Từ sau 15h ngày 1/11, nhiều cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống của Công ty Cổ phần Xăng dầu HFC bắt đầu bán ‘nhỏ giọt’ và dần đóng cửa từ khoảng 16h với lý do hết xăng, dầu, chờ nhập hàng. Các tiểu thương liền mang chai xăng ra bán trước vỉa hè cây xăng với giá 30.000 đồng/lít.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại hệ thống cây xăng bán lẻ của Công ty cổ phần xăng dầu HFC ở nhiều tuyến phố Hà Nội đã tạm dừng bán với lý do hết hàng. Từ 16h ngày 1/11, cửa hàng bán lẻ xăng dầu của HFC ở đường Nguyễn Đình Chiểu đặt biển “tạm dừng phục vụ” vì không còn hàng để bán.
Cây xăng của doanh nghiệp này ở đường Võ Thị Sáu cũng trong cảnh “không phục vụ”, trong khi cây xăng trên tuyến phố Trần Khát Chân hết sạch xăng RON 95 và chỉ bán xăng E5 RON92.
Đáng chú ý, tình trạng tư nhân mang can xăng ra bán ngay trước cửa cây xăng nằm giữa lòng Thủ đô lại tiếp tục tái diễn tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu của HFC trên đường Nguyễn Đình Chiểu từ sau 18h.
Trước cảnh cửa đóng, then cài, không một nhân viên nào có mặt để giải thích vì sao đóng cửa, nhiều người dân phải ‘nghiến răng’, ‘nuốt nước mắt’ bỏ tiền đổ xăng từ những người bán lẻ trên vỉa hè trước cây xăng với giá 30.000 đồng/lít và 60.000 đồng/bình 2 lít để không bị rơi vào cảnh phải dắt xe về nhà.
Đến hơn 21h30, nhiều người dân đi đường cũng phải lắc đầu ngao ngán bỏ đi tìm cây xăng khác vì giá bán xăng vỉa hè quá ‘chát’.
Cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên đường Nguyễn Công Trứ lúc hơn 21h cũng trong cảnh rào kín cửa và tắt đèn tối om. Một người dân kê chiếc bàn nhựa trước cửa cây xăng để bán lẻ với giá 30.000 đồng/lít xăng.
Tình trạng đóng cửa không bán xăng dầu cũng diễn ra với cây xăng trên đường Trần Khát Chân và đường Võ Thị Sáu.
Anh Nguyễn Minh Diệu (Đại La, Hà Nội) cho biết đã phải đi lòng vòng gần 10km qua 5 cây xăng ở quận Hai Bà Trưng mà không mua được xăng. Sau đó, anh Diệu phải “nuốt nước mắt’ đổ tạm 1 lít xăng với giá 30.000 đồng để đi về nhà, mai tìm cách mua xăng sau.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu xác nhận, tình trạng một số cây xăng ở các quận Hà Đông, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàng Mai (Hà Nội) và một số cây xăng bán lẻ ở các khu vực vùng ven ngoại thành thông báo “hết xăng, còn dầu”.
Theo giải thích của các doanh nghiệp, việc nhập hàng từ các đầu mối rất khó khăn, lượng bán cũng nhỏ giọt từ ngày 28/10 nên các cửa hàng cũng bị thiếu nguồn. Cùng với đó, việc hết tiền nhập hàng cũng đang là vấn đề của nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong bối cảnh bị lỗ nặng kéo dài từ đầu năm đến nay.
Dù được điều chỉnh giá bán từ 15h ngày 1/11 nhưng tình trạng ‘treo cò’ dừng bán cũng được các doanh nghiệp bán lẻ ở nhiều địa phương khu vực phía Bắc và miền Trung xác nhận.
Theo giải thích của các doanh nghiệp bán lẻ, bản thân doanh nghiệp không nhập được hàng. Tại một số địa phương như Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, để nhập được xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối rất khó.
Đại diện một doanh nghiệp đầu mối lớn (đề nghị không nêu tên) cho biết, việc Bộ Công Thương phân giao hạn mức thêm cho một số doanh nghiệp đầu mối đang tạo ra gánh nặng lớn, đặc biệt trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu liên tục bị thua lỗ nhiều tháng qua.
Theo vị này, những biến động tỷ giá thời gian gần đây, cộng với những chi phí chưa được tính đủ cho doanh nghiệp xăng dầu đang bào mòn nguồn vốn của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành. Với những doanh nghiệp đầu mối mới cấp phép vài năm trở lại đây và các thương nhân phân phối, tình trạng mất vốn rất đáng quan tâm và cần sớm có giải pháp tháo gỡ triệt để nhằm tránh các hệ luỵ với thị trường.
“Về nguyên tắc, khi cơ quan quản lý đã phân giao, doanh nghiệp nhà nước sẽ gắng thực hiện đảm bảo. Nhưng với các doanh nghiệp tư nhân, nếu không được tháo gỡ các vướng mắc, việc thực hiện rất khó đảm bảo. Với tình hình này, nguồn cung xăng dầu sẽ thiếu từ nay đến hết quý I năm sau”, vị này cho hay.