giờ sáng tại văn phòng BHXH, đợi cả chục người mới tới lượt mình, chị Trần Thị Huệ 36 tuổi (Trực Ninh, Nam Định) đi vội tới quầy thủ tục, điền thoăn thoát vào đơn xin rút BHXH một lần.
Chị Trần Thị Huệ cho biết, nếu không rút BHXH 1 lần, gia đình sẽ không có tiền trang trải chi tiêu |
Mới nghỉ công việc thứ hai trong 1 năm qua, nhà có hai con nhỏ, chị phải lo đủ khoản tiền. Trong lúc khó khăn, chị nghĩ tới sổ BHXH đã đóng trong 7 năm qua. “Chồng tôi khuyên không nên rút vội, nhưng giá như tôi có việc làm, đằng này công việc bấp bênh, lương chồng cũng chỉ đủ tiền học, tiền sữa. Còn chi tiêu trong gia đình, mấy tháng này tôi cũng phải đi mượn” chị Huệ chia sẻ về lý do rút.
Chị Lê Thị Hà (38 tuổi, Tĩnh Gia Thanh Hóa), một công nhân may cũng cho biết, trong công ty chị hầu hết các lao động đều rút BHXH 1 lần từ sớm. Bởi, theo quy định mới nữ đủ 60 tuổi mới được nghỉ hưu, khi đó sổ BHXH mới có tác dụng. Tuy nhiên, đối với ngành may, ngoài 40 tuổi công ty đã tìm cách cho lao đông nữ nghỉ việc. “Chúng tôi không chờ được đến lúc đó. Nếu không rút một lần, hiếm khi công nhân có được chút vốn chi tiêu, làm ăn", chị Huệ nói.
Người dân làm thủ tục rút sổ BHXH |
Ghi nhận phóng viên, vào trước ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5 tại các trung tâm BHXH, người lao động tới rất đông từ sáng sớm. Đa phần, người lao động đều xin rút BHXH một lần.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid – 19, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2021 số lượng người lao động rút BHXH lên tới 226.503 người, tăng 20.5% so với cùng kì năm 2020. Riêng trong năm 2020, có 1 triệu người tham gia BHXH nhưng có tới 880.000 người nhận BHXH một lần.
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam cho biết, đây là thực trạng rất đáng lo ngại. Bởi khi rút BHXH một lần, khi về già, người lao động sẽ không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội.
“Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, người lao động còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội”, ông Thọ nói.
Ông Thọ khuyến nghị, người lao động cũng cần cân nhắc kỹ, không nên quyết định hưởng BHXH một lần mà nên bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện, để có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, hết tuổi lao động.