“Người hai phía” trong và sau cuộc chiến

“Người hai phía” trong và sau cuộc chiến
TP - Có cái gì mãnh liệt khó nói toát ra từ dáng ngồi chông chênh của người phụ nữ này. Mạnh hơn những tai ương, bom đạn, chuyện của “phía bên kia” từ bà trong những năm tháng ẩn mình...
“Người hai phía” trong và sau cuộc chiến ảnh 1
Bà Mai - Khưu Thị Hồng

Đâu chừng tháng 7 năm này, có tờ báo trong nước đã  đăng tải chuyện một người đàn bà bị cụt hai chân ở Tam Kỳ - Quảng Nam tên là Mai có cuộc hội ngộ cảm động với hai người phụ nữ Mỹ tên là Jane Barton - Giám đốc quản lý Bệnh viện Washington và Sophie Quinn -Tiến sĩ Việt Nam học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triết học, văn hóa và xã hội Việt Nam tại đại học Temple.

Tình bạn cảm động của họ có từ năm 1971, tại Trung tâm chỉnh hình của  tổ chức Quaker (một tổ chức từ thiện hoạt động giúp đỡ những người tàn tật trong chiến tranh) đặt tại Quảng Ngãi.

Cô gái “Việt cộng nòi” tên Nguyễn Thị Mai xuất hiện tại đây khi bị biệt kích Mỹ bắt tại căn cứ Hòn Tàu ở Quế Sơn-Quảng Nam trong tình thế bị vướng mìn, hai chân  bay mất và một vết thương dài ở bụng.

Nghị lực phi thường, sức sống mãnh liệt của chị Mai; sự đồng cảm giữa những người phụ nữ, đã kết nối chị với Jane và Sophie, lúc đó là giám đốc và giám sát viên tổ chức này...

Niềm tin không dứt về tình bạn không thể chia lìa, đã làm họ có cuộc trùng phùng sau 30 năm mất dấu nhau tại một ngôi nhà nhỏ của chị Mai tại Tam Kỳ rồi sau đó là tại nhà của Jane ở cuối làng Nghi Tàm-Hà Nội vào tháng 7/2005...

Chị Mai ấy là bà Khưu Thị Hồng, mẹ của Hoàng Thúy, phát thanh viên truyền hình tỉnh.Thú thật, tôi định bụng thăm hỏi cho biết thêm chứ viết lách chi nữa, bởi có lẽ những gì dồn nén sau 30 năm, bà đã trải hết lên các trang báo mà bà cẩn thận photo lại, giữ gìn như báu vật.

Nhìn dáng bà khó khăn đưa tay đẩy đến đẩy lui chiếc xe lăn, tôi ái ngại buộc miệng rằng: “Thôi cô à, thi thoảng cháu rảnh ghé nói chuyện chơi, đời người chẳng mấy chuyện vui đâu, cô như thế là đại hỷ rồi”. Tức thì, bà đáp lại: “Chưa hết đâu, cũng vì  chỗ thân tình nên cho cháu  xem cái này hay lắm”.

Chiếc xe lăn lại lui tới. Trước mặt tôi là cuốn sách tiếng Anh dày cộp, nhan đề “Reaching the other side” của Earl S. Martin, xuất bản năm 1978 tại Mỹ, chồng mờ trên ảnh bìa là một du kích đi xe đạp trên đường làng, chở đằng sau khẩu súng.

Như lời đầu của cuốn sách, đây là những thông tin về chiến tranh Việt Nam của báo chí Mỹ, nhưng đó là một điểm  nhìn khác, một cái nhìn hậu chiến. Tôi lật cuốn sách, sững sờ thấy ảnh bà trong đó.

...Trong những ngày ở trung tâm Quaker năm ấy, ngoài Jane và Sophie, còn  có vợ chồng và 2 con nhỏ của Earl  S. Martin. Ông là phóng viên chiến trường, vừa tham gia hoạt động cho tổ chức từ thiện này.

Việc ai nấy làm. Chị Mai đã giấu biệt tung tích mình là cán bộ tuyên huấn Quảng Đà, được đưa vào trung tâm này với lý lịch mờ mịt: Nhân thân không có ai, chỉ có tên là Mai, là dân thường đi núi kiếm củi bị mìn.

“Người hai phía” trong và sau cuộc chiến ảnh 2
Earl S.Martin tại TPHCM sau 1975

Hình như ở cái chỗ hoạt động đứng ngoài súng đạn, chỉ quan tâm đến thân phận con người này, tình người dễ được thiết lập hơn. Cũng như Jane và Sophie, chị Mai thân thiết với gia đình ông.

Quảng Ngãi giải phóng. Nghề nghiệp đã níu chân Earl S.Martin ở lại, thời điểm này là cơ hội để kiểm chứng thông tin loan báo từ trước ở Mỹ và bộ máy tuyên truyền Sài Gòn: Cộng sản sẽ tắm máu thường dân và binh lính đối phương.

Đúng ngày 24/3/1975, khi cờ giải phóng đã ngập tràn Quảng Ngãi, chị Mai ngồi sau xe máy để ông chở, làm hướng dẫn viên cho ông đi tác nghiệp. Chạy vào đến Tư Nghĩa, ra Bình Sơn, Chu Lai để Earl S.Martin thấy có Cộng sản có tắm máu không.

