Người 'gõ đầu' trẻ cá biệt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn một năm nay, anh Trương Công Triết (31 tuổi, ở xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cứ đêm đến lại đi kèm cặp thêm cho những em nhỏ chậm tiến bộ. Điều kì lạ là các em ai cũng háo hức học anh bởi cách dạy dễ hiểu, gần gũi.

Là nông dân, mỗi ngày anh Trương Công Triết phải làm rất nhiều việc ngoài cánh đồng cũng như chăn nuôi ở nhà. Anh còn có một cửa bán tạp hóa nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, buổi tối thay vì nghỉ ngơi, anh lại dành ra 2 tiếng để dạy kèm miễn phí cho các em nhỏ trong làng.

Anh Triết từng tốt nghiệp Cao đẳng ngành Điện hệ thống năm 2012, sau đó học tiếng Nhật và trải qua nhiều ngành nghề khác nhau ở Đà Nẵng và TPHCM. Năm 2015, anh quyết định bỏ về quê lập nghiệp. Tại đây, anh bắt đầu chăn nuôi, trồng trọt hoa màu, cắt keo thuê… trở thành một nông dân chính hiệu. Không có việc gì của nhà nông mà anh không làm được.

Người 'gõ đầu' trẻ cá biệt ảnh 1

Cứ đêm đến anh Trương Công Triết (31 tuổi, ở xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) lại trở thành một người thầy tận tâm với các em nhỏ. Ảnh: Loan Nguyễn

Cái duyên đưa anh đến với công việc “gõ đầu trẻ” từ hơn 1 năm nay. “Lúc đầu tôi chỉ dạy hai em nhỏ nghịch ngợm trong xóm vì các em hay qua chỗ tôi chơi và do gia đình nhờ. Sau đó gia đình thấy các em ngoan và tiến bộ hơn, từ đó các bạn khác cũng nghe tiếng mà xin đến học tôi”, anh Triết chia sẻ.

Hiện lớp học của anh Triết có 7 em, trong đó có 6 em lớp 6 và 1 em lớp 4. Lớp học rất đơn sơ, chỉ có vài chiếc bàn nhỏ xếp ngay ngắn trong trại công nhân của công trình - nơi anh Triết bán tạp hóa hằng ngày. Con đường đến lớp hầu hết là đường đất, nhiều hôm trời mưa đường trơn có em bị ngã lấm lem. Vậy mà các em vẫn đều đặn đi học mỗi đêm bởi cách dạy học dễ hiểu, cuốn hút của anh.

Em Nguyễn Hoàng Ý, học sinh lớp 6 của anh Triết, chia sẻ: “Anh Triết dạy tụi em thấy dễ hiểu nên dù đường xa và khó đi vẫn luôn cố gắng đến lớp đều đặn. Học kì trước em học trung bình mà đến giữa kì này em được lên học sinh khá rồi”.

Anh Triết không cố gắng nhồi nhét kiến thức cho các em mà luôn tạo sự thoải mái để dễ tiếp thu bài. “Dạy tụi nhỏ học phải linh hoạt, lúc cương lúc nhu. Em nào làm bài tốt tôi đều có phần thưởng nho nhỏ để các em có động lực. Học tốt thì có thưởng, còn học kém phải bị phạt để ghi nhớ. Trước khi phạt tôi phải nói cho rõ lỗi và đa số để các em tự phạt qua lại với nhau, có thế mới hiệu quả”, anh Triết bộc bạch.

Chị Trần Thị Lệ (47 tuổi, hàng xóm của anh Triết), nói thấy anh Triết hay quan tâm đến mấy đứa nhỏ quậy trong xóm nên chị gửi con theo học. Sau một thời gian chị thấy con mình học tiến bộ, lại ngoan hơn nên mong anh dạy học lâu dài. “Xóm tôi ai cũng nể phục Triết vì không chỉ cần cù, chịu khó lao động mà còn dạy tụi nhỏ rất có tâm. Dạy miễn phí, lâu lâu Triết còn dẫn tụi nhỏ đi chơi và toàn bộ chi phí tự bỏ ra chứ không lấy một đồng nào hết”, chị Lệ nói.

Đặc biệt, anh Triết dạy hết tất cả các môn học chứ không chỉ riêng những môn chính. Để làm được điều đó, ngoài những kiến thức thời đi học, anh còn phải tranh thủ lên mạng internet, mua sách về “học lại” để củng cố kiến thức. Mỗi tối anh kèm cho các em học 2 tiếng, rồi trở về nhà ngủ. Sáng sớm hôm sau cứ 5 giờ, anh lại yêu cầu các em dậy học bài.

Các em chưa bao giờ gọi anh Trương Công Triết một tiếng “thầy”, bởi anh luôn gần gũi, thân thiện với từng đứa. Nhưng sự tôn trọng và quý mến anh như một người thầy được thể hiện rõ qua những hành động, cử chỉ và tính tự giác học hàng ngày của các em.Với cách dạy học của anh, sau một thời gian em nào cũng tiến bộ rõ rệt, từ trung bình trở lên khá.

MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…