Người không ưỡn ngực và một rổ… huy chương

Người không ưỡn ngực và một rổ… huy chương
TP - Sau những vật lộn, người tàn tật ở thị trấn cửa rừng Lục Ngạn ấy trở thành ông chủ giàu có và là chủ của rất nhiều tấm huy chương vàng môn bóng bàn.

“Phú gù” là cách gọi thân mật nhưng có phần suồng sã của nhiều người khi nhắc đến ông. Ông không buồn nhưng cũng chẳng vui khi nghe.

Cái tên “Phú gù” có nguồn gốc từ trận bóng mà chàng sinh viên sư phạm năm thứ hai Lý Xuân Phú bị tai nạn, một cú ngã lộn người gây chấn thương cột sống, sau đó bị biến chứng.

Cú ngã ấy chấm dứt giấc mơ trở thành thầy giáo và cũng bắt anh rời xa sân cỏ. Không chỉ bị viêm cột sống, anh còn bị dính khớp rất nặng. Khi các đốt cột sống sập xuống hết, cơ thể mới ổn định thì nỗi đau cũng đã kéo dài gần chục năm liền. Anh đã đi lại được nhờ sự hỗ trợ của một chiếc gậy.

Chẳng biết có phải “trong họa có phúc” hay không, khoảng năm bảy tám, khi anh lánh về xã Kiên Thành chữa bệnh thì cô y tá tên Mây đã đem lòng thương yêu anh. Hai người thành vợ thành chồng.

Anh Phú và chị Mây có những ba người con. Ba người con với người khoẻ mạnh đã là vất vả, còn với người bệnh tật như anh sự vất vả nhiều hơn bội phần. Học chữa đài rồi mở cửa hàng tạp hoá chẳng ăn thua, anh Phú đi buôn trâu, bò, ngựa… Tất thảy những việc gì có thể kiếm sống, nuôi con anh đều làm, trừ những việc phạm pháp.

Buôn trâu bò được một thời gian, anh tìm đến những nơi đãi vàng để mua vàng cốm, bán lại cho người ta đánh lại thành vàng nõn. Anh nhận ra làm nghề đánh vàng cốm thành vàng nõn mới là người kiếm được nhiều nhất.

Mày mò qua sách vở, học hỏi nơi này nơi khác, Lý Xuân Phú và người em rể của mình đã thành công. Khi ấy, cũng là lúc vườn đồi của vợ chồng anh chăm chút, đổ mồ hôi bao ngày đã cho những mùa vải thắng lợi. Một cân vải thiều tươi những năm chín mươi có thể mua được ba bốn cân gạo.

Bán vải của nhà, mua vải người khác về sấy để bán vải thiều khô, vợ chồng Lý Xuân Phú lại thu lời kha khá. Vợ chồng anh quyết định mở cửa hàng vàng bạc Phú Quý. Bằng mồ hôi nước mắt của mình, Lý Xuân Phú đã trở thành tỷ phú.

Một rổ… huy chương

Tôi gặp ông Phú sau trận lũ lịch sử hồi tháng Chín vừa qua. Thị trấn Chũ ngổn ngang, tơi bời. Lý Xuân Phú vẫn điềm tĩnh. Trên tay ông là một chiếc rổ màu xanh đựng đầy những tấm huy chương.

Trong chiếc rổ nhựa “bình dân” ấy có nhiều tấm huy chương vàng ở các kỳ ASEAN - Paragames năm 2003, 2005 và 2007. Huy chương đồng giải châu Á Thái Bình Dương mở rộng năm 2005. Để có được những tấm huy chương vàng quý giá ấy, là bao ngày tập luyện trong đau đớn, thậm chí cả những lúc thi đấu ở nước ngoài, những cơn đau vẫn hành hạ ông.

Năm 1995, lần đầu ông Phú tập lại bóng bàn ở tư thế ngồi. Đôi tay di chuyển theo trái bóng làm cho cái lưng đau tức ê ẩm. Suốt cả tháng trời nằm bẹp, đã có lúc ông Phú nản lòng.

Nhưng rồi kiên trì, ông đã bỏ được ghế, đứng trên đôi chân của mình để tập. Sau rất nhiều những kiên trì, Lý Xuân Phú có thể đường hoàng chơi bóng với những tay vợt mạnh của thị trấn Chũ.

Sau đấy, Lý Xuân Phú quyết định thành lập câu lạc bộ bóng bàn tại gia. Ai ngờ, câu lạc bộ của ông đã thu hút và đào tạo nhiều tay vợt có tiếng trong huyện ngoài tỉnh. Rất nhiều người bất ngờ vì cách xử lý bóng tốc độ và rất chính xác của ông.

Những quả chặn bóng, tạt bóng của Lý Xuân Phú luôn gây khó chịu cho đối phương. Khi phòng thủ thì ổn định và dai dẳng; khi tấn công thì bất ngờ. Có lẽ, đó cũng chính là tính cách, là ứng xử của ông với cuộc đời.

Đôi mắt ưa nhìn thẳng và có phần trầm tĩnh của ông luôn ẩn giấu những tia chớp uy lực. Lý Xuân Phú cứ lặng lẽ trình làng những bất ngờ. Lý Xuân Phú hai lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.