Người gánh năm kỳ án

Ông Hoàng Hữu Hiệp bên “thư viện” hồ sơ theo kiện
Ông Hoàng Hữu Hiệp bên “thư viện” hồ sơ theo kiện
TP - Hơn 10 năm nay, mỗi khi Quốc hội họp người ta lại thấy ông ở Hà Nội kêu kiện. Ông bay nhiều đến nỗi, được Vietnam Airlines cấp thẻ vàng (thẻ khách hàng thường xuyên). Hành trình kêu kiện của ông cũng thuộc diện có một không hai ở Việt Nam, cùng lúc gia đình ông gánh đến năm vụ án, trong đó vụ nào cũng có thâm niên chục năm trở lên, đều được lãnh đạo cấp cao cấp của Đảng và Nhà nước chỉ đạo điều tra, giải quyết. Nhưng...

Kỳ 1: Bỏ nghề báo đi khiếu kiện

Ông Hoàng Hữu Hiệp bên “thư viện” hồ sơ theo kiện
Ông Hoàng Hữu Hiệp bên “thư viện” hồ sơ theo kiện . Ảnh: Bá Kiên

Người đàn ông ấy tên Hoàng Hữu Hiệp ở 207/7 Nguyễn Trọng Tuyển, P8, quận Phú Nhuận, TPHCM. Ông Hiệp sinh năm 1954. Trước khi lâm cảnh đáo tụng đình, ông là một phóng viên. Khi ông tìm gặp tôi, cũng là nhờ một nhà báo thân quen giới thiệu.

Trong hơn 10 năm làm báo, tôi từng viết về nhiều vụ việc liên quan pháp luật, kiện tụng. Kinh nghiệm mách bảo, với những người khiếu kiện dằng dai như ông Hiệp, tốt nhất đánh bài chuồn, vì hoặc nó là chuyện cũ (bởi đã được nhiều báo viết) hoặc là những vụ việc vụn vặt, phức tạp khó nhận biết đúng sai.

Nhưng với những vụ việc của ông, nghe ông trình bày, tôi thấy lạ. Nó chẳng giống với câu “cải cách tư pháp” mà lãnh đạo các cơ quan tư pháp thường nói.

Ngay hôm đầu ông Hiệp đến toà soạn, tôi phát hoảng, khi ông chuyển cho tôi 5 tập hồ sơ, đã được đóng thành quyển, mỗi tập vài trăm trang giấy A4 phô tô. Mọi thứ được sắp xếp gọn gàng, khoa học. “Đúng là phóng viên đi kiện cũng có khác”, ông Hiệp cười!

Sau cái lần đầu ấy, tôi lần giở từng trang hồ sơ mà ông Hiệp gửi. Cả năm vụ việc của ông đều liên quan nhà cửa, đất đai. Vụ ít cũng chục năm, nhiều kéo dài 15 năm. Năm nay ông Hiệp 57 tuổi, ông bắt đầu bước vòng kiện tụng từ lúc 42 tuổi, khi tóc vẫn còn xanh.

Hỏi chuyện, tôi biết thêm ông từng là phóng viên của Tạp chí Thương mại, từng là cộng tác viên của nhiều tờ báo khác. Hỏi sao thôi làm báo, ông Hiệp buồn rầu: “Từ khi dính vào cái hành trình khiếu kiện đòi công lý, làm sao còn thời gian làm báo. Đời làm báo tôi quen biết nhiều người, cũng từng viết bài giải oan cho người này người kia, nhưng đến khi mình mắc phải, mới thấy cuộc đời khôn dại khó lường”.

Làm phúc phải tội

Xây dựng gia đình đã lâu nhưng vợ chồng Hoàng Hữu Hiệp mãi chẳng thể sinh con. Có bệnh vái tứ phương, hết đông tây y không kết quả, chiều vợ, anh lang thang chốn đền chùa cầu tự. Năm 1990, vợ chồng ông Hiệp đến chùa An Lạc Hạnh ở xã An Phước (Long Thành, Đồng Nai). Thời đó, ngôi chùa sơ sài, thiếu đủ thứ. Vợ chồng ông Hiệp đi lại thường xuyên, khi giúp tiền, khi cho gạo, giúp sư trụ trì và các chú tiểu phần nào bớt khó khăn.

