Người làm báo dấn thân, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm

TPO - “Còn gì cảm động hơn hình ảnh các phóng viên đồng hành với các y bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an trong cuộc chiến chống đại dịch”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV năm 2019 vào tối 21/6.

Cùng dự lễ trao giải có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và những người làm báo đạt giải lần này.

Người làm báo dấn thân, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm ảnh 1 Thủ tướng cùng các đại biểu tham dự Lễ trao giải Báo chí Quốc gia. Ảnh CP

Phát biểu khai mạc lễ trao giải, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nhấn mạnh, qua các giai đoạn lịch sử, các thế hệ nhà báo cách mạng thực sự là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng như chính lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Ôn lại chặng đường 95 năm, chúng ta có thể tự hào về những truyền thống nổi bật mà báo chí cách mạng nước ta đã dày công vun đắp, tạo dựng. Trước hết là sự vững vàng về bản lĩnh chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và dân tộc. Trong bất kì hoàn cảnh nào, đội ngũ nhà báo cách mạng luôn luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng.

Gần 500 nhà báo đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường trong khi làm nhiệm vụ người chiến sĩ ngoài mặt trận. Ngay trong thời bình, nhiều nhà báo không quản ngại gian khó, nguy hiểm đến tính mạng, có mặt tại điểm nóng Hoàng Sa, Trường Sa hoặc lăn xả nơi bão lũ, hiểm nguy, vùng có dịch như trong đại dịch COVID-19…”, ông Thuận Hữu chia sẻ.

Chúc mừng đội ngũ những người làm báo trên cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, báo chí đã tích cực, chủ động, có nhiều đóng góp cho xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phản ánh kịp thời, khách quan những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm nay, các cơ quan báo chí, truyền thông đã có những đóng góp rất quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch thế kỷ COVID-19. Chủ trương “chống dịch như chống giặc”, “mục tiêu kép - chống dịch đi đôi với duy trì, phát triển kinh tế”…đã được báo chí cả nước truyền tải hiệu quả hàng ngày, hàng giờ đến từng từng người dân, từng doanh nghiệp.

Người làm báo dấn thân, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm ảnh 2 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. - Ảnh: VGP
Người làm báo dấn thân, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm ảnh 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải A cho các tác giả. - Ảnh: VGP

“Còn gì cảm động hơn hình ảnh các phóng viên đồng hành với các y bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an trong cuộc chiến chống đại dịch. Báo chí đã góp phần to lớn tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn dân, sự đoàn kết, nhân ái trong xã hội trong cuộc chiến chống đại dịch này.

Đây là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới kiểm soát được dịch COVID-19 với phương pháp chống dịch hiệu quả, chi phí thấp và nay bước vào “trạng thái bình thường mới” vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội vừa cảnh giác phòng, chống dịch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng đánh giá, Giải Báo chí quốc gia năm 2019 đã thu hút được những tác phẩm báo chí chất lượng cao, có nội dung giá trị, hình thức thể hiện hấp dẫn, có sức lan tỏa xã hội cao, đóng góp tích cực vào sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn ít các bài mang tính phát hiện nhân tố mới, điển hình tốt, gương người tốt, việc tốt nhằm lan toả chân, thiện, mỹ trong xã hội. Còn thiếu những bài phân tích, đưa ra những kiến giải, gợi ý trong hoàn thiện chế pháp luật, cơ chế quản lý nhằm tạo bước phát triển đột phá.

Với hơn 25 nghìn hội viên – nhà báo đang làm việc trong các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý, đào tạo báo chí với bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn vững vàng, Thủ tướng tin tưởng người làm báo sẽ ngày càng có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng, xứng đáng niềm tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Người làm báo dấn thân, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm ảnh 4 Trao giải B cho các tác giả đoạt giải
Người làm báo dấn thân, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm ảnh 5 Trao giải C cho các tác giả đoạt giải
Người làm báo dấn thân, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm ảnh 6 Trao giải khuyến khích cho các tác giả đoạt giải.

Giải báo chí quốc gia năm 2019 có 9 giải A, 21 giải B, 41 giải C và 32 giải khuyến khích. Báo Tiền Phong đạt 2 giải C, gồm loạt bài Lùm xùm xét Giáo sư, Phó Giáo sư của tác giả Nghiêm Huê và loạt bài Sự cố ô nhiễm nước sạch sông Đà của nhóm tác giả Trọng Đảng, Trần Hoàng, Trường Phong, Hoàng Mạnh Thắng, Nguyễn Hoài.

MỚI - NÓNG