Người “gác gôn” bảo vệ tiền gửi của người dân và ngân hàng

TP - Bên cạnh mục tiêu tối thượng là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) còn góp phần quan trọng trong việc bảo đảm sự an toàn của hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia, tránh đổ vỡ dây chuyền hoặc khủng hoảng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Vậy có thể nói không ngoa, đây chính là người gác gôn cho người dân và ngân hàng.

> 10 Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2013

Bảo vệ người yếu thế

Chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là cơ sở pháp lý cao nhất để chính sách BHTG tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tạo điều kiện để tổ chức BHTG phát triển theo kịp với thị trường tài chính - tiền tệ- ngân hàng.

Thường là những người thiếu thông tin và ít có khả năng tự bảo vệ; đồng thời góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Chính phủ đã thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để thực thi nhiệm vụ trên.

Với điểm đặc biệt của hình thức bảo hiểm này là người được bảo hiểm (người được hưởng quyền lợi bảo hiểm, cũng tức là người gửi tiền) không phải là người tham gia bảo hiểm và trả phí bảo hiểm mà là các tổ chức huy động tiền gửi (tổ chức huy động tiền gửi là người trả phí). Điều này đồng nghĩa BHTG là hình thức bảo hiểm tham gia bắt buộc đối với các tổ chức có huy động tiền gửi của dân cư.

Tuy nhiên, cũng ít người hiểu một cách rõ ràng về nhiệm vụ cũng khá quan trọng khác của tổ chức tài chính Nhà nước được Chính phủ thành lập và quy định chức năng nhiệm vụ này. Đó là bảo đảm sự an toàn của hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia, tránh đổ vỡ dây chuyền hoặc khủng hoảng.

Để làm được điều này, trước hết BHTGVN tạo ra cơ chế giám sát, cảnh báo, ngăn chặn và hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG phòng tránh rủi ro trong kinh doanh. Từ đó góp phần rất lớn vào bảo đảm an toàn hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia và tránh được những đổ vỡ có tính dây chuyền, thường là căn nguyên của những cuộc khủng hoảng tài chính, thậm chí là khủng hoảng kinh tế.

Các số liệu cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, BHTGVN thực hiện giám sát định kỳ đối với 90 ngân hàng thương mại, 11 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 1.136 quỹ tín dụng nhân dân và quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.

Trên cơ sở báo cáo của các tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của các đơn vị, phát hiện kịp thời những biểu hiện yếu kém, vi phạm quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, từ đó đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan liên quan biện pháp xử lý kịp thời.

Theo các chuyên gia, cùng với giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ giúp đánh giá chính xác hơn thực trạng hoạt động, việc chấp hành, triển khai quy định pháp luật về BHTG và mức độ rủi ro đang có hay còn tiềm ẩn của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Tính đến 31/12/2012, BHTGVN đã cấp mới, cấp đổi, cấp bổ sung, cấp lại 3.146 Chứng nhận BHTG (tăng gần 4 lần so với năm 2011) cho các tổ chức tham gia BHTG và thu hồi 514 Chứng nhận BHTG (tăng 6 lần so với năm 2011) đối với các trường hợp đổi tên, sáp nhập, hợp nhật, đóng cửa.

Các số liệu thống kê cũng cho thấy, năm 2012, BHTGVN đã thu phí của 1.229 tổ chức tham gia BHTG với tổng số phí thực nộp hơn 2.057 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với năm 2011. Tổng số dư tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm khoảng 1,5 triệu tỷ đồng (năm 2011 khoảng 1,1 triệu tỷ đồng).

Phần lớn các tổ chức tham gia BHTG chấp hành tốt quy định về tính và nộp phí, góp phần tăng cường nguồn lực cho BHTGVN để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.

Theo Báo giấy