Đến năm 1996, sư trụ trì chùa Nguyễn Văn Đức, thấy vợ chồng ông cũng dư giả, giới thiệu ông Hiệp mua đám đất 11.200 m2 nằm cạnh chùa, chủ đất là ông Trịnh Thành Nhơn, một doanh nhân. Cầu tự chưa được con, thì được đất. Ông Hiệp mua đám đất, giá hơn 100 lượng vàng. Không ngờ, vụ mua bán đất này, lại là khởi đầu cho cuộc đời đáo tụng đình của ông.

Khi mua đất, đã có sẵn lối đi trước cổng chùa An Lạc Hạnh. Sau khi thành chủ đám đất, ông Hiệp còn làm hợp đồng cho ông Nguyễn Văn Đức hưởng 70% hoa lợi của khu đất (vườn điều), đồng thời chi thêm 5 triệu đồng cho ông Đức. Đổi lại, ông Đức phải mở rộng thêm con đường cũ đi qua chùa.

Hai bên làm thỏa thuận tại trụ sở UBND xã, có sự chứng kiến của chủ tịch, bí thư xã. Nhưng sự đời thật giả khó lường. Vườn điều chặt xong, tiền cũng đã nhận, sư Đức quay ngoắt, rào luôn đường vào đám đất của ông. Chuyện khiếu kiện xảy ra từ đó.

Lô đất của ông Hiệp tại Long Thành (Đồng Nai) bị xây bít lối vào
Lô đất của ông Hiệp tại Long Thành (Đồng Nai) bị xây bít lối vào .

Ngày 1-10-2002, lần đầu tiên nhiều người chứng kiến phiên xử sơ thẩm giữa bên nguyên là ông Hiệp, bên bị là một nhà sư. Toà án huyện Long Thành tuyên ông Hiệp được sử dụng lối đi (ngang 8 m, dài hơn 22m), ông chỉ phải chi thêm cho chùa An Lạc Hạnh hơn một triệu đồng.

Đến phiên phúc thẩm, toà tỉnh xử tuyên ngược lại. Cửa công đường khép lại với ông. Thắng kiện, sư Đức lập tức cho xây nhà chắn ngay trước cổng vào khu đất, dù không có giấy phép xây dựng.

Hiếm có vụ án dân sự nào, mà sau khi xử, dù chẳng liên quan (vì là vụ việc dân sự) nhưng lãnh đạo xã An Phước có công văn đề nghị lãnh đạo Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao, xem xét lại vụ việc. Vì cho rằng, bản án không phù hợp với thực tế, gây bức xúc cho người dân địa phương.

Bị đập phá nhà giữa ban ngày

Trong khi vụ đường đi vào đám đất chưa xong, ông Hiệp lại gánh thêm vụ khác. Tháng 5-2001, ngôi nhà của vợ chồng ông ở số 6B Trần Cao Vân, phường ĐaKao, quận 1 bất ngờ bị một nhóm người tới đập, san phẳng. Tham gia và chỉ đạo đập nhà ông, không ai khác chính là ba người hàng xóm, gồm ông Lê Thanh Hùng, Võ Hồng Phúc và bà Nguyễn Lệ Thủy.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Hiệp ở 6B Trần Cao Vân bị người khác chiếm, khóa cổng vào
Ngôi nhà của vợ chồng ông Hiệp ở 6B Trần Cao Vân bị người khác chiếm, khóa cổng vào .

Nguyên cớ chuyện ông bị đập nhà, là do căn biệt thự số 6B Trần Cao Vân thuộc sở hữu nhà nước, phân cho 4 hộ, gồm: Lê Thanh Hùng, Võ Hồng Phúc, Trần Ngọc Thành và Nguyễn Minh Kiên ở.

Năm 1983, hộ ông Trần Ngọc Thành sang nhượng lại phần diện tích đang sử dụng cho vợ chồng ông Hiệp. Năm 2001, ông Hùng, ông Phúc bán lại phần diện tích của họ cho bà Nguyễn Lệ Thủy. Vì muốn lấy luôn căn biệt thự, bà Thủy đề nghị được mua nốt phần diện tích của vợ chồng ông Hiệp. Gia đình ông Hiệp không bán.

