Người Hà Nội 'mộng du' trong ô nhiễm

Nghệ sĩ Irene Dorigotti đang quay phim trên phố cổ Hà Nội Ảnh: Quỳnh Đăng
Nghệ sĩ Irene Dorigotti đang quay phim trên phố cổ Hà Nội Ảnh: Quỳnh Đăng
TP - Biển người dừng xe chờ đèn đỏ ở ngã tư hít thở khói xăng và tiếng ồn, người trẻ đội mặt nạ chống độc trong khi chơi trượt ván, bức tranh nhà xác bệnh viện và những thanh âm gợi lo lắng... Tất cả có trong sắp đặt (Installation) của nhóm ba nghệ sĩ Việt Nam và Ý.

Khác với cách thưởng lãm thông thường, workshop “Mở xưởng” qui định mỗi lần chỉ cho 10 khách vào, để giày dép ngoài cửa (diễn ra tại VICAS studio 35 Hào Nam, Hà Nội). Bước vào căn phòng tối, ở bức tường đầu tiên có treo 2 tai nghe, đeo vào sẽ thấy những tạp âm phố phường, miền quê lẫn lộn. Trong sảnh chính khán giả ngồi trên chiếu hoặc ghế sopha xem bộ ba video art. Tại ngách trái phòng có một máy tính để xem 2 đoạn video, bên ngách phải có một bức tranh và một tai nghe nhạc.

“Hà Nội không tình yêu”

“Ha Noi no amour” là tên tác phẩm video của nghệ sĩ Ý Irene Dorigotti. Hình ảnh chính chiếm giữ màn hình cũng như thị giác người xem là đám đông người xe mòn mỏi đợi đèn đỏ ngã tư và những xe chở rác làm việc ngày đêm.

Nhờ kỹ xảo, dòng người “mộng du” trong khí độc nhòe đi, rồi lại lập lòe khiến người xem hoa mắt chóng mặt. Ở một video khác một nhân vật xưng tên Bách làm một trình diễn đeo mặt nạ chống độc trượt ván trên một số đoạn phố cổ Hà Nội. Bách vừa đi vừa nói về tình trạng anh ấy thấy ngạt thở, anh ấy 30 tuổi và nghĩ rằng mình sẽ chết vào năm 40 tuổi.

“Mở xưởng” nằm trong khuôn khổ của một Workshop trao đổi nghệ thuật đương đại do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và Đại sứ quán Ý tại Hà Nội hợp tác thực hiện nhân kỷ niệm năm thứ 15 Ngày Nghệ thuật đương đại Ý (11/10/2019).

Hỏi Irene “sao lại “Hà Nội không tình yêu?”. Tác giả cho biết đây là khái niệm mở, có thể trong môi trường quá ô nhiễm bạn không còn tâm trạng nào cho tình yêu. Hoặc ai đó tuyệt tình với Hà Nội vì nó độc hại chết người.

Đồng hành làm phim trong suốt 3 tuần cùng Irene, nghệ sĩ Ngọc Nâu (Nguyễn Hồng Ngọc) kể chị học được rất nhiều về cách kể chuyện Hà Nội của của nhà làm phim nhân học Irene.

Ngọc Nâu và Irene cùng có mặt tại một số bối cảnh quay nhưng mỗi người sẽ sử dụng chất liệu theo cách của mình. Sau cùng họ dựng, ghép vào thành tác phẩm hòa quyện.

Ở video của Ngọc, chị chọn hồ Tây để thực hành trình diễn. Tại đây cảnh Ngọc mặc bộ đồ Mẫu thượng ngàn xen vào cảnh mặc quần jeans áo phông đi tung tăng hướng ra mặt hồ Tây trong xanh. Ngọc may mắn quay được cảnh hóa vàng của một giá hầu đồng. Những con ngựa giấy cỡ đại ngùn ngụt bị đốt cháy trên cánh đồng.

Kể ký ức bằng âm thanh

Lúc đầu tham gia dự án, Lê Thu Minh rất hoang mang, sợ mình lạc lõng.  Minh tốt nghiệp kinh tế, từng học làm phim ở TPD (Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh ) và Doclab (Trung tâm thử nghiệm phim tài liệu, video art) đã từng làm 3 phim ngắn về vấn đề xã hội. Khi họp nhóm nghệ sĩ “Mở xưởng”, Minh kể về ký ức tuổi thơ ở một tòa nhà bệnh viện và nghĩ sẽ được học cách làm phim trên ý tưởng này. Irene thích câu chuyện và khuyên Minh nên kể bằng một cách không quen thuộc - không bằng hình ảnh mà bằng âm thanh. “Bạn hãy thử làm việc độc lập, và có tác phẩm của riêng mình”.

Lúc nhỏ, mỗi buổi tan học Minh về thẳng bệnh viện nơi mẹ cô làm y tá. Cô bé Minh 8 tuổi thông thạo tất cả các tầng và thân nhất tầng 7 của bệnh nhân nhi khoa Ung bướu. Đối diện tòa nhà là một lò thiêu xác, hình ảnh dãy nhà ảm đạm rùng rợn đó còn nguyên trong trí nhớ. Minh trở lại bệnh viện sau hơn 20 năm, ghi âm lại âm thanh đúng như ký ức. Những tiếng gõ cửa của bệnh nhân gọi bác sĩ lúc nửa đêm. Tiếng người nhà bệnh nhân trò chuyện, tiếng đường ống nước chảy, xe cáng lăn bánh rít lên...

Minh kể cho bố về dự án, bố hào hứng muốn cùng con sáng tác. “Bố tôi là công nhân về hưu, ông rất thích vẽ. Lần này tôi cùng bố vẽ bức tranh dãy nhà thiêu xác đó. Bố đưa ra ý vẽ cột khói trắng làm điểm nhấn cho ký ức của tôi”.

Tác phẩm “Những âm thanh của ký ức” được cho là khó hiểu trong tổng thể sắp đặt của ba nghệ sĩ bởi không phải ai cũng được nghe lịch sử của nó. Bức tranh để trong góc tối, cạnh một cái tủ gỗ với ngăn kéo mở để lộ chiếc tai nghe bác sĩ. Hiện giờ các bệnh viện đã trang bị tủ inox cho các y tá và giường bệnh. Chiếc tủ gỗ là đồ kỷ niệm của mẹ Minh khi về hưu. Mẹ ủng hộ ý tưởng, mang nó đến triển lãm hỗ trợ cho tác phẩm của con gái. Khán giả xem tranh, đeo tai nghe để cảm nhận về một nơi chốn đáng sợ.

Minh và người thân ngỡ ngàng về hiệu ứng của âm thanh và hình ảnh được sắp đặt hòa hợp đến như vậy. “Tôi đã học được rất nhiều từ Irene. Cô ấy đã dạy tôi cách kể chuyện trong tình huống tôi không có thiết bị công nghệ, không có tiền để chơi nghệ thuật”.

Một số khán giả nước ngoài thích tác phẩm, gợi ý “Mở xưởng” hoàn toàn đủ tầm để đi dự các triển lãm quốc tế.

MỚI - NÓNG