Người lãnh đạo phải biết 'phất cờ' đổi mới

TP - “Chọn lãnh đạo là phải được người “sạch”, giỏi và mạnh dạn trong “phất cờ” đổi mới. Nếu không quyết liệt đổi mới thì đất nước không lên được đâu, vẫn mãi tụt hậu, lùng nhùng nợ công nhiều, nợ xấu, thất thoát nhiều”, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương, trao đổi với Tiền Phong.
Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: Tuấn Anh.

Không giỏi, vào T.Ư chỉ “cắp ô” đi làm

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập ở Hội nghị T.Ư 13 vừa qua là việc xem xét lựa chọn nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của công tác lựa chọn cán bộ đối với sự phát triển của đất nước?

Công tác cán bộ là công việc quan trọng của Đảng. Ngày trước, chúng ta chọn nhiều tướng lĩnh giỏi tham gia vào T.Ư vì nhiệm vụ lớn nhất của thời đó là đánh giặc. Vì thế mới có những con người như Võ Nguyên Giáp, Lê Trọng Tấn, Phạm Văn Trà... để rồi chúng ta đã hoàn thành được mục tiêu là chiến thắng các kẻ thù xâm lược.

Nhưng giờ đây tình hình đã khác rất xa so với trước. Và nhiệm vụ đặt ra cho Đại hội, cho Ban Chấp hành T.Ư khoá tới là có giải quyết được tụt hậu không, đời sống nhân dân có được cải thiện không? Hay cứ lùng nhùng trong nợ công, nợ xấu, thất thoát tài sản, tụt hậu…  Nếu cứ tụt hậu nữa thì coi chừng vô vàn những phức tạp sẽ nảy sinh…

Từ thực trạng trên đòi hỏi công tác cán bộ trong nhiệm kỳ tới phải như thế nào cho phù hợp. Nói thật, theo dõi các Hội nghị T.Ư vừa qua, tôi không quan tâm số lượng Ban Chấp hành T.Ư khóa tới nhiều hay ít. Tôi cũng không quan tâm vấn đề nhân sự Bộ Chính trị nhiều hay ít. Tôi chỉ quan tâm đến chất lượng của Ban Chấp hành Trung ương, chất lượng của Bộ Chính trị khóa tới thế nào, có tương xứng với tình hình thực tế đang đặt ra hay không?

Về tiêu chuẩn, T.Ư cũng đã nói nhiều rồi nhưng tôi chỉ quan tâm đến ba nội dung. Thứ nhất là cán bộ được lựa chọn vào T.Ư phải “sạch”, không “sạch” thì sẽ không nói được ai, không thể chống được tham ô, tham nhũng, lãng phí. Ông không sạch mà lên tiếng kêu gọi chống tham nhũng thì ai nghe, ai chịu thực hiện.

Thứ hai là phải chọn được người giỏi. Giỏi ở đây không phải giỏi ào ào, giỏi lý thuyết mà phải giỏi về kinh tế, đầu tư... Chứ chả giỏi cái gì, lúc đó vào T.Ư lại trở thành sáng cắp ô đi tối cắp về rất có hại cho
đất nước.

Tiêu chí cuối cùng là những người được lựa chọn vào T.Ư phải là những người dám đổi mới. Nếu vẫn giữ khư khư lấy cái bảo thủ, không dám đổi mới thì không bao giờ phát triển được. Thực tế thời gian qua đã cho thấy, ở tỉnh, thành, địa phương nào người đứng đầu có tư tưởng đổi mới, quyết liệt trong thực hiện đổi mới thì nơi đó kinh tế, xã hội phát triển mạnh. Điển hình như Đà Nẵng, Quảng Ninh và trước đây là ở Vĩnh Phúc với Bí thư Kim Ngọc… Do đó, vấn đề quan trọng là người đứng đầu, thủ lĩnh, minh chủ phải phất cờ, dám đổi mới. Nếu không quyết liệt đổi mới, đất nước sẽ không lên được đâu. Cái này phải thẳng thắn chỉ ra, không giấu giếm nữa…

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương.

Chọn Trung ương không được phép sai

Đảng đã đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn cán bộ một cách kỹ lưỡng nhưng người dân vẫn sợ “lọt”. Vậy ông có lo ngại điều này không?

Là người đã có nhiều năm làm công tác tổ chức cán bộ, tôi thấy, việc chọn 100 người nhưng để lọt 10 người cũng là chuyện bình thường. Chúng ta chọn được 80% là tốt lắm rồi. Nhưng quan trọng nhất là không để sai, không để “lọt” những người có khuyết điểm vào vị trí đứng đầu. Bí thư tỉnh, bộ trưởng dứt khoát không được chọn sai. Thứ trưởng chọn sai đã có bộ trưởng giám sát, kiểm tra, xử lý…  Tỉnh sai đã có T.Ư giám sát, xử lý, nhưng T.Ư mà lựa chọn sai thì khó sửa lắm. Do đó công tác cán bộ là hết sức quan trọng và đã đến lúc chúng ta cần phải có những đổi mới mạnh mẽ trong công tác này.

Theo ông, cần phải đổi mới từ đâu để lựa chọn được những người “sạch”, giỏi cũng như “phất cờ” đổi mới?

Cha ông ta nói nhiều về trọng dụng nhân tài rồi. Đất nước ta chưa bao giờ thua một thế lực nào, từ thời nhà Trần thắng Nguyên Mông, thời cụ Hồ thắng cả Mỹ, Pháp… Cả thế giới vẫn đặt câu hỏi vì sao Việt Nam yếu thế lại thắng Mỹ? Câu trả lời là vấn đề về con người cả thôi. Vì thế, Đại hội lần này có hai việc phải làm. Trong đó việc đầu tiên là phải tập trung vào vấn đề phát triển kinh tế, cải thiện nâng cao đời sống của người dân. Nhưng như tôi đã nói ở trên, muốn phát triển kinh tế được thì phải lựa chọn được cán bộ giỏi về kinh tế và mạnh dạn trong phất cờ đổi mới.

Bên cạnh đó, phải đổi mới cơ chế lựa chọn, trọng dụng nhân tài. Nếu làm như bây giờ thì không có nhân tài, nhân tài không xuất hiện đâu. Chúng ta phải tính đến những người giỏi nhưng đang ở ngoài đảng. Phải đổi mới công tác cán bộ, phải dân chủ, công khai, minh bạch. Phải quan tâm đào tạo lớp trẻ, thông minh năng nổ, dám nghĩ, dám làm.

Cảm ơn ông.