Liên tiếp từ ngày 8 đến ngày 9-5-2001, bà Thủy cùng ông Phúc, ông Hùng cùng một nhóm người đằng đằng sát khí, cầm búa tới đập phá, san phẳng căn phòng của ông Hiệp. Khi đó căn phòng đang được ông Hiệp cho một người thuê làm cửa hàng bán thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Sự việc xảy ra, gia đình ông Hiệp trình báo, Công an phường Đakao biết, chính quyền phường cũng biết, nhưng lần đầu, bà Thủy chỉ bị xử phạt hành chính 50.000 đồng. Ông Hiệp kêu kiện, Công an quận vào cuộc, thay vì xử lý kẻ vi phạm, thì Công an quận 1 quyết định đình chỉ điều tra.

Kiện miết, chỉ đến khi có chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, cơ quan điều tra Công an quận 1 mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với bà Thủy, tội “gây rối trật tự công cộng”. Lý lẽ họ đưa ra, vì không xác định được tài sản bị đập phá là của ai, dù vợ chồng ông Hiệp vẫn đóng tiền thuê nhà, thuế đất và đang là chủ cho thuê căn nhà.

Rồi vụ án cũng được đưa ra xét xử, nhưng bà Thủy chỉ bị phạt 5 triệu đồng, ông Hùng và ông Phúc ngoài vòng tố tụng. Ông Hiệp kháng cáo, phiên phúc thẩm TAND TPHCM xử, gần như giữ nguyên án sơ thẩm. Chuyện thật mà như bịa. Không chịu cảnh mất nhà và thủ phạm cứ nhởn nhơ, mỗi tháng đôi ba lần ông Hiệp bay ra bay vào, kêu kiện tới các cơ quan trung ương.

Gần 5 năm sau, lời kêu của ông cũng thấu đến lãnh đạo Viện KSNDTC. Ngày 3-4-2006, Phó Viện trưởng Viện KSNDTC Dương Thanh Biểu ký kháng nghị giám đốc thẩm số 04, khẳng định bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết luận Nguyễn Lệ Thủy phạm tội “gây rối trật tự công cộng” là không đúng bản chất vụ việc và hành vi phạm tội của bị cáo, mà hành vi của bị cáo là “hủy hoại tài sản”; việc không xử lý đối với ông Hùng và ông Phúc là để lọt người phạm tội.

Sau đó, ngày 20-6-2006, Toà hình sự TANDTC xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại, theo đúng kháng nghị của Viện KSNDTC. “Nhưng đã bốn năm qua, tôi không thấy cơ quan điều tra hỏi han gì, tôi không biết họ có điều tra lại hay không. Vụ việc bị lãng quên...”, ông Hiệp bức xúc.

Trong khi vụ đập phá nhà của ông Hiệp còn đang trong vòng tố tụng, trên hiện trường căn biệt thự 6B Trần Cao Vân, những hộ còn lại đã kịp sang tên qua nhiều tay. Trên nền ngôi nhà cũ của gia đình ông Hiệp, đã mọc lên căn nhà mới khang trang, đứng tên bà Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Phó tổng giám đốc Cty mì Vifon, hiện đang bị bắt giam liên quan vụ án tham ô tại công ty này). Bà Huyền vô trại, chồng bà khoá cổng, chiếm luôn cả phần diện tích của vợ chồng ông Hiệp. Ông Hiệp tiếp tục kiện...

Ngoài hai vụ trên, ông Hiệp còn mắc ba vụ việc khác. Vụ việc nào cũng sáng rõ như ban ngày, đã được cơ quan trung ương chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, xuống đến cơ sở lại tắc. “Có lúc tôi định tìm đến cái chết cho xong chuyện, nhưng nghĩ lại, mình chết rồi ai theo kiện tiếp...”, ông Hiệp tâm sự.

Kỳ sau: Lao đao tìm công lý

MỚI - NÓNG