Cuốn sách dày đặc thông tin về đất và người Quảng Ngãi trong không khí cuộc chiến vừa tàn. Martin dành 2 trang viết về chị Mai: “...Chị Mai cố gắng im lặng trước những điều nhỏ nhặt đã bùng nổ xung quanh chúng ta từ nhiều tháng nay.

Đó là những điều kỳ lạ, huyền nhiệm.  Khi trở về nhà, chúng tôi bị hành hạ bởi những gì đã diễn ra. Nếu có thể, chúng tôi sẽ phục hồi lại một vài ngôi làng tại Sơn Mỹ, một vài dự án về nông thôn...”.

Tâm sự thiện chí  trên được viết sau đó 3 năm, nhưng lúc đó,  Martin cũng đã kịp thể hiện một nghĩa cử  khác. Chị Mai đưa ông và ông Hoàng Ái lúc đó là Phó Bí thư thị xã Quảng Ngãi vào trung tâm Quaker tại Sài Gòn.

Tại đây ông đã cho huyện Nghĩa Hành của Quảng Ngãi một chiếc xe Toyota và một chiếc máy cày. Vợ chồng ông ở lại Sài Gòn đến năm 1977 rồi mới về Mỹ.

Rồi cũng như hai người phụ nữ Mỹ kia, bà nghĩ rằng sẽ không bao giờ gặp lại Martin nữa, nếu ông ta có nhớ chị Mai ngày nào thì cũng khó mà tìm.

Trước khi chuyển về ở căn nhà nhỏ mà bà cùng đứa cháu tận dụng gian chính mở thêm đại lý điện thoại ở đường Hùng Vương này, đã mấy mươi năm bà sống lặng lẽ ở làng quê nghèo Tam Thái.

Thế nhưng, một chiều năm 1993, có người Mỹ đi với một người Nhật đến quán nhỏ tại chợ Khánh Thọ-Tam Thái  tìm bà.Người Mỹ nọ chính là bà Earl S.Martin. Thế là sợi dây liên lạc đã được kết nối.

Bà cũng chẳng biết ông viết cuốn sách trên đâu. Sách do Jane đem sang. Tôi lật trang đầu cuốn sách, mấy dòng thư bằng tiếng Việt nét chữ chân phương: “Chị Mai, cháu Thúy và em bé. Nhớ chị Mai là một điều cảm động và vui thú cho mình.

Không có chị Mai là không có những chuyện viết trong cuốn sách này. Tôi rất mừng gặp cháu Thúy năm 1993 và tôi hy vọng sẽ có dịp tiện gặp em bé. Gia đình chúng tôi chúc hòa bình và “mọi sự như ý” cho các bạn. Thân yêu. Kiến”.

Bà kể: “Kiến là biệt hiệu vui cô đặt cho ông ta. Con gái ông lấy tên cô là Lara Mai. Còn con trai là Minh Douglas, lấy tên Bác  Hồ Chí Minh đấy!”. Đột ngột rơi từ cuốn sách ra bức hình nhỏ chụp gia đình ông.

Đằng sau bức hình cũng là mấy dòng chữ Việt gửi tặng bà trước khi chia tay: “Chị Mai ơi ! Không có cách nào để cảm ơn chị đầy đủ. Chị đã giúp chúng tôi nhiều nhất về phương diện hiểu sâu tinh thần dân tộc của dân chúng Việt Nam.

Nước chảy bao lâu trong sông Trà, chúng tôi sẽ nhớ xứ Quảng bấy lâu. Bé Mai còn ở đây nó sẽ muốn nhắc chị Mai theo lời của “Bác Hồ”. Anh Kiến”.

Tôi nhìn bà. “Cô cũng chẳng có chi ghê gớm đâu. Mình đối xử đàng hoàng, đúng mực, không hề xa lánh, căm ghét chi họ, thương yêu con cái họ như cháu con mình. 

Những lúc tâm tình với vợ chồng họ, cô kể họ nghe những khổ cực cùng quyết tâm của bà con mình dưới bom đạn của Mỹ” – Bà nhỏ nhẻ.

Tàn phế, không thân thích, không nơi nương tựa, có lẽ những ngày ở với những người Mỹ, bà đã dồn nén ước mơ và niềm tin, bằng đôi chân tàn phế, bắt một nhịp cầu tình bạn để họ hiểu mình và  “hiểu sâu tinh thần dân tộc của dân chúng Việt Nam”. Quả không dễ dàng gì.

Nhưng có lẽ, nếu riêng bà thì chưa đủ. Phải khẳng định rằng Earl S. Martin cũng nặng tình người, có trái tim nóng nhưng cái đầu lạnh để không bị cuốn vào vòng binh lửa trong nhận định.

Con tim ông đã thuộc về lẽ phải và những gì thương mến, bởi để đánh giá cho đúng một cuộc chiến tranh thì phải đứng về phía dân chúng, đọc cho được khát vọng tinh thần dân tộc họ.

Chị Mai đã ghim trong ông  biểu tượng về sự đau khổ của người phụ nữ Việt trong chiến tranh, nhưng đã băng  qua  cuộc chiến  bằng nghị lực và hy vọng lớn lao nhường nào...

Earl S. Martin bây giờ là chuyên gia nghiên cứu Đông Nam á của đại học Stanford. Ông hẹn cuối năm này sẽ cho cô con gái tên Mai sang Việt Nam gặp và kết bạn với Thúy.

MỚI - NÓNG